pnvnonline@phunuvietnam.vn
Không uống rượu bia, vì sao vẫn mắc bệnh gan nhiễm mỡ?
Gan nhiễm mỡ không do rượu (Nonalcoholic fatty liver, NAFLD) là một trong những chẩn đoán mà mọi người có thể gặp khi đi khám, đây là khái niệm chung để nói về nhiều bệnh lý xảy ra khi gan chứa nhiều mỡ. Theo BS. Huỳnh Wynn Trần, bệnh gan nhiễm mỡ thường xảy ra ở các nước phương Tây, đặc biệt là tại Hoa Kỳ (khoảng 25% dân số Hoa Kỳ có gan bị nhiễm mỡ).
Gan là một trong những cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể, nằm ở bên dưới ngực phải. Nhiệm vụ chính của gan là giải độc, chuyển hóa các chất đường, protein. Gan cũng là nơi dự trữ đường, sản xuất protein và mật. Chúng ta không sống được nếu như gan bị hỏng. Ung thư di căn đến gan là một trong lý do dẫn đến tử vong vì gan không hoạt động được.
1. Triệu chứng bệnh gan nhiễm mỡ
Giai đoạn đầu: Ở giai đoạn đầu bệnh gan nhiễm mỡ thường không có triệu chứng gì cả. Tin mừng là phần lớn bệnh nhân có gan nhiễm mỡ sẽ không sao cả, sẽ không gặp các biến chứng nguy hiểm. Khoảng 7-30% bệnh nhân có gan nhiễm mỡ tiến triển nặng hơn và bệnh nhân có thể có những triệu chứng như:
- Mệt mỏi
- Đau hay khó chịu vùng bụng trên bên phải, đầy hơi và sình bụng.
Giai đoạn muộn: Ở giai đoạn muộn, khi gan nhiễm mỡ có thể thành viêm gan, xơ gan, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng cụ thể như:
- Sưng phù bụng
- Giãn và thấy tĩnh mạch dưới da.
- Bàn tay đỏ
- Da và mắt vàng
2. Vì sao gan chúng ta bị nhiễm mỡ?
Các bác sĩ vẫn chưa tìm ra lý do chính xác vì sao gan của chúng ta bị nhiễm mỡ hay tại sao người này dễ bị nhiễm mỡ hơn người khác. Mặt khác, lý do vì sao khi gan nhiễm mỡ (NAFLD) của một số bệnh nhân lại dễ dẫn đến viêm gan cấp tính do nhiễm mỡ (NASH) hơn một số bệnh nhân khác cũng chưa được làm rõ. Tuy nhiên, một số bệnh sau có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ hay gan bị viêm cấp tính và xơ gan:
- Thừa cân hay béo phì: Lưu ý là người cân nặng bình thường vẫn có có thể bị cao mỡ trong máu và gan vẫn có thể bị nhiễm mỡ.
- Nhờn, kháng thuốc Insulin
- Bệnh tiểu đường và sắp tiểu đường (prediabetes)
- Cao mỡ trong máu, đặc biệt là cao triglycerides
Những bệnh trên có thể dẫn đến chuyển hoá nhiều mỡ hơn vào gan, khả năng lọc và chuyển hoá mỡ bị quá tải, dẫn đến tích tụ mỡ lâu dài.
Các rủi ro, bệnh lý khác có thể dẫn đến gan bị nhiễm mỡ bao gồm:
- Bệnh chuyển hoá (metabolic syndrome )
- Đa nang buồn trứng
- Ngưng thở khi ngủ
- Thấp/cao tuyến giáp
- Bệnh về tuyến yên
- Bệnh nhân lớn tuổi
- Bệnh nhân có nhiều mỡ bụng (bụng bia)
3. Chẩn đoán và điều trị gan nhiễm mỡ
Hầu hết gan nhiễm mỡ ít triệu chứng ở giai đoạn đầu. Do đó để chẩn đoán chính xác bệnh gan nhiễm mỡ, các bác sĩ sẽ hỏi về chế độ dinh dưỡng, cân nặng, bệnh sử gia đình, các bệnh về gan (viêm gan B/C) và cho xét nghiệm máu.
- Các xét nghiệm chẩn đoán gan nhiễm mỡ gồm: xét nghiệm máu CBC, theo dõi men gan, xét nghiệm siêu vi B/C, xét nghiệm về bệnh Celiac, bệnh tiểu đường, xét nghiệm mỡ trong máu.
- Chụp hình gan để xác nhận gồm siêu âm vùng bụng (thấy mỡ trong gan). Chụp CT cũng có thê thấy gan nhiễm mỡ nhưng không thể phân biệt được viêm gan nhiễm mỡ và gan nhiễm mỡ. Kỹ thuật siêu âm Elastography cho thấy các vùng xơ cứng của gan và đo độ cứng của gan. Chụp MRI cũng có thể thấy gan nhiễm mỡ.
- Sinh thiết gan để chẩn đoán ung thư gan hay gan bị nhiễm mỡ là một thủ thuật ít thực hiện. Trong vài trường hợp, bác sĩ sẽ cần lấy một phần gan để kiểm tra dưới kính hiển vi xem các tế bào gan thế nào.
Cho đến nay, chưa có thuốc nào được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận để chữa trị gan bị nhiễm mỡ. Các chữa trị chủ yếu hiện nay là chữa trị bệnh lý nền (như cao mỡ, béo phì, tiểu đường). Do đó, nếu chẳng may bị xơ gan do biến chứng của gan nhiễm mỡ, ghép gan có thể là một giải pháp.
4. Ngăn ngừa bệnh gan nhiễm mỡ bằng cách nào?
Để ngăn ngừa bệnh gan nhiễm mỡ, bác sĩ Huỳnh Wynn Trần đã đưa ra những lời khuyên sau:
- Chế độ ăn uống cân bằng và phù hợp là quan trọng nhất, nên ăn nhiều rau củ quả, và uống đủ nước.
- Giữ chế độ cân nặng hợp lý, nếu bạn thừa cân, bạn nên giảm cân ngay, không nên đợi khi gan bị nhiễm mỡ.
- Tập thể dục nhiều ngày trong tuần, thường là 3 lần/tuần với mỗi lần ít nhất 30 phút.
- Bảo vệ lá gan của bạn, không nên uống rượu và không dùng quá nhiều thuốc.
Ngoài ra, BS Huỳnh Wynn Trần cũng khuyến cáo, mọi người không nên tự ý giải độc gan, trường Y khoa Johns Hopkins cũng đã đưa ra lời khuyên về việc không nên uống các chất "giải độc gan" vì các chất này (thường là thực phẩm chức năng) không có sự chấp thuận của FDA và có thể nguy hiểm đến gan của bạn.