Ký ức Đại hội của Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam các thời kỳ

Khánh Linh (thực hiện)
10/03/2022 - 12:35
Thời gian trôi xa, nhưng với các đồng chí nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam các thời kỳ, đều là dấu ấn thời gian đọng lại mãi những ký ức không thể phai mờ.

TS VƯƠNG THỊ HANH, nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: Dấu ấn chuyển mình khó quên

Tôi công tác ở Trung ương Hội LHPN Việt Nam từ năm 1988, đến năm 1998 được nghỉ hưu. Đây là giai đoạn đất nước chuyển mình, tiến hành mạnh mẽ công cuộc đổi mới (từ cuối năm 1986). Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ VI (1987-1992) và VII (1992-1997) là 2 nhiệm kỳ bản lề, khởi đầu sự đổi mới nội dung và phương thức hoat động, nhằm thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của Hội thời kỳ đổi mới.

Đọng lại trong tôi là những ký ức không thể phai mờ về những hoạt động đổi mới quan trọng của Hội mang ý nghĩa chiến lược của 2 nhiệm kỳ này. Đó là đẩy manh Cuộc vận động "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình".

Ký ức Đại hội của nguyên Phó chủ tịch các thời kỳ - Ảnh 1.

Nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Vương Thị Hanh

Thời đó, đất nước còn rất nghèo, chung tay cùng Chính phủ thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, Hội phát động cuộc vận động "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình". Để tạo được nguồn vốn vay nhỏ cho phụ nữ nghèo, Hội thành lập Quỹ TYM (1992). Từ thí điểm hoạt động ban đầu tại xã Minh Phú (Sóc Sơn – Hà Nội) với 20 thành viên, từng bước, TYM mở rộng phạm vi và quy mô với sự trợ giúp về tài chính và kỹ thuật của một số tổ chức quốc tế. Đến nay, TYM đã có mặt tại 13 tỉnh/thành phố tại 83 huyện/thị của 774 xã. TYM đã Giải ngân hơn 14.000 tỷ đồng cho 1,6 triệu khoản vay. Năm 2019, TYM đã huy động hơn 1,8 nghìn tỷ đồng tiết kiệm từ thành viên/khách hàng và đảm bảo được tỷ lệ hoàn trả lên tới 99%. Hiện nay TYM là tổ chức tài chính vi mô (TCVM) được cấp phép hoạt động, là tổ chức tài chính đáng tin cậy của phụ nữ nghèo.

Một hoạt động có ý nghĩa chiến lược khác là việc tích cực tham mưu cho Đảng xây dựng nghị quyết chỉ thị về công tác phụ nữ như: Nghị quyết Số 04-NQ/TW, ngày 12 tháng 07 năm 1993 về "Đổi mới và tăng cường công tác vận động Phụ nữ trọng tình hình mới". Chỉ thị Số 37-CT/TW, ngày 16 tháng 5 năm 1994 về "Một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới".

Việc thực hiện nghị quyết và chỉ thị của Đảng về công tác vận động phụ nữ và công tác cán bộ nữ đã có tác động tích cực, góp phần tăng tỷ lệ nữ Đại biểu QH từ 18,4% nhiệm kỳ (1992-1997) lên 26,22% nhiệm kỳ (1997-2002).

Bà NGUYỄN PHƯƠNG MINH, nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: Nhớ mãi những giây phút làm người điều hành phiên khai mạc Đại hội IX

Tôi vinh dự được là uỷ viên BCH Hội LHPN Việt Nam khoá V đến khoá IX. Năm 1992, tại Đại hội đại biểu Phụ nữ Việt Nam lần thứ VII, tôi được Đại hội bầu là PCT Hội LHPN Việt Nam. Tiếp đến, Đại hội VIII và Đại hội IX tôi tiếp tục được bầu là Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam kiêm Tổng biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam.

15 năm trên cương vị Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam (từ năm 1992 đến 2007) và được dự 5 kỳ Đại hội (từ Đại hội V đến Đại hội IX). Kỳ Đại hội để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với tôi là Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ IX (nhiệm kỳ 2002 - 2007). Tôi được Đoàn chủ tịch phân công điều hành phiên khai mạc chính thức của Đại hội. Lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ, tôi rất lo lắng.

Ký ức Đại hội của nguyên Phó chủ tịch các thời kỳ - Ảnh 2.

Nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Phương Minh

Phiên khai mạc được truyền hình trực tiếp với nhiều nội dung, chương trình quan trọng, đòi hỏi người điều hành phải thực hiện chuẩn xác, kết nối linh hoạt, lưu loát để đảm bảo không khí long trọng, trang nghiêm.

Đứng trên lễ đài, trước hàng nghìn đại biểu, trước đoàn chủ tịch Đại hội, tôi đã điều hành phiên khai mạc với cả sự tự tin, tự hào mà các đại biểu đã truyền cho mình. Từ sâu thẳm trái tim mình, tôi thực sự xúc động được giới thiệu về các đoàn đại biểu, về bạn bè quốc tế từ các phương trời xa xôi đã đến với Đại hội.

Phiên khai mạc Đại hội năm ấy thu hút được sự theo dõi của rất nhiều khán giả qua truyền hình.

Ai cũng thấy tự hào vì Đại hội diễn ra thật trang trọng, đẹp như một vườn hoa muôn màu sắc của một nghìn đại biểu phụ nữ, toả ra một khí thế và quyết tâm mới của phong trào phụ nữ trong nhiệm kỳ mới.

Bà NGUYỄN THỊ TUYẾT, nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: Nhớ mãi lần đầu tiên được bầu vào Đoàn chủ tịch Trung ương Hội

Trong quá trình công tác, tôi được tham dự nhiều kỳ Đại hội, từ Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ VI, đến Đại hội lần thứ XII. Trong đó, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ IX (nhiệm kỳ 2002 – 2007) là Đại hội cuối cùng được tổ chức ở Hội trường Ba Đình (nay là Nhà Quốc hội). Các đại biểu được ra Quảng trường trước Lăng Bác để chụp ảnh lưu niệm, ai cũng tự hào.

Đó cũng là lần đầu tiên tôi được tham gia Ban chấp hành, được bầu vào Đoàn chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Sau khi Ban chấp hành ra mắt, cứ mỗi người trúng cử vào Đoàn chủ tịch được đọc đến tên đều bước lên phía trước một bước. Cảm xúc lúc đó vô cùng vinh dự.

Ký ức Đại hội của nguyên Phó chủ tịch các thời kỳ - Ảnh 3.

Nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết

Tối về nhà, bố chồng tôi gọi điện thoại chúc mừng. Tôi rất bất ngờ, vì không nghĩ bố ở quê cũng biết sự kiện này. Ông bảo, theo dõi trên ti vi, lúc đầu bố không nghĩ là con, nhưng lúc con bước lên hàng trên và nghe tên, bố thấy đúng là con rồi. Tôi thực sự hạnh phúc, khi thấy gia đình cũng rất quan tâm đến công việc của tôi.

Ngày 4/1/2003, tôi được bổ nhiệm là Giám đốc Bảo tàng phụ nữ Việt Nam. Tôi rất tự hào vì trong nhiệm kỳ đó đã được lãnh đạo Trung ương Hội tin tưởng, giao cho một số nhiệm vụ rất có ý nghĩa.

Khi chuẩn bị kỷ niệm 30 năm Giải phóng miền Nam (2005), tôi được tham mưu xây dựng bia lưu niệm - nơi Hội LHPN Giải phóng miền Nam đóng quân ở Tây Ninh. Đúng dịp kỷ niệm 30 năm Giải phóng miền Nam năm ấy, Hội tổ chức hoạt động về nguồn ở Tây Ninh. Chị em ở tất cả các tỉnh, thành hội tụ về đây, ai cũng vui mừng khi tấm bia được dựng lên ở nơi vô cùng ý nghĩa về lịch sử của Hội.

Tiếp đó, ở Đại Từ tỉnh Thái Nguyên và ở 2 xã Xuân Quang (huyện Chiêm Hoá) và xã Tân Trào (huyện Sơn Dương) tỉnh Tuyên Quang cũng lần lượt được tiến hành xây dựng những tấm bia ghi dấu ấn của Hội LHPN Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Lễ khánh thành bia lần nào cũng rất thành công, với sự góp mặt của hàng nghìn phụ nữ cả nước.

Tất cả các địa điểm dựng bia lưu niệm của Hội, từ Tây Ninh đến Thái Nguyên hay Tuyên Quang đều được tổ chức rất khoa học, công phu. Đến nay những nơi này vẫn là địa điểm vô cùng đẹp, khang trang được bảo tồn và tôn tạo thường xuyên và trở thành điểm về nguồn của các thế hệ cán bộ Hội.

Với vai trò là Uỷ viên Đoàn chủ tịch, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, với tôi đó là một nhiệm kỳ rất thành công, ghi dấu ấn rõ nét của Hội, không chỉ với riêng tôi mà còn để lại nhiều ấn tượng khó quên với cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm