“Kiềng ba chân” ngăn chặn tình trạng bỏ học ở trường dân tộc nội trú

PV
01/11/2023 - 10:23
“Kiềng ba chân” ngăn chặn tình trạng bỏ học ở trường dân tộc nội trú

Một tiết mục đồng diễn của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - Trung học cơ sở huyện Di Linh. Ảnh TL

Sự gắn bó chặt chẽ giữa nhà trường - cha mẹ học sinh và chính quyền, đoàn thể ở địa phương là “kiềng ba chân” vững chắc giúp Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - Trung học cơ sở huyện Di Linh từng bước ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học.

Di Linh là địa bàn có số lượng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với trên 66.000 người (chiếm 41,5% dân số), thuộc 18 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - Trung học cơ sở (DTNT-THCS) huyện Di Linh được thành lập nhằm góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có chất lượng cho đồng bào DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Học sinh của trường là con em vùng đồng bào DTTS, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, sự quan tâm của phụ huynh đối với việc học của các em chưa thực sự lớn. Bởi vậy nhiều năm trước đây, tỉ lệ học sinh bỏ học của trường từ 1% trở lên. Cá biệt có những năm, học sinh bỏ học trên 5%. Nhà trường đã phối hợp với Ban đại diện Cha mẹ học sinh triển khai thực hiện điều lệ của hội cha mẹ học sinh. Hàng năm, trường đều tổ chức "Đại hội cha mẹ học sinh".
Bên cạnh đó, trường cũng đã phối hợp tốt với các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường và các tổ chức xã hội nghề nghiệp để thực hiện các hoạt động giáo dục như: Cấp học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, giao lưu với các trường bạn, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ, lên lớp...

“Kiềng ba chân” ngăn chặn tình trạng bỏ học ở  trường dân tộc nội trú  - Ảnh 1.

Học sinh Trường Phổ thông DTNT-THCS Di Linh trong lễ Khai giảng năm học 2023-2024

Nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời hiện tượng học sinh bỏ học, nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thực hiện tốt việc vận động học sinh tới trường. Mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa nhà trường - cha mẹ học sinh và chính quyền, đoàn thể ở địa phương là "kiềng ba chân" vững chắc giúp Trường Phổ thông DTNT-THCS huyện Di Linh từng bước thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục và đào tạo. Đến nay, tỉ lệ học sinh bỏ học giảm xuống đáng kể. Kết quả duy trì sĩ số hàng năm trung bình đạt 99,2%.

Từ sự quan tâm của các cấp, các ngành, Trường Phổ thông DTNT-THCS huyện Di Linh đã không ngừng đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất. Hiện, các phòng học, phòng làm việc được trang bị máy chiếu, máy tính, kết nối internet phục vụ tốt cho dạy học và công tác quản lý. Đến nay, trường đã được xây dựng đủ phòng học cho học sinh học 2 buổi/ngày. Trường có nhà ăn tập thể rộng rãi, có sân chơi, bãi tập, đầy đủ các phòng chức năng. Khu nội trú của trường đảm bảo cơ sở vật chất cho 350 học sinh.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy và học, công tác chăm lo thể chất, tinh thần học sinh cũng được nhà trường quan tâm. Để đảm bảo an toàn cho học sinh nội trú, nhà trường đã đặc biệt chú trọng thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống bạo lực học đường. Công tác quản lý nội trú, chăm sóc và nuôi dưỡng học sinh của nhà trường có nhiều đổi mới, linh hoạt...

“Kiềng ba chân” ngăn chặn tình trạng bỏ học ở  trường dân tộc nội trú  - Ảnh 2.

Hoạt động ngoại khoá của học sinh Trường Phổ thông DTNT-THCS Di Linh

Trường Phổ thông DTNT-THCS huyện Di Linh hiện có đội ngũ giáo viên trẻ được đào tạo chuẩn đạt 100%. Số giáo viên giỏi cấp cơ sở càng ngày càng nhiều. Riêng năm học 2022-2023, trường có 2 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và 5 giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Theo chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Trần Trung Kiên, Trường Phổ thông DTNT-THCS huyện Di Linh chính là "ngôi nhà chung" của thế hệ các em học sinh đồng bào DTTS trên địa bàn. Trải qua 26 năm, nhà trường luôn nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; nhiều thế hệ con em các DTTS trên địa bàn đã trưởng thành từ ngôi trường này.

Được biết, liên tục nhiều năm qua, tỉ lệ học sinh xếp loại khá, giỏi của trường ngày càng tăng; tỉ lệ học sinh có học lực yếu từng bước giảm dần; tỉ lệ học sinh tốt nghiệp lớp 9 của trường đạt 100%. Đặc biệt, số lượng học sinh thi chuyển cấp vào lớp 10 hệ công lập năm sau cao hơn năm trước.

Nói về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024, thầy Trần Trung Kiên cho biết, năm học này, trường xác định nhiệm vụ tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giữ vững danh hiệu trường chuẩn quốc gia. Để đạt được mục tiêu trên, nhiều nhiệm vụ cụ thể đã được nhà trường xác định rõ. Trong đó, tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giáo dục và thực hiện các nhiệm vụ quản lý khác; đổi mới công tác quản lý và phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

Học sinh sôi nổi tham gia một số hoạt động của nhà trường

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm