Kính mắt cơ năng - phép màu cho người mù

25/12/2016 - 15:41
Lần đầu tiên, người mù có thể nhìn thấy được ánh sáng bằng một loại kính mắt cơ năng được thử nghiệm tại bệnh viện Manchester, Anh.

Từ xưa đến nay, bị mù luôn đồng nghĩa với việc sẽ không còn nhìn thấy ánh sáng nữa. Vậy nhưng, có lẽ trong tương lai gần, khái niệm này sẽ thay đổi khi mới đây, tại bệnh viện Manchester của Anh, thử nghiệm về chiếc kính cơ năng học dành cho người mù đã đem lại những kết quả vô cùng khả quan. Thử nghiệm đã cho thấy sự đột phá trong việc phục hồi thị giác của những người tham gia.

kinh-mat-co-nang-phep-mau-cho-nguoi-mu-ac-11.jpg
Hình ảnh mô phỏng kính Argus II.

Ban đầu, các bác sĩ tại bệnh viện Manchester đã chọn ra 10 người bị mắc chứng Retinitis Pigmentosa (Thoái hóa võng mạc) tham gia thử nghiệm. Sau đó, họ tiếp tục lọc ra 3 người phù hợp nhất và trang bị cho họ một thiết bị camera gọi là Argus II. Thiết bị này có khả năng gửi tín hiệu không dây tới thụ thể là một cảm biến được cấy vào võng mạc người bệnh. Và tín hiệu này được não bộ chuyển đổi thành hình ảnh.

Ông Keith Hayman, 68 tuổi, đã bị mù 25 năm và là một trong ba người được trang bị thiết bị cơ năng học trên, cho biết: “Sau khi dành hơn nửa cuộc đời của mình trong bóng tối, bây giờ tôi đã có thể trông thấy cháu tôi chạy về phía tôi và ánh sáng lấp lánh trên cây thông Noel”.

Giáo sư Paulo Stanga, người chịu trách nhiệm theo dõi tình hình thử nghiệm trên ông Keith, nói: “Nó đã vượt xa mọi sự mong đợi của chúng tôi. Tôi rất vui mừng vì nghiên cứu của chúng tôi đã cung cấp đủ bằng chứng để  Sở y tế Quốc gia Anh (NHS) quyết định tài trợ cho kính mắt đầu tiên dành cho người mù”.

kinh-mat-co-nang-phep-mau-cho-nguoi-mu-ac.jpg
Giáo sư Stanga và ông Keith Hayman.

Được biết, Argus II là sản phẩn được phát triển bởi công ty Second Sight Medical Products của Mỹ. Để sử dụng sản phẩm này, bệnh nhân phải phẫu thuật cấy ghép một cảm biến vào võng mạc. Từ đó, camera gắn trên cặp kính có thể gửi tín hiệu không dây trực tiếp đến các dây thần kinh có nhiệm vụ kiểm soát tầm nhìn. Và não bộ sẽ giải mã thông tin đó thành những tia sáng.

Gregoire Cosendai, Phó tổng giảm đốc của Second Sight tại châu Âu nói: “Argus II làm cho một sự khác biệt thực sự dành cho những người bị mù khi họ ở nhà một mình hay muốn tự ra ngoài”.

Việc Sở ý tế Quốc gia Anh (NHS) quyết định tài trợ cho dự án này vào năm tới sẽ mở ra một cơ hội tuyệt vời tìm lại ánh sáng cho những người bị mù.

Tuy nhiên, các bệnh nhân trong thử nghiệm vẫn tiếp tục phải được theo dõi trong vòng 1 năm trước khi các bác sĩ chắc chắn nó hoạt động tốt với tất cả những người khác.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm