pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công: Người trọn tình với nước - chu toàn với gia đình
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công thăm hỏi nhân dân tỉnh Hà Tuyên năm 1991. Ảnh: M.Điền/SGGP
Người cha bao dung
Với bà Đoàn Võ Kim Ánh, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng, con gái nuôi của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, ông là một người có tấm lòng bao dung, nhân hậu và rất thương con. Ngày trước, gia đình bà Ánh là nơi nuôi giấu cán bộ Cách mạng, trong đó, có đồng chí Võ Chí Công. Ba ruột của bà và đồng chí Võ Chí Công là đồng đội cùng vào sinh ra tử. Trong quá trình chiến đấu, ba ruột của bà Ánh đã hy sinh. Sau này, bà được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công nhận làm con nuôi, được chăm lo, dạy dỗ, cho học hành nên người. Bà Ánh nhớ lại: "Kỷ niệm sâu sắc nhất là ngày tôi gặp ba nuôi ở trên núi. Lúc ấy tôi còn nhỏ, thấy người lạ nên sợ. Nhưng khi ba nuôi hỏi chuyện, kể cho tôi nghe về những ngày hoạt động cùng ba ruột của tôi, tôi thấy ông thật gần gũi. Càng lớn, tôi càng yêu quý ông và xem ông là ba ruột. Ông xem tôi như con đẻ và rất tốt với tôi".
Bà Đoàn Võ Kim Ánh cho biết thêm, nhờ ba nuôi xe duyên mà bà tìm được người chồng tốt. "Chồng tôi ngày trước là lính quân y, người luôn kề cận phục vụ ông. Ba tôi bảo ảnh hiền lành, tốt tính, đẹp trai nên muốn gả tôi cho anh ấy. Nhờ ba vun đắp mà chúng tôi nên duyên vợ chồng, sống rất hạnh phúc. Bây giờ, các con của tôi đã có gia đình. Tôi đã có 6 người cháu", bà Ánh bày tỏ.
Người ông đáng kính
Ông Lê Thanh (sinh năm 1962), cháu ngoại của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, là người thân cận, phụ trách việc chăm sóc Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công trong giai đoạn cuối đời. Đã 11 năm trôi qua, kể từ ngày Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công qua đời, căn nhà nơi Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công ở lúc cuối đời không có nhiều thay đổi. Đây là cách để ông Thanh tưởng nhớ ông ngoại của mình. Ông Thanh tâm sự: "Ai đã từng vô nhà sẽ thấy mọi thứ không thay đổi nhiều, chỉ những vật dụng nào bị hư quá mới phải thay, giống như ông vẫn còn sống bên cạnh con cháu. Cả cuộc đời ông lo cho nước, cho dân. Với gia đình, ông chu đáo vô cùng. Ông lo lắng cho từng đứa cháu, quan tâm việc học hành, cách sống, động viên, dạy dỗ các cháu. Trong giai đoạn ông về hưu, sống tại TPHCM, gia đình tôi chuyển xuống ở cùng để tiện chăm sóc ông. Nhiều năm ở cạnh, tôi thấy ông rất dễ mến, ít khi la con cháu".
Khi còn nhỏ, ông Thanh biết về ông ngoại của mình qua lời kể của bà ngoại. "Tôi chỉ biết là ông ngoại đi tham gia chiến đấu ở chiến khu, sống trong rừng. Tôi được người thân dặn là giấu thông tin về ông. Bởi vì nếu địch biết mình là người thân của ông thì địch sẽ bắt và giết. Ngày trước, gia đình tôi bị địch dí chạy (đuổi đánh-PV) suốt, cứ nghe động là ba tôi cho dời nhà đi, đi tới đâu là làm thuê làm mướn sinh sống. Lần đầu tiên, tôi gặp ông ngoại là vào năm 1976. Hôm ông ngoại đến thăm nhà, thấy đoàn người đông nên tôi hoảng, núp ở góc nhà. Má tôi gọi tôi ra chào ông ngoại, tôi mới dám ra. Ông xoa đầu tôi, hỏi chuyện. Tôi bớt run và thấy ông hiền lành, gần gũi, không nghiêm nghị như mình tưởng tượng. Điều mà tôi thừa hưởng từ ông ngoại của mình là tính cách thẳng thắn, trung thực, sự chịu thương, chịu khó của người con đất Quảng Nam", ông Thanh chia sẻ.
Đồng chí Võ Chí Công, tên khai sinh là Võ Toàn, sinh ngày 7/8/1912, tại làng Khương Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ, nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam; từ trần ngày 8/9/2011, hưởng thọ 100 tuổi.
Với những công lao, đóng góp to lớn đối với sự nghiệp Cách mạng Việt Nam, đồng chí Võ Chí Công đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.