Kỳ họp thứ 9 sẽ chất vấn bằng văn bản với các thành viên Chính phủ

PV
20/05/2020 - 09:50
Kỳ họp thứ 9 sẽ chất vấn bằng văn bản với các thành viên Chính phủ

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu Phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV

Phát biểu Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sáng nay (20/5), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, trong bối cảnh đang tập trung tối đa cho công tác phòng, chống dịch, khôi phục sản xuất kinh doanh, thay vì chất vấn trực tiếp tại phiên họp toàn thể như thông lệ, các đại biểu Quốc hội sẽ gửi chất vấn bằng văn bản đến các thành viên Chính phủ, các vị Trưởng ngành.

Sáng 20/5, Quốc hội họp Phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 9 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, bằng hình thức họp trực tuyến. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Bước vào năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã làm hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, giao thương, đầu tư bị gián đoạn. Cùng với đó, nước ta còn chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai diễn ra cực đoan, bất thường, gây thiệt hại lớn ở nhiều khu vực trong cả nước…

Đến nay, bước đầu chúng ta đã cơ bản kiểm soát được bệnh dịch, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng, bảo đảm sự an toàn về tính mạng và sức khỏe của người dân. Các giải pháp ứng phó của Việt Nam được các quốc gia, tổ chức quốc tế đánh giá cao và ghi nhận là điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao tinh thần không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh của đội ngũ cán bộ y tế, chiến sĩ quân đội, công an nhân dân và các lực lượng chức năng trên tuyến đầu phòng, chống dịch; sự ủng hộ, ý thức chấp hành, chia sẻ của mọi tầng lớp Nhân dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Thắng lợi bước đầu này là kết quả của tinh thần quyết tâm cao, sự thống nhất trong hành động và ý chí vươn lên của cả hệ thống chính trị; thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tính ưu việt của chế độ và tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Về chương trình nghị sự kỳ họp này, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo bổ sung về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình triển khai thực hiện năm 2020. Đồng thời các vị đại biểu Quốc hội cần nghiên cứu, phân tích thấu đáo, thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, khách quan để xác định phương hướng, giải pháp hữu hiệu nhằm sớm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Quốc hội cũng xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, nhiều dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 06 dự án luật khác; cùng với đó xem xét, phê chuẩn 03 điều ước quốc tế gồm: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Kỳ họp 9 chỉ chất vấn bằng văn bản với các thành viên Chính phủ - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em"; xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và xem xét một số nội dung quan trọng khác.

Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định: trong bối cảnh cả hệ thống chính trị, nhất là Chính phủ, các bộ, ngành đang tập trung tối đa cho công tác phòng, chống dịch, khôi phục sản xuất kinh doanh, thay vì chất vấn trực tiếp tại phiên họp toàn thể như thông lệ, các vị đại biểu Quốc hội sẽ gửi chất vấn bằng văn bản đến các thành viên Chính phủ, các vị Trưởng ngành về những vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm. Các văn bản chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tổng hợp để báo cáo Quốc hội.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, gồm:

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;

- Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP);

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp;

- Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án;

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng;

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội;

- Luật Thanh niên (sửa đổi);

- Luật Doanh nghiệp (sửa đổi);

- Luật Đầu tư (sửa đổi).

Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 5 dự thảo Nghị quyết như: Dự thảo Nghị quyết, Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA); Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm