Khuẩn Salmonella khiến 223 trẻ ở Đông Anh ngộ độc nguy hiểm như thế nào?

19/11/2018 - 16:16
Con người có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella do ăn thực phẩm, đặc biệt là trứng, thịt bò, thịt gia cầm, trái cây hoặc uống nước hay sữa bị ô nhiễm. Vi khuẩn Salmonella có thể lây lan từ người này sang người khác nếu không rửa tay sau khi đi vệ sinh.

Vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Mầm non Xuân Nộn (huyện Đông Anh, Hà Nội) đang được dư luận hết sức quan tâm. Cũng bởi, ngoài số nạn nhân lớn (225 trường hợp) mà hầu hết còn là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân ban đầu khiên các bệnh nhi bị ngộ độc do nhiễm vi khuẩn Salmonella type 2. Vậy loại khuẩn này nguy hiểm như thế nào, có dễ lây lan không là câu hỏi được nhiều phụ huynh quan tâm.

Theo các chuyên gia, hiện có tới 2.000 type huyết thanh Salmonella khác nhau. Chúng gây bệnh cho người hoặc động vật hoặc cả hai. Con người có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella do ăn thực phẩm, đặc biệt là trứng, thịt bò, thịt gia cầm, trái cây hoặc uống nước hay sữa bị ô nhiễm. Vi khuẩn Salmonella có thể lây lan từ người này sang người khác nếu không rửa tay sau khi đi vệ sinh. Khuẩn Salmonella cũng có thể lây nhiễm sang người từ vật nuôi như rùa và bò sát. Đặc biệt, với trẻ nhỏ hoặc người cao tuổi, nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella cao hơn người trưởng thành do hệ miễn dịch suy yếu.

 

Các bệnh nhi tại Đông Anh bị ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn Salmonella

Khi bị nhiễm khuẩn Salmonella, người bệnh có biểu hiện chính là tiêu chảy. Triệu chứng này nếu ở thể nhẹ thì bệnh nhân sẽ bị đi phân lỏng từ 2 đến 3 lần mỗi ngày, trường hợp nặng thì từ 10 đến 15 phút lại bị tiêu chảy. Ngoài ra, còn có một số triệu chứng khác như máu trong phân, đau bụng, nôn mửa, sốt và nhức đầu. Lúc này, người nhà cần nhanh chóng đưa bệnh nhi đến BV đề điều trị để tránh biến chứng nặng sau này.

Theo các chuyên gia, những người có nguy cơ mắc phải khuẩn Salmonell cao, gồm đi du lịch hoặc làm việc ở những nơi hoặc khu vực có dịch bệnh Salmonella; làm việc trong phòng thí nghiệm hoặc tiếp xúc với vi khuẩn Salmonella; tiếp xúc với bệnh thương hàn. Người có hệ miễn dịch suy yếu do dùng thuốc như corticosteroid hoặc HIV. Ngoài ra, những trường hợp uống nước bị ô nhiễm có thể chứa Salmonella cũng có nguy cơ cao.

Để phòng bệnh do khuẩn Salmonella, người dân cần thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch sẽ bằng xà bông trước và sau khi chế biến thức ăn; không ăn trứng sống và chưa nấu chín; nấu chín kỹ thịt gà và chim cút; để riêng biệt giữa thực phẩm nấu chín và chưa nấu; Sau khi chế biến những món thịt sống, cần rửa sạch các dụng cụ chế biến, bếp… bằng xà bông hoặc dung dịch tẩy rửa. Những người bị tiêu chảy do Salmonella không nên chuẩn bị thức ăn, thức uống cho những người khác.

Khi phát hiện người bị bệnh cần được điều trị khẩn trương, cách ly để tránh lây lan cho người khác. Nguyên tắc điều trị diệt mầm bệnh là dùng kháng sinh nhưng phải dùng từ liều thấp đến liều cao nhằm tránh vi khuẩn chết nhiều một lúc làm tăng nội độc tố đột biến gây nguy hiểm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm