Kim ngân hoa: Vị thuốc Đông y giúp long đờm, giảm các triệu chứng cảm cúm

Vân Anh
10/04/2023 - 15:57
Kim ngân hoa: Vị thuốc Đông y giúp long đờm, giảm các triệu chứng cảm cúm

Cành, lá, hoa của kim ngân đều có thể được dùng làm thuốc

Kim ngân hoa là dược liệu được sử dụng nhiều trong các bài thuốc Đông y, có nhiều lợi ích sức khoẻ và có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh lý.

Kim ngân hay còn gọi là kim ngân hoa là dược liệu có nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Hoa, hạt, quả mọng và lá đều được sử dụng làm thuốc, hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý. 

1. Giới thiệu về cây kim ngân hoa

Kim ngân hoa hay còn gọi là kim ngân, nhẫn đông, song bào hoa, nhị hoa, kim đằng... là một loại dây leo, thân quấn. Các dạng cây bụi có thể cao từ 6 đến 9m, trong khi dây leo có thể cao từ 9 đến 24m.

Kim ngân hoa có cành nhỏ, khi cành còn non thường có màu xanh nhạt, bên ngoài được phủ một lớp lông tơ mịn. Đến khi trưởng thành, cành chuyển sang màu hơi đỏ, có vân, không có lông.

Lá kim ngân mọc đối, hình trứng dài hoặc mũi mác. Hoa mọc thành cụm, hình ống, có 2 môi, mùi thơm nhẹ, hoa mới nở thường có màu trắng, sau chuyển sắc vàng. Quả của cây kim ngân hoa hình cầu hơi tròn hoặc thon dài, quả mọng có đường kính khoảng 6–10 mm. Quả có thể có màu đỏ, đen hoặc xanh.

Cành, lá, hoa của kim ngân đều có thể được dùng làm thuốc, tuy nhiên hoa là bộ phận được sử dụng phổ biến hơn cả.

Kim ngân hoa chứa nhiều thành phần hóa học có lợi đối với sức khỏe như Saponin, Axit chlorogenic, Oxalic, Citric, Axit malic, Flavonoid, Geraniol, hex -1 -en, Carvacrol, Eugenol, α – pinen...

2. Tác dụng của kim ngân hoa

Từ xa xưa, kim ngân hoa đã được sử dụng như một vị thuốc cổ truyền, hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng khoa học xác đáng nào chứng minh cho những công dụng của loại cây này.

2.1. Giảm đau đầu

Kim ngân hoa có chứa đặc tính chống viêm và giảm đau, rất hữu ích trong việc điều trị chứng đau đầu dữ dội.

Nếu đang bị đau đầu, bạn có thể pha 2 thìa cà phê lá hoặc hoa kim ngân khô với nước sôi, ủ trong 10 phút và thưởng thức để thấy hiệu quả.

2.2. Hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa

Nụ hoa kim ngân khá hữu ích trong việc điều trị các vấn đề khác nhau liên quan đến tiêu hóa, chẳng hạn như hỗ trợ điều trị tiêu chảy hoặc viêm dạ dày ruột kéo dài do ngộ độc thực phẩm hoặc một số vấn đề khác.

Để hỗ trợ điều trị tiêu chảy, mọi người có thể đun khoảng 10 đến 12g cành và lá của kim ngân, sắc đến khi nước cô đặc là có thể sử dụng.

Kim ngân hoa: Vị thuốc đông y giúp long đờm, giảm các triệu chứng cảm cúm - Ảnh 2.

Nụ hoa kim ngân hữu ích trong việc điều trị các vấn đề khác nhau liên quan đến tiêu hóa (Ảnh: Internet)

2.3. Làm giảm các triệu chứng cảm cúm và cảm lạnh thông thường

Trà kim ngân cũng hữu ích trong việc làm giảm triệu chứng bệnh cúm hoặc cảm lạnh thông thường. Nếu bạn bị đau họng hoặc đau đầu, hãy thêm một ít mật ong vào trà kim ngân hoa và uống vài lần/ngày, điều này sẽ giúp bạn sẽ cảm thấy dễ chịu và nhanh chóng khỏi bệnh hơn.

Ngoài ra, khi bị cảm cúm, nhiệt độ cơ thể thường tăng cao hơn bình thường và gây khó chịu. Kim ngân hoa sẽ làm giảm nhiệt độ cơ thể, giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Đặc biệt, với công dụng hạ nhiệt, kim ngân hoa còn được sử dụng để thanh nhiệt, giải độc cơ thể vào những ngày nắng nóng.

2.4. Hỗ trợ giảm phù não

Phù não có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như chấn thương hoặc bệnh tật. Tình trạng này rất nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiều biến chứng.

Kim ngân hoa được biết đến như một bài thuốc tự nhiên hỗ trợ điều trị cho chứng phù não. Tuy nhiên, thảo dược này chỉ có tính hỗ trợ điều trị, không thay thế được các chỉ định của bác sĩ nên việc tuân thủ điều trị theo phác đồ là điều cần thiết để quá trình điều trị hiệu quả.

2.5. Có tác dụng diệt khuẩn, hỗ trợ điều trị bệnh hô hấp

Uống trà kim ngân hoa có thể hỗ trợ long đờm và điều trị ho, các bệnh hô hấp khác như hen suyễn, nhiễm trùng đường hô hấp trên. Theo Health Line, bạn có thể kết hợp cây kim ngân hoa với hoa cúc để hỗ trợ điều trị cảm lạnh và giúp giảm các triệu chứng bệnh đường hô hấp trên.

Kim ngân hoa: Vị thuốc đông y giúp long đờm, giảm các triệu chứng cảm cúm - Ảnh 3.

Kết hợp cây kim ngân hoa với hoa cúc có thể giúp giảm các triệu chứng bệnh đường hô hấp trên (Ảnh: Internet)

2.6. Cân bằng lượng đường trong máu

Kim ngân hoa có thể cân bằng glucose trong cơ thể và giữ ở mức khỏe mạnh. Có quá nhiều hoặc quá ít glucose trong cơ thể đều không tốt cho sức khỏe và dẫn đến các triệu chứng như mờ mắt, tăng cảm giác khát nước, mệt mỏi, thay đổi tâm trạng, đói, nhức đầu, chóng mặt, đổ mồ hôi, tim đập nhanh và các vấn đề khác.

Đặc biệt, uống kim ngân hoa thường xuyên giúp cân bằng lượng đường trong máu, phòng ngừa bệnh tiểu đường loại 2 hoặc các vấn đề sức khỏe khác.

Kim ngân hoa: Vị thuốc đông y giúp long đờm, giảm các triệu chứng cảm cúm - Ảnh 4.

Uống kim ngân hoa thường xuyên giúp cân bằng lượng đường trong máu, phòng ngừa bệnh tiểu đường loại 2 (Ảnh: Internet)

Ngoài những công dụng trên, kim ngân hoa còn được sử dụng để hỗ trợ giải độc cơ thể, điều trị viêm gan C, giảm thiểu các bệnh nhiễm trùng gây ra các bệnh như lao, liên cầu khuẩn, salmonella... giúp ngủ ngon hơn.

3. Một số lưu ý khi sử dụng kim ngân hoa

Mặc dù có nhiều công dụng đối với sức khỏe, nhưng các bạn nên lưu ý một số vấn đề sau khi sử dụng kim ngân hoa, tránh gặp các tác dụng phụ không mong muốn:

- Không có đủ thông tin đáng tin cậy về độ an toàn của kim ngân hoa với phụ nữ mang thai và cho con bú. Do đó, trường hợp này không nên sử dụng để đảm bảo sức khoẻ cho cả mẹ và con.

- Kim ngân hoa có thể làm chậm quá trình đông máu, vì vậy có lo ngại rằng nó có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trong và sau khi phẫu thuật. Vì vậy, bạn nên ngừng sử dụng kim ngân hoa ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật và sau phẫu thuật.

- Chiết xuất hoa kim ngân có thể an toàn khi sử dụng trong tối đa 8 tuần, nhưng bạn vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ, thầy thuốc Đông y về liều lượng sử dụng hợp lý.

- Khi thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường sau khi sử dụng kim ngân hoa, bạn nên ngừng uống loại thảo dược này và tham khảo thêm ý kiến từ bác sĩ.

- Kim ngân hoa chỉ có tác dụng hỗ trợ cải thiện sức khỏe và điều trị một số bệnh lý, không thay thế được các phương pháp điều trị do bác sĩ chỉ định.

Nguồn: Healthbenefitstimes
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm