Kiện đổi con: Hãy ứng xử nhân văn với trẻ

15/07/2016 - 19:25
Liên quan đến trẻ bị trao nhầm, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng: Hãy ứng xử nhân văn với đứa trẻ, xem như mình có 2 con, một con đẻ ra và một là nuôi nấng. Còn nếu kiện thì luật pháp chưa quy định xử lý việc tranh chấp khi trẻ bị trao nhầm khi sinh.
tt-bo-y-te-tien-1b77d.jpg
 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến.
Trao đổi với PNVN về trường hợp trao nhầm trẻ sơ sinh tại Bình Phước vừa được phát hiện ít hôm, do sai sót từ phía bệnh viện (BV), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chia sẻ, người lớn hãy ứng xử nhân văn với con trẻ, coi sự cố là sợi dây kết nối giữa mình với bé.
Cụ thể, 3 năm trước, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Trang (phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long, Bình Phước) được người thân đưa vào BV Đa khoa thị xã Bình Long chờ sinh. Ngày 10/1/2013, bé gái chào đời tên Vũ Ngọc L. A. và được gia đình nuôi dưỡng.
Ba năm sau, người thân đi qua xã Phước An (huyện Hớn Quản, Bình Phước) gặp một bé gái rất giống với chị Trang. Bé gái đó là con của vợ chồng anh Huỳnh Văn Tuấn (xã Phước An). Gia đình chị Trang và anh Tuấn cùng đưa cả hai bé đi xét nghiệm ADN. Kết quả cho thấy, bé Vũ Ngọc L. A. là con của vợ chồng anh Tuấn. Còn bé gái được vợ chồng anh Tuấn nuôi là con ruột vợ chồng chị Trang.
BV Đa khoa thị xã Bình Long đã nhận trách nhiệm về sự cố nghiêm trọng này. BV cũng đã mời hai gia đình đến để hòa giải và đề nghị đổi con. Tuy nhiên, vợ chồng anh Tuấn không đồng ý đổi con nên gia đình chị Trang cho biết sẽ kiện ra tòa để đòi con.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, để tránh trao nhầm trẻ sơ sinh, hiện nay các BV làm rất chặt. Thông thường, các BV sẽ lấy một cặp số đeo vào tay mẹ và bé. Dây đeo số này rất bền, chắc và không thể rơi cũng như đứt được.
Cũng theo Thứ trưởng Tiến, nguy cơ nhầm thì vẫn có và nguyên nhân thường do nữ hộ sinh. Vì vậy, khi đeo số cho mẹ và bé, nữ hộ sinh cũng cần phải kiểm tra xem đã đeo đúng số cho cả 2 mẹ con chưa.
Về trường hợp của BV Đa khoa Bình Long, Thứ trưởng Tiến cho rằng, có thể trước đây BV thực hiện không tốt, khiến dây bị lỏng, rơi ra nên dẫn đến nhầm lẫn.
trao-nham-con-1.jpg
Vợ chồng chị Trang và bé L.A
Nói về chuyện gia đình chị Trang định khởi kiện đòi con, Thứ trưởng Tiến cho rằng, sự việc đã xảy ra thì phải làm sao để tốt cho cả hai gia đình và các bé. Vì vậy, các gia đình đừng tạo ra tâm lý nặng nề cho bản thân đứa trẻ. Nếu nhân văn hơn thì gia đình xem sự cố như là sợi dây kết nối. Như thế, mỗi bố mẹ có 2 con, một con do mình đẻ ra, một con nuôi dưỡng.
Với nữ hộ sinh trao nhầm, đây là sai sót của cô ấy. Bản thân nữ hộ sinh cũng chẳng muốn xảy ra sự nhầm lẫn. Nếu gia đình kiện, thì cứ đưa ra tòa. Tuy nhiên, hiện chưa có điều luật quy định xử lý tranh chấp trao nhầm con. Đó cũng là khoảng trống của pháp luật hiện hành. Bây giờ, nữ hộ sinh đó phải tìm cách xoa dịu nỗi bức xúc của hai gia đình. Đồng thời, không để xảy ra với các trường hợp khác bằng cách học hỏi, làm cho chuẩn qui trình và có ý thức. Các nhân viên khác cũng xem đó là bài học, để tự hoàn thiện bản thân mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm