Kinh hoàng nạn bắt cóc nữ sinh lấy tiền chuộc ở Nigeria

Nhu Thụy (Tổng hợp)
25/11/2021 - 22:24
Kinh hoàng nạn bắt cóc nữ sinh lấy tiền chuộc ở Nigeria

Nước mắt đoàn tụ của gia đình một nữ sinh bị bắt cóc đòi tiền chuộc

Theo Liên hợp quốc, trong vòng 11 tháng của năm 2021, đã có hơn 2.000 trẻ em và thanh niên ở Nigeria bị bắt cóc.

Sau khi hai con bị những kẻ có vũ trang bắt cóc và mang đi khỏi ký túc xá Trường Đại học Greenfield tháng 4/2021, ông Sani đã tình nguyện giao tiền chuộc để đổi lấy con mình. Ông đã chuẩn bị lượng tiền giấy lên đến hơn 40 triệu naira (97.000 USD) đựng trong hai chiếc túi với hy vọng giải cứu con mình và những sinh viên bị bắt khác. "Tôi đã cùng với ban giám hiệu của trường đến một địa điểm để nộp tiền chuộc, đón những đứa trẻ trở về", ông Sani cho biết. Trong vụ tấn công này, kẻ cầm đầu đòi đến 800 triệu naira (gần 2 triệu USD) mới chịu thả con tin. Khi chưa nhận được tiền, chúng đã giết năm người trong số những con tin đó.

Bắt cóc đã trở thành "căn bệnh trầm kha" ở miền Bắc Nigeria. Những tên cướp là các tay súng được trang bị vũ khí hạng nặng đã giết hại, bắt cóc và khủng bố những cộng đồng nghèo khó. Tình trạng vô pháp đã hình thành từ nhiều năm ở Nigeria, phát triển từ khủng hoảng kinh tế; trong khi đó, cảnh sát dường như không quan tâm đến vấn đề này còn chính quyền thì từ chối can thiệp. Việc chính phủ hầu như rất ít có biện pháp cứng rắn trước tình trạng bắt cóc tống tiền khiến người dân phẫn nộ. Gia đình ông Sani và nhiều phụ huynh có con bị bắt cóc khác đã bán tất cả tài sản của mình để có tiền chuộc con trong khi lực lượng an ninh lại hầu như không có hành động cần thiết nào. "Nếu có điều kiện, tôi sẽ chuyển các con tôi ra khỏi đất nước này để chúng được học hành", ông Sani nói.

Kinh hoàng nạn bắt cóc nữ sinh lấy tiền chuộc ở Nigeria - Ảnh 1.

Boko Haram là một tổ chức khủng bố cực đoan lâu đời, hoạt động ở vùng Đông Bắc Nigeria

Giới chức Nigeria phủ nhận chuyện trả tiền chuộc, song các chuyên gia tỏ ra nghi ngờ, đồng thời lo lắng tệ nạn trên sẽ không có điểm dừng. Ông Babuor Habib, một chuyên gia an ninh địa phương, nhận xét: "Bọn bắt cóc đã tìm ra cách kiếm hàng triệu naira một cách dễ dàng. Tuy nhiên, không chỉ tội phạm hưởng lợi từ các vụ bắt cóc quy mô lớn. Quá trình đàm phán bí mật để giải cứu nạn nhân tạo điều kiện cho các quan chức tham nhũng của chính phủ tư túi".

Boko Haram là một nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan được thành lập và hoạt động tại Nigeria. Hơn một thập kỷ qua, nhóm Boko Haram khủng bố vùng Đông Bắc Nigeria bằng cách giết chết hàng chục nghìn người và đưa những kẻ đánh bom liều chết vào các khu chợ sầm uất. Chúng còn tiến hành nhiều vụ bắt cóc nữ sinh, điển hình như vụ bắt cóc 276 nữ sinh gây chấn động ở Chibok năm 2014 khi Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ước tính còn 173 em mất tích. Kể từ vụ bắt cóc này, các nhóm vũ trang ở Nigeria đã liên tiếp tiến hành bắt cóc với yêu cầu tiền chuộc lên tới hàng trăm nghìn USD/vụ. Với nền kinh tế đang khủng hoảng, theo báo The New York Times (Mỹ), bắt cóc ngày càng nở rộ ở Nigeria. Nạn nhân không chỉ là người giàu có, nổi tiếng hay quyền lực mà cả người nghèo, đặc biệt là học sinh, cũng trở thành đích nhắm. Trẻ em, nữ sinh là mục tiêu của các băng đảng. Chúng thường tấn công vào các trường nội trú với cách thức ngày càng táo bạo hơn. Điều đáng nói là những tên bắt cóc lại hành xử như những người nổi tiếng, hiên ngang đưa ra yêu cầu tiền chuộc trên các đài phát thanh và thậm chí là cho phép các nhà báo phỏng vấn chúng.

Kêu gọi chung tay ngăn chặn

Masauda Umar, học sinh trường Trung học Nữ sinh Jangebe ở Nigeria, vẫn còn bàng hoàng khi nhớ lại những điều đáng sợ mà mình phải trải qua. Umar đã may mắn trốn thoát khỏi một vụ bắt cóc. Tuy nhiên, hàng trăm bạn học của em vẫn chưa biết sống chết ra sao. Theo Liên hợp quốc, chỉ trong năm 2021 đã có hơn 2.000 trẻ em và thanh niên bị bắt cóc ở Nigeria, trong đó nhiều người vẫn chưa rõ tung tích. Vụ gần đây nhất là ở Zamfara tháng 9/2021 khi 73 học sinh bị bắt cóc từ một trường trung học. Trước đó, vào tháng 7, 140 học sinh tại Trường Trung học Bethel Baptist, ở bang Kaduna cũng bị bắt cóc, có 25 người đã trốn thoát. Peter Hawkins - Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ở Nigeria - cho biết, tình trạng mất an ninh đang gây ra một cuộc khủng hoảng giáo dục ở nước này, cản trở những kết quả đạt được trong việc giữ chân học sinh đến trường, đặc biệt là trẻ em gái. "Chúng tôi không muốn đưa trẻ đến trường", nhiều phụ huynh cho biết.

Kinh hoàng nạn bắt cóc nữ sinh lấy tiền chuộc ở Nigeria - Ảnh 2.

Nữ sinh - đích ngắm của các nhóm cực đoan

Cha Emmanuel Uche Okolo - Chưởng ấn của giáo phận Kafanchan của Nigeria - cho biết, tối 11/10/2021, đại chủng viện Chúa Kitô Vua của giáo phận ở Fayit, cách Kafanchan gần 20km, đã bị cướp tấn công và 3 chủng sinh đã bị bắt cóc khi đang ở trong nhà nguyện của chủng viện. Sau vụ tấn công, 6 chủng sinh bị thương ở các mức độ khác nhau đã được đưa đến bệnh viện chữa trị. Ông Thomas Heine-Geldern - Giám đốc điều hành của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ - chia sẻ: "Việc bắt cóc các chủng sinh hay nhiều nữ sinh vô tội ở Nigeria là một hành động đáng ghê tởm. Chúng tôi kêu gọi những kẻ bắt cóc trả tự do cho những người trẻ tuổi này. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng bỏ qua những hành động tàn bạo đang diễn ra hàng ngày do các nhóm phiến quân Boko Haram, Fulani... trên khắp đất nước gây ra".

Nhiều vụ bắt cóc gần đây cho thấy, Nigeria vẫn đang lúng túng trước sự lộng hành của các nhóm phiến quân, khủng bố. Theo nhận định của BBC, Chính phủ Nigeria chưa đủ năng lực quân sự để trấn áp sự nổi dậy của phiến quân và người dân đang dần mất niềm tin vào khả năng bảo đảm an ninh của chính quyền. Giới chuyên gia an ninh cho rằng, giải pháp phù hợp nhất hiện nay là các cơ quan an ninh của Nigeria cần nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ đất nước khỏi các phần tử tội phạm, đầu tư nhiều hơn cho công tác huấn luyện binh sĩ, cảnh sát và thúc đẩy năng lực tự phòng vệ của người dân. 

Chính phủ Nigeria đã đưa ra một số biện pháp ngăn chặn bạo lực như cấm mua bán súng đạn, trang bị thêm vũ khí cho lực lượng cảnh sát và quân đội... Lực lượng an ninh Nigeria ngày 7/10 đã tiến hành giải cứu 187 người bị các băng nhóm có vũ trang ở bang Zamfara, phía Tây Bắc nước này bắt cóc. Vụ giải cứu này diễn ra sau khi nhà chức trách Nigeria phát động một chiến dịch an ninh lớn chống kẻ bắt cóc. Những người được giải cứu hầu hết là phụ nữ và trẻ em.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm