Liên quan đến vụ việc nhiều người dân tại khu tái định cư Nậm Sáng 2, xã Phúc Than (Than Uyên- Lai Châu) tố chất lượng gạo cứu trợ mà Ban Quản lý Đầu tư xây dựng của huyện cấp phát có chất lượng kém, PV PNVN đã vào cuộc xác minh, tìm hiểu.
Chia sẻ với PV, nhiều người dân tại bản Chít 1, khu TĐC Nậm Sáng 2 cho rằng, không chỉ chất lượng gạo có vấn đề khiến người dân không dám ăn mà đem gạo đi đổi cá, đi bán thì giá gạo cũng có nhiều bất cập, không rõ ràng. Người dân nghi ngờ có tiêu cực trong việc này.
Bản Chít 1 thuộc khu TDDC Nậm Sáng 2 nhìn từ xa |
Cụ thể, theo phản ánh của anh Lò Văn Sương (31 tuổi, trú tại bản Chít 1) vào khoảng tháng 6/2016, người dân bản Chít 1 được nhận gạo cứu đói với số lượng 20 kg/1 người/1 tháng và nhận 1 lần cho cả 3 tháng. Sau khi gạo mang về rất khó ăn, có mùi lạ giống mốc và ăn rất cứng. Nhiều người dân đã phản ánh lên trưởng bản và đề nghị lên huyện trợ cấp bằng tiền, thay vì bằng gạo như vừa qua.
“Sau đó thì chính quyền chấp nhận trợ cấp bằng tiền mặt. Nói thật, trợ cấp bằng tiền thì người dân thích hơn, có tiền mua gạo nào ăn cũng được. Với mức giá 14.000 đồng/1kg thì ở đây mua được nhiều loại gạo ngon hơn gạo cứu đói được cấp phát”, anh Lò Văn Sương nói. Thế nên, ở đợt 2 của năm 2016, người dân bản Chít 1 cũng như những hộ dân tái định cư khác trong huyện Than Uyên được trợ cấp bằng tiền qui đổi từ số gạo cứu đói theo tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, khi trợ cấp bằng tiền thì lại nảy sinh vấn đề khiến người dân ở đây bức xúc chính là giá. Thời điểm tháng 6/2016, khi trợ cấp bằng gạo cứu đói, giá gạo được niêm yết rõ ràng là 14.000 đồng/kg với loại gạo tẻ thường.
Anh Lò Văn Sương trao đổi với PV PNVN về những thắc mắc trong việc hỗ trợ tiền cứu trợ |
“Khi nhận tiền, chúng tôi cứ nghĩ là mỗi kg sẽ có giá là 14.000 đồng, nhưng khi phát tiền thì cán bộ chỉ phát theo đơn giá 11.000 đồng/kg. Chúng tôi thắc mắc thì được giải thích là do biến động giá. Giá xăng còn lên xuống thất thường nói gì đến giá gạo. Giải thích thế thì chúng tôi đành chịu và nhận tiền về, dù cũng chả ai vui vẻ”, anh Lò Văn Sương nói tiếp.
Về sự chênh lệch giá gạo, theo tìm hiểu của PV, tại thời điểm tháng 6 đến nay, giá gạo tẻ thường ở Than Uyên không có nhiều biến động, nên việc lấy lý do biến động giá cả để giảm từ 14.000 đồng/1kg xuống còn 11.000/kg là không thuyết phục đối với người dân.
(Anh Lò Văn Sương phản ánh về việc chênh lệch giá gạo)
Liên quan đến vấn đề này, PV đã trao đổi với lãnh đạo chính quyền địa phương và từ lãnh đạo cấp xã đến Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Than Uyên đều thừa nhận có sự lệch giá tới 3 triệu đồng/1 tấn gạo. Tuy nhiên, những người này cho rằng, đơn giá bao nhiêu là do quyết định của Sở Tài chính tỉnh Lai Châu, còn họ chỉ là đơn vị thực hiện đơn giá đó.
Theo số liệu mà phía Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Than Uyên cung cấp, với việc lệch giá từ 14.000 đồng/1kg xuống còn 11.000 đồng/1kg, nếu tính theo tổng số gạo cấp phát, số tiền chênh lệch này “dôi" ra hàng tỉ đồng.
Số tiền này đang ở đâu và căn cứ vào đâu để đưa ra mức giá chênh lệch này? Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin về vụ việc.