Theo chị Keziah Hương, giai đoạn bé dưới 6 tuổi, con chị được chơi tự do rất nhiều, thậm chí đồ chơi toàn các con tự chế. Một số hoạt động cũng được chị Keziah Hương ưu tiên là cho con khám phá thiên nhiên và trải nghiệm thật nhiều trong cuộc sống cùng cha mẹ. “Trước 6 tuổi tôi không ép con học chữ, làm toán, vẽ tranh, tập đàn kiểu kĩ thuật” - chị Keziah Hương nói.
Chị Hương cũng thường xuyên cho con đi giao lưu với các nhóm bạn có cùng sở thích như học tiếng Anh và nghệ thuật. Để tăng kỹ năng giao tiếp xã hội, chị cho các con tham gia hoạt động cộng đồng theo nhóm vào mỗi sáng chủ nhật. Chị tích cực tìm kiếm những nơi phù hợp để con có môi trường giao tiếp xã hội nhiều hơn.
“Quan trọng là bố mẹ chủ động trao cho con quyền tự giải quyết khó khăn, xung đột trong cuộc sống, tự bảo vệ bản thân nơi công cộng từ trong gia đình đến những nhóm nhỏ. Vì vậy, mình hoàn toàn yên tâm về các kĩ năng xã hội cũng như khả năng hòa nhập cộng đồng của các con” – chị Hương chia sẻ.
Một buổi học trải nghiệm tại nhà do chị Keziah Hương kết nối và tổ chức cho các con. Ảnh: phamthienhuong.com. |
Còn với kinh nghiệm của chị Đặng Phương Nam, homeschool phù hợp với các cha mẹ làm việc tự do và muốn dành thời gian cho con. Theo chị, nhu cầu chơi tự do và vận động của trẻ nhỏ rất cao - đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giúp não trẻ phát triển tốt. Tuy nhiên, một ngày học kéo dài từ sáng tới chiều có thể quá tải với rất nhiều trẻ nhỏ, đặc biệt là khi thời gian chơi tự do và vận động quá ít.
Với homeschool, không khó để cho con được chơi và vận động theo cách mà con muốn. Tùy vào nhu cầu học và vận động của bé, cha mẹ tự lựa chọn nội dung học cho phù hợp . Cha mẹ có thể điều chỉnh nội dung học để tập trung khuyến khích bé phát triển sở thích, cũng như bỏ qua những gì không cần thiết. Nội dung là tuỳ mỗi gia đình.
“Bạn thậm chí có thể dạy thêm bé yoga nếu bạn muốn, hoặc dạy bé đi chợ, nấu ăn, cho bé làm quen với âm nhạc, dạy bé các giá trị sống qua những tình huống đời thường... Không phải cứng nhắc như khuôn khổ trường học chính là cách giúp trẻ không cảm thấy áp lực, hào hứng với việc học” - bà mẹ trẻ Đặng Nam Phương chia sẻ kinh nghiệm.
Theo chị Keziah Hương, phụ huynh quan tâm đến homeschool cần lưu ý một số điều: - Xác định rõ mục tiêu và mong ước khi chọn phương án homeschool cho con và cũng nên lượng sức xem mình có đủ tâm huyết và thời gian để nâng cấp chuyên môn thì mới có thể giúp con được. - Cha mẹ là người hiểu con hơn hết nên nếu để ý quan sát con, tìm tòi học hỏi những kiến thức liên quan đến con thì cha mẹ hoàn toàn có thể chọn được những chương trình phù hợp để con phát triển tốt nhất. - Tận dụng môi trường thực tế để sáng tạo ra những bài học thực tiễn giúp con xây dựng thói quen tốt. - Nên tích cực tham khảo kinh nghiệm homeschool của những gia đình từng áp dụng thành công trên thế giới. - Xây dựng mối liên hệ tình cảm tốt với con giúp con phát triển toàn diện. Bởi dù dạy con theo phương pháp nào thì điều quan trọng hơn cả vẫn là giúp con hình thành nhân cách và dạy con biết yêu thương. |