pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chính trị - Xã hội
Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ: Báu vật thứ tư
Theo địa chỉ của một người bạn, tôi tìm tới nơi ở của mẹ Hoàng Thị Hồng. Con trai thứ tư của mẹ (bây giờ đã trở thành con trưởng) đón tiếp tôi ngay tại phòng mẹ ở phố Hàng Chiếu, Hà Nội. Căn phòng nhỏ, ấm cúng, đầy đủ tiện nghi nhưng vắng bóng mẹ. Anh cho chúng tôi biết, mỗi năm mẹ chỉ dành cho vợ chồng anh một tháng. Thời gian còn lại mẹ ở quê hương, nơi ấy đã sinh ra 3 người con đã hy sinh và người chồng quá cố của mẹ. Mẹ đang sống như một bà già cổ tích, sống với huyền thoại, với cõi âm, với các báu vật của một thời khói lửa. Chuyện về mẹ là câu chuyện đầy cảm động về cuộc sống ngắn ngủi của những người con nằm lại nơi chiến trường.
Từ Hà Nội sau 3 giờ ô tô chúng tôi đã có mặt tại thôn Nam Trực, xã Nam Tiến, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông Đặng Văn Khiêm, Bí thư Đảng ủy xã nói với chúng tôi: Mẹ Hồng xã này ai cũng biết nhưng người quê tôi thường gọi mẹ theo tên cụ ông: "Cụ Liêm cổ tích". Chị đi theo con đường kia tới đình làng, dưới gốc bàng cổ thụ có chiếc cổng xây cũ, cổng vào nhà mẹ đấy.
Khi tôi đi về phía cây bàng cổ thụ, anh cán bộ xã dặn với theo: Giờ này mẹ đang tụng kinh niệm Phật, nhớ chờ cho vãn hồi chị hãy vào.
Đúng như lời dặn của anh Khiêm, mẹ đang tụng kinh gõ mõ. Xóm quê vắng lặng. Ngăn cách bởi dậu râm bụt và chiếc sân phơi nhà mẹ, tôi vẫn nghe rõ tiếng tụng kinh. Giọng mẹ đây, chiếc cổng cũ còn đây, những bảng gạch xây rêu phong này đã chứng kiến cuộc đi không trở về của các anh.
Xốc lại chiếc túi và bộ đồ nghề làm báo, tôi với tay vén chiếc mành bằng tre. Phải chững lại cả phút để ngắm mẹ. Mẹ vẫn ngồi quay vào ban thờ với tư thế bất động, duy có mái tóc trắng như cước của mẹ rung lên. Thay lời chào của kẻ lạ, tôi bật lên: Mẹ ơi, con về thăm mẹ đây.
Đoán chừng là khách xa, mẹ vịn bàn đứng dậy. Nhìn tôi, mẹ mỉm cười móm mém, khuôn mặt nhăn nheo nhòe lệ.
Già rồi, còn gì mà đưa lên báo nữa à chị. Đi xa như vậy chắc mệt lắm, nghỉ lại đây rồi mai đi lễ chùa với tôi một buổi rồi về phố là mẹ vui rồi.
Thưa mẹ, con muốn biết về sự chịu đựng và tấm lòng hy sinh cao cả của mẹ, của các anh...
Đẩy nhẹ bát chè xanh về phía trước, chừng như thông cảm với chặng đường dài tôi vừa trải qua, mẹ bảo: Các anh nó đang ngồi trên ban cả, gia tài của chúng trong những chiếc hòm kia, thong thả rồi mẹ kể cho nghe.
Tôi ngắm 3 chiếc hòm gỗ nhỏ được bày đặt ngăn nắp trên bệ bàn thờ, phía trên nơi các anh ngồi hương khói còn nghi ngút.
Hòm này của thằng cả, ngồi phía trái kia. Theo tay mẹ, tôi nhìn lên bàn thờ. Ba anh đều rất trẻ, mặc quân phục và được lồng trong khung kính trang trọng. Mẹ kể: Anh cả chịu khó và làm lụng giỏi lắm. Đêm đêm anh đi dạy bổ túc văn hóa, ngày ấy dạy không được tiền nhưng rất vui, kín cả sân đình. Tôi xem trang thư cuối cùng anh viết đề tháng 4/1967. Cả thảy mẹ còn giữ nguyên 59 lá thư của anh. Thư nào anh cũng viết rất hay, thư nào anh cũng hứa sau 3 năm nghĩa vụ anh sẽ trở về. Ấy vậy mà...
Tôi chú ý một tấm ảnh đen trắng, chân dung một cô gái khá xinh đẹp trong phong thư cuối cùng ấy. Mẹ nói đó là chị Lê Thị Dậu, vợ anh. Giọng mẹ chùng xuống, mẹ chịu nỗi đau đã đành nhưng con gái 30 năm ở vậy, khổ biết chừng nào? Nó làm ở trạm bơm Vụ Bản, sau này chuyển về tỉnh cho gần mẹ. Tuần nào nó cũng về đây thăm mẹ và thắp nén nhang cho chồng.
Với chiếc khăn lau những giọt nước mắt lăn nơi khóe mắt, mẹ chỉ tiếp ra ngoài sân: Cây mít nó trồng trước ngày đi B đấy chị ạ, xanh tốt là vậy nhưng cũng đã gần 30 năm nay chẳng bói cho mẹ lấy một trái. Sự đời cũng lạ thật! Mấy người không hiểu họ bảo mẹ chặt đi cho quang vườn. Ôi, tôi chặt sao đành. Chuyện này dài lắm. Khi nào có dịp, chị gặp cái Dậu vợ nó đang ở một mình chị sẽ hiểu rõ.
Tôi mở chiếc hòm thứ 2, bộ quân phục đã cũ, vết thương lỗ chỗ nơi ngực, nơi cánh tay vẫn còn đây. Đây là tất cả những gì của riêng anh sau trận đánh cuối cùng ở cầu Phước Tích, Phong Điền, tỉnh Quảng Trị. Phần còn lại anh dành đầy ắp cho mẹ, cho chúng ta. Cũng ở hòm thứ 2 này tôi được đọc các bút tích và bài vở của anh đã đăng rải rác qua các báo trong thời kỳ chống Mỹ.
Mẹ kể anh viết báo và làm thơ ngay từ khi chưa nhập ngũ. Cả hai anh tháng nào cũng thay nhau đi bộ ra huyện Nam Trực (cũ) để lĩnh tiền nhuận bút. Sau ngày anh mất, mẹ vẫn còn nhận được giấy báo đi lĩnh tiền bài ký sự của anh do Ty văn hóa Nam Định xuất bản.
Chị biết không (ghé sát vào tôi mẹ nói nhỏ như sợ anh nghe thấy), cái cô Huê mà chiều nay mẹ thắp hương ngoài nghĩa trang là bạn thân của anh Hai đấy. Tuy hai gia đình chưa ước hẹn gì nhưng chúng nó thương nhau lắm. Anh nhập ngũ được gần một năm thì cô Huê cũng tình nguyện được đi thanh niên xung phong. Rồi bây giờ hai đứa lại ở cùng nghĩa trang quê nhà. Ngày nào mẹ cũng thắp hương cầu mong cho chúng nó dưới ấy được mát mẻ.
Buổi chiều, trong nghĩa trang, khi đến ngôi mộ người con thứ ba (anh Lê Ngọc Ba) mẹ khóc rất nhiều. Tôi lựa lời gợi chuyện mẹ đều im lặng. Bây giờ tôi mới vỡ lẽ khi mở chiếc hòm thứ 3. Do có sự nhầm lẫn mà anh vẫn chưa được xác nhận là liệt sĩ. Tôi hỏi vì sao? Mẹ lặng im. Tôi hỏi mẹ đã gửi đơn đi đâu chưa? Mẹ lắc đầu rồi lập cập lôi từ đáy hòm cho tôi một bộ hồ sơ khá dày đã được dán kín. Mẹ nói: Thằng Ba nó biết chính phủ có những thứ giấy tờ, công văn này là mẹ yên tâm rồi.
Giấy báo tử Thiếu úy Lê Ngọc Ba của Ty công an Hoàng Liên Sơn (cũ), quyết định 301/CP của Hội đồng Chính phủ ngày 20/9/1980 về việc bổ sung tiêu chuẩn xác nhận liệt sĩ...
Nhiều người cũng bảo mẹ gửi đơn kiến nghị, đòi hỏi chế độ cho anh nhưng mẹ chưa nghe. Mẹ vẫn tin anh nó sẽ không bị bỏ quên.
Tôi định mượn mẹ tập hồ sơ, biết đâu lại góp phần giảm bớt thời gian đợi chờ của mẹ. Đón nhận được ý định này, mẹ đã kịp chuyển câu chuyện sang một tình thế khác. Dẫu vậy, cả ba báu vật trong những chiếc hòm gỗ kia cũng đã được tôi khám phá và đó cũng là điều khiến tôi day dứt suốt đêm ấy ở nhà mẹ.
Chị Dịu à, còn thức đới phỏng? Dạ, con thức. Vậy chị dậy tôi kể thêm chuyện này.
Lâu lắm rồi tôi mới được nghe tiếng gọi ân tình như vậy
...Hình như thằng cả vẫn sống chị ạ. Thằng Hai, thằng Ba nó về nghĩa trang đây cả rồi. Anh nó vẫn quanh quất đâu đây?
Rõ là lời mẹ mà tôi vẫn ngỡ như ở cõi xa xăm nào. Tôi cứ định với tay bật công tắc điện nơi đầu giường nhưng sau vài nhịp cựa quậy lại thôi. Mẹ vặn ngọn đèn dầu cho sáng thêm.
Căn phòng không còn tiếng võng đay cọt kẹt, không cả tiếng đập muỗi phành phạch của mẹ nữa. Ở một không gian hoàn toàn yên lặng, mẹ tiếp lời: Đúng rồi, nó vẫn sống. Này nhé: Tôi mổ ung thư năm 82 ở viện K Hà Nội, khi về ốm triền miên, ông nhà tôi lo nghĩ nhiều cũng đâm đổ bệnh bỏ tôi mà đi. Hai mắt tôi đã cạn kiệt, lúc ấy đã lòa hẳn không còn thấy gì. Tưởng theo ông nhà và các con đi nốt, nhưng thằng Cả không cho tôi đi, đêm đêm nó về nó bắt tôi phải sống. Nó đưa đẩy thế nào mà mang hai em nó về được nghĩa trang quê nhà cho tôi. Sau cái đận ấy, tôi đã lại khóc được vì mừng vui đón các con. Không ngờ mắt tôi lại sáng dần ra chị ạ. Đây chị xem, mẹ dò dẫm 3 bước đến bên đầu giường tôi bật điện. Ánh sáng bừng lên ấm cả căn nhà, rồi nhẹ nhàng mẹ vén cao vạt áo trước ngực. Bên ngực trái một phần đã tong teo cạn kiệt là một vết mổ chạy dài chừng một gang tay với nhiều vết khâu còn hằn dấu tích. Mẹ buông một câu thở dài: Chiến tranh ác quá chị à: lá xanh rụng trước, lá vàng chơ vơ.
Vâng, mẹ vẫn sống đây bằng xương bằng thịt. Lời mẹ là những chuỗi ký ức dồn dập thắp sáng trong tôi những bức tranh xúc động của từng thời điểm lịch sử mà ở lứa tuổi tôi chưa từng nếm trải. Mẹ đã đi qua chiến tranh, đi qua căn bệnh hiểm nghèo nhất để sống và chăm lo hương khói các anh. Tôi mới hiểu thêm: Một bên bầu sữa tong teo ấy, một cánh võng cọt kẹt kia không chỉ nuôi dưỡng ba người con một đi không trở lại mà nơi đây, chính từ vùng quê này, mẹ đã nuôi cả đàn con cháu lần lượt vào đại học.
Mẹ với tay thắp tuần hương thứ ba, rồi giục tôi ngủ tiếp để mai theo mẹ đi lễ chùa sớm. Tôi nài mẹ câu cuối... và mẹ đã đồng ý: Sau buổi lễ cầu siêu sáng mai mẹ sẽ cho tôi xem báu vật thứ 4.
Đêm ở nhà mẹ, mùi hương, mùi hoa, mùi ẩm mốc của cỗ màn sợi đưa tôi vào giấc ngủ bồng bềnh.
Ngay sau lễ cầu siêu, mẹ kéo tôi ra sau tượng Phật bà quan âm, giữa không gian u tịch nơi cõi Phật mẹ tâm sự: Hòm thứ 4 này là của người sống. Giấy khen và bài vở của con mẹ - thằng Bốn và thằng Ngũ ở Hà Nội. Mỗi thằng một nghề nhưng được cái đều theo dòng máu của các anh nó trước đây: rảnh lúc nào là viết sách báo thêm. Chúng nó gửi tiền và bài vở về cho mẹ luôn đấy. Mỗi lần nhận được mẹ lại nhờ hàng xóm đọc cho nghe và thu vào băng cát-xet cả. Mẹ già rồi lẩm cẩm nên cứ bỏ vào một thùng, khi nào rỗi hoặc nhớ con cháu lại mang ra đánh vần hoặc nghe băng cát-xet.
Người ta gọi mẹ là cổ tích là vì vậy. Rồi hàng tối mẹ tụng kinh niệm Phật, xóm giềng gọi vui là mẹ sống với cõi âm. Ôi, nếu được sống với cõi âm đâu có phải là cái tội phải không Dịu? Bây giờ con cháu đứa nào cũng thương mẹ, cũng muốn đón mẹ nhưng mẹ không nỡ đi, không muốn cho bố nó và các anh nó phải lạnh lẽo nên mẹ cứ lủi thủi với ba gian nhà này, sống với người đã khuất. Với lại một năm, kể cả ngày 27/7 nữa là mẹ có hơn 10 cái giỗ. Không dặn, nhưng dù nhất nhất ở đâu, thì những ngày ấy dâu, rể, con, cháu của mẹ cũng tìm về. Thành ra chính bố nó và ba anh nó là chỗ sum họp của gia đình chị ạ. Tôi không đi đâu được cũng là do vậy.
Bên mẹ, tôi vỡ ra được nhiều điều và đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ở cái kho báu thứ 4 của mẹ, tôi kịp đọc tên một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ của các anh. Có kịch bản phim đã được dàn dựng, có các bài nghiên cứu và nhiều phóng sự trên các báo. Nhưng lại chính ở đây, tôi nghiệm ra cả mẹ, cả các anh đều chưa một lần tự nói về mình. Họ cứ lặng lẽ, âm thầm sống và làm việc. Không biết có phải vì những kho của cải tinh thần quý giá này mà mẹ đã vượt qua những nỗi mất mát lớn lao của chiến tranh, vượt qua cả bệnh tật để sống với chúng ta hôm nay. Ôi người mẹ cổ tích, cả đời mẹ cống hiến và trong mẹ còn biết bao là báu vật, bao điều ta chưa biết!
Chia tay mẹ về với phố phường, tôi không quên hỏi mẹ một số câu về chính sách. Tránh câu hỏi này của tôi, mẹ lại lên thêm một tuần nhang và nói: Đời mẹ đã già, có bố nó với 3 anh chứng giám cho là đủ. Tuy chịu thiệt thòi trong chiến tranh nhưng bây giờ xem ra đã yên phận. Chính phủ nuôi mẹ bằng tiền trợ cấp. Người sống bây giờ mỗi người mỗi phận cả. Cô Út của mẹ cũng đã thành gia thất, có nếp, có tẻ. Chồng kỹ sư, vợ nhà giáo, mẹ sướng hơn nhiều so với bà Thứ liền tường và anh Khoát sau nhà mình.
Một lần nữa mẹ lại giấu mình đi nhưng liền tường bên phải là mẹ Thứ đang sống độc thân. Mẹ có cô con gái đi lấy chồng xa. Người con trai duy nhất đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường Tây Ninh. Đồng đội của anh đã báo rõ số mộ chí rồi mà cả đời mẹ ước ao một lần vào thăm mà cũng chưa thực hiện được.
Anh Khoát sau nhà mẹ thì đã gửi một phần xương máu và trí tuệ lại chiến trường. Anh về quê với một tâm trạng và tinh thần bất ổn, giấy tờ đã mất cả nên việc tìm lại đồng đội xưa xác nhận và làm thủ tục thương binh cũng nhiều trắc trở. Có phải chính họ cũng một lần giấu mình đi không?
Vâng, các mẹ, các anh chưa một lần được phong anh hùng, thậm chí chưa hoàn tất hồ sơ để làm anh thương binh chống Mỹ nhưng ở cái thôn Nam Trực nhỏ bé này họ đã được ghi nhận như những anh hùng bất diệt. Những người đã chấp nhận hy sinh những đứa con do mình dứt ruột đẻ ra, những người đã không tiếc xương máu hy sinh cả một thời trai trẻ.
Đến đây tôi lại chạnh lòng nghĩ đến câu chuyện tháng trước. Ấy là sự băn khoăn của lãnh đạo một công ty vì sắp tới ngày 27/7 rồi mà cơ quan ông chưa tìm được người để phụng dưỡng. Thế mới thấm thía cái sự cao quý và khó khăn trong việc tôn vinh và đền ơn đáp nghĩa những người đã hy sinh cho cuộc chiến tranh của dân tộc. Việc này, đã đến lúc chúng ta không chỉ căn cứ vào danh sách, vào các điển hình qua các kênh truyền tin nữa.
Các mẹ, các chị ở mọi nơi, mọi chỗ trên đất nước này, mà tự họ thường lại không đi tìm chúng ta.