pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kỷ niệm 45 năm ngày phi công Phạm Tuân bay vào vũ trụ

Nhà du hành vũ trụ Viktor Gorbatko cùng nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam Phạm Tuân (phải) trong chuyến bay Soyuz 37 - Ảnh: AFP
Phi công Phạm Tuân - người hiện thực hóa giấc mơ "chạm" vào không gian của người Việt. Ngày này cách đây 45 năm, ngày 23/7/1980, tại sân bay vũ trụ Baikonur (Liên Xô), phi công Phạm Tuân trở thành người Việt Nam đầu tiên bay vào không gian. Chuyến bay ấy không chỉ là niềm tự hào của dân tộc mà còn đặt nền móng cho khát vọng khám phá không gian của các thế hệ người Việt sau này.
Hành trình "chạm" tới giấc mơ của dân tộc
Năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng vị khách quý Xô Viết - Anh hùng German Titov - nhà du hành vũ trụ thứ 2 của Liên Xô (sau nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin) - thăm vịnh Hạ Long. Khi nhìn thấy một hòn đảo nhỏ có bãi tắm tuyệt đẹp, Bác liền đặt tên đảo là đảo Titov, đồng thời bày tỏ ước mơ một ngày nào đó, sẽ có người Việt Nam bay vào vũ trụ.
18 năm sau, ước mơ và tầm nhìn lớn của Bác đã trở thành hiện thực. Chuyến bay của anh hùng Phạm Tuân không chỉ là thành tựu hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô trong chương trình Interkosmos, mà còn là biểu tượng của khát vọng vươn tới tầm cao mới của một dân tộc vừa bước ra khỏi chiến tranh.
Sinh năm 1947 tại Thái Bình, phi công Phạm Tuân từng lập công trong chiến đấu và được phong Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 26 tuổi.
Năm 1977, ông được cử sang Liên Xô học tại Học viện Không quân Gagarin. Đến năm 1979, sau nhiều vòng tuyển chọn gắt gao, ông được chọn làm người đại diện Việt Nam trong chuyến bay vào vũ trụ.
Tối 23/7/1980, con tàu Soyuz 37 rời bệ phóng tại Baikonur, đưa phi công Phạm Tuân và đồng đội Victor Gorbatko vượt qua tầng khí quyển, bước vào không gian. Khi tàu bay qua lãnh thổ Việt Nam, Phạm Tuân đã được ưu tiên vị trí quan sát để ghi lại hình ảnh quê hương từ vũ trụ. Nhìn thấy dáng hình chữ S của Tổ quốc, ông đã thốt lên: “Đẹp quá, tôi hạnh phúc vô cùng".
Từ không gian ông đã gửi về Trái đất thông điệp: “Người con của Việt Nam đang bay qua bầu trời Tổ quốc, xin gửi lời hỏi thăm và cảm ơn nhân dân đã tạo điều kiện để tôi được bay vào vũ trụ".
Trong gần 8 ngày (từ 23 đến 31/7/1980), hai phi hành gia thực hiện 142 vòng bay quanh Trái đất, kết nối thành công với Trạm Vũ trụ Salyut 6, nơi họ tiến hành các nghiên cứu khoa học trong điều kiện không trọng lực.
Ngoài chụp ảnh lãnh thổ, hai phi hành gia còn tiến hành hàng loạt thí nghiệm quan sát địa hình, sông ngòi, vùng biển, mỏ khoáng sản… theo các đề tài khoa học của Việt Nam. Những bức ảnh chụp từ không gian sau này đã giúp các ngành lâm nghiệp, thủy sản xác định khu vực phục hồi rừng hay đánh bắt hải sản hiệu quả.
Điều đặc biệt là trong hành trang lên vũ trụ của phi công Phạm Tuân có ảnh Bác Hồ, Tổng Bí thư Lê Duẩn, một nắm đất từ Quảng trường Ba Đình, bản Tuyên ngôn độc lập, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lá cờ đỏ sao vàng... Tất cả đều được đóng dấu Trạm Vũ trụ và mang trở về đất mẹ, như một minh chứng thiêng liêng cho sự hiện diện của Việt Nam ngoài không gian.

Tiếp nối khát vọng chạm tới những vì sao
Chuyến bay của anh hùng Phạm Tuân là "viên gạch" đầu tiên cho nền công nghệ không gian Việt Nam. Sau ông, nhiều thế hệ nhà khoa học, kỹ sư trẻ đã nỗ lực nghiên cứu để tiếp tục hành trình vươn tới không gian.
Trên thực tế, chế tạo vệ tinh là một lĩnh vực công nghệ cao và được coi là “biểu tượng sức mạnh công nghệ” của mỗi quốc gia. Vệ tinh không chỉ có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế, khoa học công nghệ mà còn trong nhiều lĩnh vực khác như an ninh-quốc phòng hay chống biến đổi khí hậu.
Riêng đối với Việt Nam - một nước có địa hình phức tạp, trải dài và biển rộng, việc có thể tự chế tạo vệ tinh càng cần thiết. Vệ tinh sẽ giúp Việt Nam quản lý hiệu quả dữ liệu, từ đó phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển, kinh tế nông nghiệp, quản lý rừng cũng như giúp quản lý rừng, biến đổi khí hậu, giám sát các hoạt động về an ninh-quốc phòng như quản lý biên giới, xây dựng nền tảng khoa học cơ bản của quốc gia.
Nhận thức rõ được điều này, năm 2006, Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ vũ trụ đến 2020.” Mục tiêu của chiến lược là đưa Việt Nam đạt trình độ trung bình khá trong khu vực.
Trong nỗ lực đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược này và tiến tới làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh nhỏ, Việt Nam đã từng bước hình thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho ứng dụng công nghệ vệ tinh, như: xây dựng Trung tâm Viễn thám quốc gia, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), Viện Công nghệ vũ trụ Việt Nam…
Tháng 4/2008, Việt Nam phóng thành công vệ tinh viễn thông VINASat-1 lên vũ trụ và trở thành nước thứ 93 trên thế giới và nước thứ 6 trong khu vực Đông nam Á có vệ tinh riêng bay vào quỹ đạo.
Tiếp đó, Việt Nam cũng phóng thành công lên vũ trụ vệ tinh viễn thông Vinasat-2 (tháng 5/2012) và vệ tinh viễn thám đầu tiên VNRED Sat 1 (tháng 5/2013). VNRED Sat 1 có khả năng chụp ảnh toàn bộ các khu vực trên bề mặt Trái đất, hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển kinh tế-xã hội, ứng phó với thảm hoạ thiên nhiên và biến đổi khí hậu…
Đặc biệt, với sự giúp đỡ của Nhật Bản, Việt Nam đã chế tạo được vệ tinh “Made in Vietnam” đầu tiên là PicoDragon, được phóng lên vũ trụ ngày 4/8/2013. Gần 6 năm sau, vệ tinh “Made in Vietnam” thứ hai - MicroDragon - tiếp tục được phóng lên quỹ đạo tại Nhật Bản, ngày 18/1/2019.
Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc tiến tới làm chủ công nghệ vệ tinh quan sát Trái đất, viễn thông của Việt Nam phục vụ nhu cầu thương mại. Năm 2021, NanoDragon - vệ tinh thứ 3 do các kỹ sư Việt Nam chế tạo hoàn toàn - tiếp tục được phóng lên vũ trụ, phục vụ quan sát biển và định vị tàu thuyền.
Việt Nam đã hoàn thiện LOTUSat-1 - vệ tinh radar quan sát Trái đất có khả năng hoạt động ngày đêm, bất chấp thời tiết, dự kiến phóng trong năm 2025. Đây là bước tiến lớn khẳng định năng lực làm chủ công nghệ vệ tinh phức tạp của Việt Nam.
Theo Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, công nghệ vũ trụ được xác định là công nghệ chiến lược.
Việt Nam sẽ phát triển công nghệ vũ trụ để phục vụ đa lĩnh vực: quản lý tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai, chuyển đổi số và đặc biệt là an ninh-quốc phòng.
Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, việc phát triển và ứng dụng công nghệ vũ trụ, đặc biệt là công nghệ vệ tinh, sẽ giúp Việt Nam tự chủ, giảm phụ thuộc vào nguồn công nghệ nước ngoài, tạo điều kiện cho quốc gia tự chủ về các công nghệ chiến lược, từ đó nâng cao vị thế và sức mạnh tổng hợp trong lĩnh vực quốc phòng.
Ngoài ra, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng tích cực ứng dụng dữ liệu vệ tinh trong lâm nghiệp, quy hoạch đô thị, nông nghiệp, quản lý biển đảo, phòng chống thảm họa…
Bên cạnh thành tựu công nghệ, tinh thần “chạm tới vì sao” còn lan tỏa qua cộng đồng người Việt toàn cầu. Ngày 14/4/2025, cô Amanda Nguyễn - người Mỹ gốc Việt - đã trở thành người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ trong chuyến bay thương mại trên tàu New Shepard.
Cô mang theo 169 hạt sen do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cung cấp và gửi lời chào Việt Nam từ vũ trụ: “Xin chào Việt Nam!”. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đã tổ chức buổi gặp mặt Trung tướng Phạm Tuân và các đại diện từ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam để cùng theo dõi khoảnh khắc này.
Đó chính là sự kết nối biểu tượng giữa thế hệ người mở đường và thế hệ tiếp bước. Có thể nói, chuyến bay của Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân , Trung tướng, phi công Phạm Tuân cách đây 45 năm không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong việc đưa người Việt Nam lên vũ trụ, mà còn mở ra một hành trình dài để khoa học không gian dần "bén rễ" và phát triển trên dải đất hình chữ S.
Từ chuyến bay đầu tiên ấy, khát vọng chinh phục vũ trụ không còn là điều xa vời mà đã trở thành đích đến cụ thể, được nuôi dưỡng bằng trí tuệ, bản lĩnh và quyết tâm của nhiều thế hệ người Việt.