Theo hãng tin CNN của Mỹ, đầu năm 2018 khi nhóm sinh viên Đại học Sức khỏe và Khoa học Oregon, Portland, Mỹ (OHSU) giải phẫu thi thể hiến tặng của người phụ nữ có tên Rose Marie Bentley để phục vụ cho môn học về cấu tạo cơ thể người, đều không tin vào mắt mình vì nó ngược với những gì đã được học. Thi thể là của cụ bà qua đời năm 2017 ở tuổi 99 vì tuổi già. Trước khi chết, người quá cố có ước nguyện hiến xác cho y học nên các con cháu người thân đều nhất trí làm theo di nguyện của bà.
Trong khi mổ thi thể, Nielsen-một sinh viên trong nhóm và các bạn mình vô cùng ngạc nhiên, vì dường như mọi bộ phần của người quá cố đều đảo ngược: Tim của người quá cố thiếu một tĩnh mạch chủ; tĩnh mạch lại ở bên trái, thay vì đổ trực tiếp vào tim thì nó qua cơ hoành, vòng xung quanh phần trên động mạch chủ rồi mới đổ vào bên phải tim. Điều này ngược lại với cơ thể bình thường của đại đã số chúng ta. Ngoài ra thầy Cameron Walker cùng các học sinh trong nhóm còn tìm thấy nhiều bất thường khác của Bentley. Chẳng hạn, phổi phải chỉ có hai thùy, thay vì ba như thường lệ, trong khi tâm nhĩ phải tim lại có kích thước gấp đôi bình thường...
Dị nhân trường thọ
Do sở hữu nhiều điều kỳ lại nên cụ bà Rose Marie Bentley được người dân địa phương gọi là “dị nhân trường thọ”. Bà sinh năm 1918 tại Waldport, một thị trấn nhỏ bên bờ biển Oregon. Bà có 5 người con, 14 đứa cháu, 31 đứa chắt và 11 chút nhưng không một ai, kể cả bản thân bà biết về bí ẩn nằm ngay trong cơ thể mình. Louise Allee, 1 trong 5 người con của bà Bentley, cho biết mẹ bà là một người rất yêu khoa học, sống phóng khoáng, ưa động vật. Đây chính là động lực khiến bà Bentley quyết định hiến xác cho nghiên cứu khoa học và coi đây là ý nguyện cuối cùng của bà. Cũng theo Louise Allee thì việc mẹ mình hiến xác là để cho khoa học giải mã những bí ẩn mà bà đã mang trong mình gần thế kỷ.
Theo những người thân trong gia đình thì năm trên 50 tuổi, có một lần bà Bentley bị đau ruột thừa nhưng bác sĩ không thể xác định vị trí ruột thừa cho bà ở đâu. Lúc ấy, bác sĩ chỉ lưu ý gia đình là ruột thừa của bà nằm ở một vị trí khác thường. Bác sĩ cũng không kiểm tra những cơ quan khác nên mọi chuyện nhanh chóng bị lãng quên.
Sự thật về nội tạng đảo ngược của cụ bà Bentley
Theo các chuyên gia ở OHSU, nguyên nhân khiến nội tạng của cụ bà Bentley bị đảo lộn có thể do tình trạng bẩm sinh có tên Situs Inversus With Levocardia (SIL). SIL là một bất thường bẩm sinh biểu hiện ở việc cơ quan nội tạng bị đảo ngược vị trí. SIL xuất hiện ở khoảng 0,01% dân số, tức 10.000-22.000 người thì có 1 mắc. SIL thường gặp nhất là tất cả cơ quan trong ổ bụng bị đảo ngược trái sang phải. Tim không nằm bên ngực trái như người thường mà nằm bên phải...
SIL thường gặp ở trẻ sơ sinh và liên quan đến bệnh tim bẩm sinh nghiêm trọng. Do các khuyết tật về tim, chỉ có 5% đến 13% người mắc SIL sống qua 5 tuổi. Theo Y văn thế giới mới chỉ có 2 trường hợp là một cậu bé 13 tuổi và một người 73 tuổi được ghi nhận bị SIL. Mới đây có thêm cụ Bentley, được xem là những người cao niên nhất thế giới khi bị SIL. Riêng cụ Bentley không bị khuyết tật tim, nên đây chính là lý do giúp cụ thọ tới gần 100 tuổi.
Theo trang tin List25.com, ngoài không bị bệnh tim bẩm sinh, cụ Bentley còn đạt nhiều kỷ lục đáng nể khác như 1 trong 50 triệu người bị SIL sống đến tuổi trưởng thành, thậm chí còn trường thọ, không mắc các loại bệnh trầm trọng, chỉ bị viêm khớp khi về già. Cụ là người phụ nữ năng động, một vận động viên bơi lội xuất sắc. Cụ là người duy nhất mắc bệnh SIL tự nguyện hiến xác cho khoa học để giải mã căn bệnh bí ẩn mà cụ mắc phải.
Những bí ẩn chờ y học giải mã
Cụ Bentley được ghi vào Y văn thế giới cho nội dung, người duy nhất trong số 50 triệu người mắc hội chứng đột biến SIL nhưng lại thọ nhất hành tinh. Cũng qua sự kiện trên, hàng loạt câu hỏi được đặt ra, như tại sao dạ dày, gan của Bentley lại ở bên trái hoặc lá lách lại ở bên bên phải thay vì bên trái và các cơ quan lẽ ra phải nằm trong bụng lại được tìm thấy trên khoang ngực... Chưa hết, rất nhiều vị trí bất thường khác bên trong cơ thể cụ Bentley, chẳng hạn một phần dạ dày nhô ra khỏi cơ hoành và các tĩnh mạch lại có kích thước kỳ lạ nhưng sức khỏe của tim lại không hề hấn gì.
Theo GS Cameron Walker, giảng viên giải phẫu học ở OSHU thì tình trạng đột biến kỳ lạ của cụ bà Bentley có thể xảy ra ở khoảng thời gian từ ngày thứ 30 đến 45 trong thai kỳ nhưng không ai biết lý do tại sao. Nếu xuất hiện đột biến này, những đứa trẻ được sinh ra với cơ quan nội tạng không ở đúng vị trí giải phẫu điển hình, thường mắc các khuyết tật về tim, chỉ có 5%-13% số trẻ đó sống qua 5 tuổi, nhưng cụ bà Bentley lại hoàn toàn ngoại lệ. Vì vậy, việc cụ bà Bentley sống đến năm 99 tuổi gần như là điều “xưa nay hiếm”, kỳ diệu đến khó tin nên chính y học hiện chưa “bẻ khóa” được bí ẩn này.