Kỳ lạ hiện tượng khóc ra 'kim cương' và 'pha lê'

26/09/2018 - 06:50
Khi khóc, thường nước mắt chảy ra. Tuy nhiên, có nhiều người lại khóc ra “kim cương” hay “pha lê”… Các nhà khoa học dẫu tìm tòi nghiên cứu nhưng không thể lý giải nổi hiện tượng kỳ lạ này.
Lệ rơi “kim cương”
Tại tỉnh Tây Java Indonesia (Sumedang) có cô gái tên là Tina Gustin. Sáng 29/5/2012, cô phát hiện ra đôi mắt có gì đó lạ, liền đến bệnh viện địa phương để được kiểm tra. Bác sĩ Anne sau khi khám và cho rằng mắt Tina vẫn rất bình thường, không có gì bất thường. Có điều đặc biệt là mắt của Tina bất cứ lúc nào cũng có thể chảy ra không phải là nước mà những hạt thể rắn hình dáng như những viên kim cương.
trang-10-bi-an-khoa-hoc-tina-agustina.jpg
Tina Agustina
Các bác sĩ đã không thể cung cấp được một lời giải thích hợp lý về hiện tượng này. Tina nói rằng 5-10 phút sẽ tự động “chảy” một hạt. Tina cũng cho biết thêm, mắt cô cũng không có cảm giác khó chịu và cũng không cảm thấy đau đớn. Tại nhà của mình, những “giọt nước mắt kim cương” được đặt trong các khay.
 
Tina đã kể với các phóng viên về câu chuyện kỳ lạ. Tina cho biết, tất cả mọi thứ bắt đầu từ một giấc mơ: Cô mơ thấy một phụ nữ lớn tuổi, người phụ nữ này trong giấc mơ đã gửi cho cô một quả dừa. Sau khi thức dậy vào ngày hôm sau, cô thấy mắt mình xuất hiện một vòng đen tràn tới. Một năm sau, cô lại gặp lại người phụ nữ lớn tuổi đã thấy trong một giấc mơ, lần này bà yêu cầu cô mở quả dừa ra. Ngày hôm sau, cô cảm thấy có một cái gì đó trong mắt. Từ đó, cô khóc ra “kim cương”.
 
Chị Jody Smith (người Anh) cũng có thể được xem là nhân vật “cổ tích” có thật bởi mỗi khi khóc, nước mắt Jody thường kèm theo những hạt tinh thể nhỏ xíu, lấp lánh như kim cương, sắc như dao khiến Jody rất đau đớn. Mỗi khi chị Jody chuẩn bị khóc là cô con gái Chloe lại đứng cạnh chị để hứng “kim cương”. Dưới ánh nắng, chúng lấp lánh như những viên kim cương.
 
Theo thống kê, trên thế giới hiện nay mới chỉ ghi nhận được khoảng trên 10 trường hợp như chị Jody và Tina. Do đó, đây vẫn được coi là một bệnh mới, việc nghiên cứu tìm ra nguyên nhân thực sự của căn bệnh để có hướng điều trị đúng vẫn là thách thức với các chuyên gia y tế hàng đầu.
 
Khóc ra “pha lê”
Cô bé Kura Nitya (8 tuổi) sống ở làng Cherlaboothkur, Hyderabad (Ấn Độ) khiến các bác sĩ vô cùng sửng sốt khi phát hiện ra những giọt nước mắt của em giống như những viên pha lê nhỏ lấp lánh. Theo người dân sinh sống tại địa phương, trong thời gian dài, mắt phải của bé Kura đã khóc ra những viên pha lê trắng trong nhưng các bác sỹ vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra hiện tượng này.
trang-10-bi-an-khoa-hoc-kura-nitya.jpg
Kura Nitya
Đến nay, trung bình mỗi ngày cô bé này khóc ra từ 15 đến 20 viên pha lê to nhỏ đủ kích cỡ. Kura cho biết em không cảm thấy đau đớn gì nhưng mắt phải của em thường sưng lên khi những viên đá rơi ra. Ông Gopal Reddy, ông nội của cô bé đã phát hiện ra hiện tượng lạ lùng này cho biết: “Ban đầu, chúng tôi nghĩ đó là do thần thánh nên đã cầu Chúa cho điều đó không xảy ra nữa”.
 
Chị Laura Ponce, giáo viên mầm non ở Brazil, cũng cho biết 20 năm qua, không hiểu vì sao mỗi lần khóc, mắt cô không chảy ra nước mắt mà thay vào đó là những giọt nước cứng như pha lê. Cô thường xuyên cảm thấy khó chịu và tồi tệ mỗi khi những mảng trắng lại đùn lên trong mắt. “Mắt tôi bắt đầu sưng lên và tôi phải mở thật to để lấy nó ra. Nó thường trở nên cứng mỗi khi khô lại, khiến tôi thấy rất đau”, Laura nói.
 
Laura bắt đầu phải sống với căn bệnh kỳ lạ này từ năm 15 tuổi. Cả cô và mẹ cô, bà Marissa, đã rất sợ hãi khi thường xuyên phải gắp những mảng màu trắng, cứng ra khỏi hốc mắt sưng vù của cô. Chứng bệnh lạ khiến Laura hằng ngày phải gắp các mảng trắng ra khỏi mắt tới 30 lần. Cô thường xuyên phải nghỉ ở nhà và trễ giờ làm việc.
trang-10-bi-an-khoa-hoc-laura-ponce.jpg
Chị Laura Ponce
Còn cô bé Fatima Zafar (10 tuổi) sống ở Ajman (Pakistan) lại tiết ra những viên đá nhỏ, cứng trông như những mảnh thủy tinh. Fatima cho biết, cô bé không thể điều khiển được những lần “khóc” kỳ dị đó. Nó xuất hiện khoảng 3 - 4 lần mỗi ngày mà không có lấy một dấu hiệu cảnh báo và có thể kéo dài tới vài chục phút. “Những hạt đá nhỏ kỳ quái đó rơi mọi lúc mà không vì một lý do nào cả. Nó có thể rơi ra khi tôi ở trường, ở nhà hoặc đang ngủ. Tôi không biết khi nào nước mắt chảy ra và rồi nó tự đông cứng thành hạt nhưng may thay, nó không làm em đau đớn”, Fatima cho hay.
 
Được biết, cô bé thấy mắt tự dưng rất khó chịu, cụ thể là bị ngứa và cộm dày. Bố cô bé, ông Mohmmad Zafar, có đi mua một vài loại thuốc nhỏ mắt chuyên dùng để vệ sinh vùng mắt nhưng Fatima không thấy đỡ. Lúc rửa mặt cho con, khi chạm tới vùng xung quanh mắt, anh Mohammad tiếp tục thấy những hạt thủy tinh nhỏ ấy lại rơi, lăn lông lốc, anh Mohammad chìa tay ra đỡ.
 
Mỗi lần như thế, anh đỡ được đến 20 - 25 hạt. Cứng, trong suốt, không tan chảy, không sắc lẹm, không mùi, có vị hơi mằn mặn. Đó là những đặc tính nổi bật của những hạt “thủy tinh”, “pha lê” kỳ quái này.
 
Ngay sau khi hiện tượng kỳ lạ của cô bé Fatima được đăng lên báo, rất nhiều bác sĩ đã đề nghị được thăm khám cho Fatima. Tuy nhiên, các cuộc kiểm tra bằng máy siêu âm, chụp cộng hưởng từ MRI, chụp cắt lớp CT do những chuyên gia giỏi đến từ nước Mỹ tiến hành đều không tìm ra được nguyên nhân vì sao.
 
Năm 1996, một bé gái 12 tuổi người Libanon tên là Hasnah Mohamed Meselmani cũng khiến cả thế giới sửng sốt khi có thể khóc ra những “tinh thể pha lê” sắc lẹm. Mỗi ngày cô đều khóc ra 7 viên pha lê. Đặc biệt hơn là những viên pha lê có thể tích lớn và sắc đến nỗi có thể là xước kính nhưng không hề làm đau hay làm giác mạc Hasnah bị thương. Cha cô đã dẫn Hasnah đến gặp hai vị bác sĩ nhãn khoa.
trang-10-bi-an-khoa-hoc-hasnah-mohamed-meselmani-1.jpg
Hasnah Mohamed Meselmani
Qua kiểm tra, họ xác nhận rằng những dị vật này chính là viên tinh thể pha lê thật sự. Câu chuyện này đã nhanh chóng lan xa, vô số kênh truyền thông đã đến, tề tựu tại nhà của Hasnah để gặp gỡ cô bé.
 
Những điều đáng kinh ngạc về Hasnah không chỉ nằm ở những giọt nước mắt tinh thể kỳ lạ mà còn ở câu chuyện gặp gỡ một người kỵ sĩ áo trắng ở trong mơ và ngoài đời thực - Người tự xưng là sứ giả của Chúa ban cho cô khả năng “khóc ra giọt nước mắt tinh thể”. Cho đến nay, giới y học vẫn chưa thể đưa ra lời giải hợp lý cho khả năng kỳ diệu của cô bé này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm