Bằng cách đưa lời bài hát 'Lạc trôi' vào đề thi, đề yêu cầu học sinh xác minh phương thức biểu đạt của đoạn trích, chỉ ra từ Hán Việt trong đoạn trích. Đặc biệt, từ đoạn trích, đề yêu cầu học sinh viết ra thông điệp muốn gửi đến mọi người.
Cụ thể, phần đọc hiểu (3 điểm) nêu trích đoạn:
"Người theo hương hoa mây mù giăng lối
Làn sương khói phôi phai đưa bước ai xa rồi
Đơn côi mình ta vấn vương hồi ức trong men say chiều mưa buồn
Ngăn giọt lệ ngừng khiến khóe mi sầu bi
Đường xưa nơi cố nhân từ giã biệt ly, cánh hoa rụng rơi
Phận duyên mong manh rẽ lối trong mơ ngày tương phùng.
Tiếng khóc cuốn theo làn gió bay
Thuyền ai qua sông lỡ quên vớt ánh trăng tàn nơi này
Trống vắng bóng ai dần hao gầy.
Lòng ta xin nguyện khắc ghi trong tim tình nồng mê say
Mặc cho tóc mây vương lên đôi môi cay
Bâng khuâng mình ta lạc trôi giữa đời
Ta lạc trôi giữa trời".
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của đoạn trích trên?
Câu 2: Chỉ ra các từ Hán Việt được sử dụng ở 6 dòng đầu của đoạn trích?
Câu 3. Theo anh, chị vì sao tác giả lại cho rằng: Bâng khuâng mình ta lạc trôi giữa đời/Ta lạc trôi giữa trời?
Câu 4: Thông điệp mà đoạn trên muốn gửi tới mọi người là gì?
Phần còn lại của đề thi là câu hỏi nghị luận xã hội và cảm nhận đoạn thơ Vội vàng của nhà thơ Xuân Diệu.
Đề thi Ngữ văn có lời bài hát Lạc trôi. |
Trao đổi với Báo PNVN sáng 14/2, cô giáo Phạm Mai Hương, giáo viên THPT Chuyên Vĩnh Phúc, người ra đề thi này, cho biết, đề thi nhận được nhiều phản hồi tích cực của học sinh. “Ngay khi đọc đề, nhiều em reo lên phấn khởi. Có em vừa ngâm nga lời bài hát vừa làm bài. Cũng có em tỏ ý lo lắng vì sợ điểm bài làm không cao, nhưng đó cũng là tâm lý rất bình thường. Quan trọng nhất là học sinh hào hứng với bài thi”, cô Hương chia sẻ.
Theo cô giáo Phạm Mai Hương, đề thi mở, cập nhật thông tin, nội dung đảm bảo vừa kiểm tra kiến thức của học sinh vừa kiểm tra kiến thức nghị luận. Đây là ca khúc được nhiều học sinh biết đến và yêu thích nên cô lựa chọn ca khúc này để ra đề.
“Đây là dạng đề mở, không đóng khung nội dung trả lời. Thông điệp của bài hát là cần trân trọng những người bình dị xung quanh mình, đừng để mất đi rồi mới nuối tiếc. Đó là gợi ý của tôi, ngoài ra nếu học sinh nêu được những thông điệp khác đều được điểm và được đề cao”, cô Mai Hương cho biết.
Trước băn khoăn của một số phụ huynh cho rằng, ca sĩ Sơn Tùng gây nhiều tranh cãi dư luận nên chưa đủ tầm đưa vào đề thi mang tính chuẩn mực; Cùng một thông điệp, giáo viên có thể lựa chọn nhiều tác phẩm khác ca từ hay hơn, cô Hương cho biết: “Tôi ghi nhận những ý kiến này, nhưng nếu đọc kỹ, có thể thấy đây là đề thi rất an toàn. Tôi nghĩ rằng, rất cần những bước đi đầu tiên để biết thành công hay thất bại. Không nên đóng khung trong một giới hạn nào đó. Phá giới hạn và khuôn mẫu, tôi mới tìm thấy nhiều điều thú vị trong bài làm của học sinh”.
Được biết, trước "Lạc trôi", cô Phạm Mai Hương từng ra một số đề thi mở tương tự. Gần đây nhất là lời bài hát "Ông bà anh" của Lê Thiện Hiếu cũng được cô sử dụng ra đề.
Theo cô Hương, bài làm của học sinh đạt kết quả rất tốt, có nhiều thay đổi. Học sinh làm bài rất hào hứng trôi chảy và giàu cảm xúc. Bài làm vừa đạt được mục đích là kiểm tra kiến thức văn học, vừa thấy được ý kiến, cảm nhận riêng của học sinh về một vấn đề xã hội. “Nếu có cơ hội, tôi vẫn tiếp tục ra đề mở và tiếp tục lắng nghe các ý kiến góp ý của giáo viên, học sinh để hoàn thiện hơn”, giáo viên Phạm Mai Hương bày tỏ.