Kỷ niệm 66 năm Ngày giải phóng Thủ đô: Xây dựng Hà Nội thành "Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em"

Hải Yến
10/10/2020 - 07:00
Kỷ niệm 66 năm Ngày giải phóng Thủ đô: Xây dựng Hà Nội thành "Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em"

Tuyên truyền xây dựng thành phố an toàn để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng

Thời gian qua, Hội LHPN TP Hà Nội đã có nhiều công trình, phần việc thiết thực cùng cộng đồng chung tay xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Hà Nội là đô thị lớn có tỷ lệ nhập cư tăng nhanh, thành phần dân cư phức tạp. Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, từ ngày 1/1/2015 đến tháng 6/1019, trên địa bàn thành phố xảy ra 322 vụ trẻ em bị xâm hại, trong đó bạo lực có 49 vụ, xâm hại tình dục trẻ em có 23 vụ.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội, thời gian qua, nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, trẻ em. Tuy nhiên, trên thực tế, xã hội vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của phụ nữ và trẻ em. Nguyên nhân do tâm lý e ngại của nạn nhân khi bị bạo lực, xâm hại. Họ nhẫn nhịn, xấu hổ, nhất là khi đối tượng bạo lực, xâm hại có thể là người thân. Một số trường hợp thì bị đe doạ, nhất là đối với trẻ em. Thứ hai, nhận thức, hiểu biết về pháp luật, xã hội của người dân còn hạn chế, cộng thêm định kiến, bất bình đẳng giới, quan niệm yêu cho roi cho vọt... còn tồn tại, dẫn tới những vụ việc kỷ luật bạo lực đối với trẻ em, các vụ bạo hành phụ nữ. Thứ ba, công tác tuyên truyền, nắm bắt thông tin của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể chưa thực sự sâu sát, gần gũi. Và cuối cùng, năng lực giải quyết vụ việc của cán bộ thi hành tại cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế.

Kỷ niệm 66 năm Ngày giải phóng Thủ đô: Xây dựng Hà Nội thành "Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em" - Ảnh 1.

Trẻ em tham quan mô hình trưng bày “Thành phố an toàn và thân thiện với trẻ em gái” của Hội LHPN huyện Đông Anh, Hà Nội

An toàn cho phụ nữ và trẻ em: Kim chỉ nam cho mọi hoạt động

Thực hiện chỉ đạo của TƯ Hội LHPN Việt Nam về chủ đề năm "An toàn cho phụ nữ và trẻ em", Hội LHPN TP Hà Nội đã luôn lấy sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em là kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Năm 2020, Hội LHPN TP Hà Nội đã phát động phong trào thi đua với chủ đề "Phụ nữ Thủ đô đoàn kết, sáng tạo, hành động thiết thực vì phụ nữ và trẻ em, thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp". Hiện các sân chơi ở xã Liên Bạt, xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa (Hà Nội), có đầy đủ dụng cụ vui chơi của trẻ em như xích đu, kim tự tháp ngũ giác, cầu trượt, dụng cụ tập thể dục cho người lớn với xà đơn, xe đạp... đã trở thành điểm vui chơi của đông đảo người dân trên địa bàn. Kinh phí để xây dựng các sân chơi lên tới hơn 100 triệu đồng, do Hội LHPN TP Hà Nội và tổ chức Plan International Việt Nam chung tay xây dựng.

Tính đến tháng 10/2020, Hội LHPN TP Hà Nội đã phối hợp khảo sát, thiết kế và tiến hành lắp đặt được 10 sân chơi cho cộng đồng tại các quận Bắc Từ Liêm, Long Biên và huyện Ứng Hòa... Xây dựng sân chơi cộng đồng là một trong những hoạt động được triển khai hiệu quả của Hội LHPN TP Hà Nội trong việc góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, môi trường sống an toàn, lạnh mạnh. Cùng với đó, 9 tháng đầu năm 2020, các cấp đã tổ chức 149 cuộc trợ giúp pháp lý cho 17.800 phụ nữ; tổ chức các toạ đàm, buổi truyền thông cộng đồng; tổ chức 358 buổi hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại, phòng chống bạo lực học đường, đảm bảo an toàn trong môi trường mạng, an toàn trên đường đến trường, tuyên truyền Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em...  cho 428 nghìn cán bộ, hội viên, phụ nữ, học sinh tiểu học, THCS.

Hội LHPN TP Hà Nội đã thành lập Hội đồng tư vấn với 13 thành viên là các chuyên gia, cán bộ các ngành trong thành phố hỗ trợ Hội tư vấn, lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em. Đồng thời, Hội đã chỉ đạo thành lập các Tổ tư vấn ở cấp huyện, đến nay đã thành lập được 51 Tổ tư vấn. Từ năm 2017 đến nay, Hội LHPN TP Hà Nội đã chủ trì, thành lập 22 đoàn giám sát, trong đó có giám sát các nội dung liên quan đến trẻ em như việc thực hiện Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; giám sát việc giải quyết vụ việc xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em.

Kỷ niệm 66 năm Ngày giải phóng Thủ đô: Xây dựng Hà Nội thành "Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em" - Ảnh 2.

Sân chơi an toàn dành cho trẻ em. Ảnh: Minh Ngọc

Từng bước nâng cao nhận thức của người dân

Có mặt trong diễn đàn "Phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em" do Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức, chị Phùng Thị Hoàn (huyện Ba Vì, Hà Nội), chia sẻ, chị được biết một số phụ nữ khi bị chồng bạo hành thường có tâm lý e ngại, không chia sẻ với ai vì cho rằng "xấu chàng hổ ai". Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi được tham gia các buổi toạ đàm, tư vấn do Hội Phụ nữ tổ chức, chị và nhiều chị em đã nhận thức đúng đắn về quyền lợi của mình cũng như am hiểu nhất định về bình đẳng giới. Từ đó, các chị đã dũng cảm lên tiếng nếu bị bạo lực và rất an tâm vì luôn có tổ chức Hội đồng hành.

Chị Lý Thị Mến (huyện Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ, chị có 2 con gái đang học lớp 6 và lớp 9 nhưng chị chưa bao giờ nghĩ rằng, sẽ nói chuyện với con về tình dục, về xâm hại trẻ em vì nghĩ con còn nhỏ, chưa đến tuổi để tiếp nhận các chủ đề đó. Đến khi tham dự các buổi toạ đàm do Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức, chị mới hiểu rằng, phụ huynh cần chủ động trang bị những kiến thức phòng tránh xâm hại cho con em mình và đó không phải là "vẽ đường cho hươu chạy".

"Thời gian tới, Hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với các ngành liên quan, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức về quyền con người, quyền phụ nữ, quyền trẻ em, về bình đẳng giới để phụ nữ tự tin bảo vệ mình. Bên cạnh đó, Hội sẽ đẩy mạnh hoạt động phối hợp trong tư vấn, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và trẻ em; phối hợp, giám sát việc giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giáo dục, chăm sóc trẻ em phát triển toàn diện", bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm