Câu chuyện trở về những năm cuối thế kỷ 16, nơi Hoàng đế Jahangir đang trị vì một vùng đất có tên Hindustan (Ấn Độ sau này). Ông có rất nhiều con nhưng trong số đó ông đặc biệt yêu quý Hoàng tử Khurram, người con thứ 5 và là niềm tự hào của ông. Theo sử sách kể lại, hoàng tử nổi tiếng là một thanh niên tuấn tú và can đảm với nhiều biệt tài như đàn hay, hát giỏi, làm thơ, tinh thông võ nghệ. Chàng còn có công dẹp sạch những phần tử nổi loạn, đánh bật quân ngoại xâm, thống nhất đất nước.
Với tất cả lòng tự hào, Jahangir ban cho Khurram cái tên Shah Jahan (Vua của thế giới), một tiền lệ chưa từng có trong triều đại Mughal khi chức danh ấy lại thuộc về một người chưa lên ngai vàng. Và cũng từ đây, cái tên này gắn liền với một thời kỳ cực thịnh của vương triều Mughal sau những tranh chấp đẫm máu hòng chiếm đoạt ngai vàng khi Jahangir qua đời.
Hoàng hậu Mumtaz là con gái của Asaf Khan, quan đại thần trong triều đình Shah Jahan. Biết người đẹp từ khi chưa lên chấp chính, thái tử Khurram đã mê như điếu đổ. Vẻ đẹp khuôn trăng của bà đã hút hồn nhà vua tương lai và ông đã nhủ thầm đây sẽ là một người thực sự quan trọng đối với cuộc đời mình.
Hình vẽ hoàng hậu Mumtaz và hoàng đế Shah Jahan. |
5 năm sau, năm 1612, hai người kết hôn và từ lúc này trở đi bà trở thành một phần không thể thiếu trong nhịp đời gập ghềnh của Khurram. Ông yêu vợ đến mức đặt cho nàng cái tên Mumtaz Mahal, nghĩa là "người được yêu mến nhất".
16 năm sau, vào năm 1628, Shah Jahan lên ngôi hoàng đế, Mumtaz Mahal trở thành hoàng hậu xinh đẹp. Đạo luật Hồi giáo cho phép hoàng đế Shah Jahan có quyền cưới 4 vợ, nhưng sau khi lấy được Mumtaz Mahah, vị hoàng đế này đã không cưới thêm người phụ nữ nào nữa.
Thời kỳ trị vì của hoàng đế Shah Jahan và hoàng hậu Arjumand Banu Begum đem lại một thời kỳ hòa bình và thịnh vượng trong suốt triều đại Mughal. Không chỉ là người vợ xinh đẹp, hết mực yêu chồng, hoàng hậu Mumtaz Mahal còn trở thành cánh tay phải đắc lực, một vị cố vấn nhất mực trung thành với nhà vua trong những vấn đề quan trọng của triều đình, quân sự, kinh tế... Bà còn là một hoàng hậu luôn được lòng dân nghèo.
Nhờ sống bằng tình yêu mãnh liệt mà trong 19 năm sống bên nhau, hoàng đế Shah Jahan và hoàng hậu Mumtaz Mahah gần như không rời nhau nửa bước. Bà luôn bên cạnh nhà vua trong những lúc khó khăn nhất, kể cả những khi ông đi chinh chiến.
Ngôi đền Taj Mahal - công trình thể hiện tình yêu bất diệt của hoàng đế Shah Jahan dành cho vợ mình. |
Năm 1630, trong lúc chinh phạt những phần tử ly khai, hoàng hậu Mumtaz Mahal dù sắp đến ngày sinh nở vẫn đi theo chồng. Tuy nhiên, sau lần hạ sinh công chúa Gauhana Begum, cũng là đứa con chung thứ 14 của họ, Mumtaz Mahal đã kiệt sức. Nàng ra đi ở tuổi 39. Shah Jahan quá đau lòng nên đã ra lệnh rút quân, đưa nàng về cung điện. Hoàng đế đã phải thốt lên trong nỗi đau đớn tột cùng: "Chính tình yêu của ta đã giết chết nàng!". Theo một số sách sử kể lại rằng, chỉ trong vòng 2 tuần sau khi vợ mất, râu tóc hoàng đế đã bạc trắng. Từ đó đến cuối đời, ông không màng đến một người phụ nữ nào nữa.
Trước khi hoàng hậu Mumtaz Mahal qua đời, bà đã trăn trối với chồng 3 điều: một là ước nguyện hoàng đế sẽ tặng nàng một món quà tình yêu bất diệt để chứng minh tình cảm vĩnh cửu của hai người; hai là chăm sóc thật tốt những đứa con và ba là đến mộ nàng mỗi năm một lần vào ngày giỗ.
Từ đó, hoàng đế không màng đến việc triều chính, ông dành toàn bộ phần đời còn lại của mình để xây dựng lăng mộ - một công trình có một không hai cho hoàng hậu Mumtaz.
Đền Taj Mahal được khởi công xây dựng vào năm 1632 và hoàn thành 22 năm sau đó. Hoàng đế Shah Jahan đã huy động 22.000 nhân công, các kỹ sư và nghệ nhân hàng đầu của các nước xung quanh làm việc ngày đêm để hoàn thành công trình. Thoạt tiên, Taj Mahal có tên là Tat Bibica Rauza tức Nơi chôn cất Nữ hoàng của trái tim, còn cái tên sau này Taj Mahal có nghĩa là Vương miện của người Mughal.
Kiệt tác kiến trúc tráng lệ cùng chuyện tình hoàng gia Ấn Độ mãi trường tồn với thời gian. |
Taj Mahal là một khối kiến trúc khổng lồ, nằm bên dòng sông Yamuna. Toàn bộ lăng được xây dựng bằng đá cẩm thạch trắng - biểu tượng cho sự thanh khiết của hoàng hậu Mumtaz Mahal, cũng là màu mà hoàng hậu rất thích lúc sinh thời.
Công trình kiến trúc này chứa đựng một ma lực cuốn hút đủ làm rung động hàng triệu con tim, là di sản của lối kiến trúc Ấn - Hồi, vừa uy nghiêm, lộng lẫy mà vẫn rất tinh tế, nhẹ nhàng.
Những người chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Taj Mahal thường nói sở dĩ hoàng đế Shah Jahan có thể chọn được một mẫu kiến trúc say đắm lòng người đến vậy chỉ có thể do tình yêu vĩ đại mà ông đã dành cho người vợ yêu quý. Taj Mahal chính là thiên đường ông muốn mang lại cho vợ mình.