Lai Châu: Dân tái định cư tố gạo cứu đói kém chất lượng

04/11/2016 - 11:50
Vui mừng khi nhận được gạo cứu đói, tuy nhiên sau đó những người dân tái định cư lại không dám ăn vì chất lượng gạo "có vấn đề". Theo phản ánh của người dân, gạo có dấu hiệu mốc, có mùi lạ...
Đem gạo cứu đói đi đổi cá giống
Câu chuyện đáng tiếc trên xảy ra tại một số khu tái định cư thuộc địa bàn huyện Than Uyên (Lai Châu).

Theo phản ánh của nhiều đồng bào dân tộc Thái đang sinh sống tại bản Chít 1, khu tái định cư Nậm Sáng 2 (xã Phúc Than, Than Uyên, Lai Châu), thời gian qua khi được nhận gạo cứu đói của nhà nước do Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Than Uyên cấp phát, họ không ăn được vì chất lượng gạo kém. Nhiều người dân đã mang gạo đó đi bán lại cho các cửa hàng buôn gạo hoặc dùng để nấu rượu. Một số hộ gia đình thì đem gạo cứu đói đi đổi cá giống về nuôi. Thậm chí, có người khi dùng gạo này cho gia cầm ăn thì khoảng 1 tuần sau gà chết không rõ nguyên nhân.

Theo tìm hiểu của PV PNVN, hơn 400 hộ dân tái định cư ở khu tái định cư Nậm Sáng 2 có nguồn gốc từ Bản Chát và Huội Quảng (thuộc huyện Tân Uyên và Than Uyên của tỉnh Lai Châu). Sau khi làm thủy điện ở khu vực này thì chính quyền có chính sách di dân của hai bản này về khu tái định cư Nậm Sáng 2 từ khoảng 5 năm nay.
anh-1.jpg
 Dân phản ánh gạo cứu đói có vấn đề về chất lượng
Để ổn định cuộc sống cho đồng bào tái định cư, ngày 22/3/2016, UBND tỉnh Lai Châu có công văn hỏa tốc 464/UBND-VX thống nhất về việc hỗ trợ gạo cứu đói cho các hộ dân tái định cư thủy điện Bản Chát và Huội Quảng ở hai huyện Than Uyên và Tân Uyên.

Trong công văn nêu rõ là hỗ trợ bằng gạo tẻ thường, 20kg gạo/người/tháng, hỗ trợ 2 năm, mỗi năm hỗ trợ 6 tháng, chia làm 2 đợt mỗi đợt 3 tháng. Đến tháng 6/2016, UBND huyện Than Uyên tiến hành cấp phát gạo cứu đói cho bà con đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện.

Có mặt tại bản Chít 1, theo ghi nhận của PV, hầu hết số lượng gạo cứu đói đã được bà con đổi, bán hoặc sử dụng vào việc khác, không dám nấu cơm. “Để cũng không ăn được, càng để lâu càng hư nên chúng tôi người thì bán, người thì mang đi đổi cá hết rồi”, một người dân ở bản trả lời khi phóng viên hỏi.
anh-2.jpg
 Bên ngoài bao gạo cứu đói cho dân
Anh Lò Văn Sương (31 tuổi, trú tại bản Chít 1), cho biết: Gia đình anh có 4 nhân khẩu nên trong đợt hỗ trợ gạo cứu đói anh được nhận 240 kg. Tuy nhiên, sau khi nấu ăn được vài bữa thì gia đình không ăn gạo cứu đói nữa. Theo anh Sương, gạo vừa cứng và lại có mùi khó chịu.

“Chất lượng gạo không tốt nên tôi mang một nửa đem lên cửa hàng để bán. Giá gạo cứu trợ là 14.000 đồng/1kg nhưng khi đem đi bán họ chỉ mua với giá 6.000 đồng/kg thôi. Chủ cửa hàng bảo, gạo này chúng tôi không mua thì cũng chả ai mua đâu. Thế là tôi đành chịu và phải bán thôi”, anh Lò Văn Sương nói.

Theo lời kể của anh Sương, số gạo còn lại anh Sương nấu ăn một phần, sau đó dùng để chăn nuôi. 

Ông Tòng Văn Học (Bản Chít 1, khu TĐC Nậm Sáng 2, xã Phúc Than, huyện Than Uyên) cũng cho biết, khi nhận được gạo cứu đói thì gia đình có sử dụng hơn một bao nhưng không thể ăn được nên phải đi đổi gạo này lấy cá giống và bán cho những người nấu rượu.

Được biết, đơn giá gạo cứu đói cho bà con là 14.000 đồng/1kg tại thời điểm tháng 6/2016. Theo tìm hiểu của PV tại thị trường gạo Than Uyên thì với mức giá 14.000 đồng, hoàn toàn có thể mua được loại gạo tẻ rất ngon tại bất kỳ điểm bán gạo nào ở đây.

Điều này cũng được những người dân Than Uyên mà chúng tôi gặp xác nhận. Họ khẳng định, giá gạo ở đây không mấy biến động nên với số tiền đó, có thể mua được gạo ngon để ăn.

Xã chưa nhận được phản ánh nào

Liên quan đến những phản ánh của người dân về chất lượng gạo cứu đói có vấn đề, chúng tôi đã liên hệ với chính quyền địa phương để tìm ra câu trả lời.

Ông Nguyễn Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Than và là người tham gia trực tiếp vào quá trình cấp phát gạo cứu đói cho bà con, cho biết: Chính quyền địa phương không hề nhận được phản ánh nào của người dân về chất lượng gạo.

Ông Thái cho hay từ thời điểm cấp gạo, ông đã đề nghị người dân tự kiểm tra gạo, lấy gạo từ một bao bì bất kỳ nấu ăn thử... Khi đó người dân nhận gạo cứu trợ không có kiến nghị.

“Nhận thông tin phản ánh từ các anh, chúng tôi sẽ xuống kiểm tra, xác minh những phản ánh này. Tuy nhiên, gạo cấp phát đã 5 tháng nay, có nhiều nhà nhiều nhân khẩu thì nhận về dăm bảy tạ, ăn chưa thể hết được nên việc mốc hay chất lượng gạo đi xuống tại thời điểm hiện tại cũng không phải lạ. Bởi bà con hầu như không có điều kiện để bảo quản tốt. Với lại, hôm phát gạo tôi nhớ là thời tiết không thuận lợi, có mưa nên biết đâu bà con vận chuyển về nhà bị ướt khiến cho chất lượng gạo bị ảnh hưởng”, ông Thái lý giải thêm.

Về phản ánh của người dân về gạo không ngon, không ăn được, ông Phó chủ tịch UBND xã Phúc Than nói thêm: “Bà con ăn gạo ngon quen rồi, gạo bà con làm ra ngon hơn gạo nhà nước cứu đói nên bà con ăn không quen”.
img_8554.JPG
 Ông Tòng Văn Học trao đổi với PV
Mang những thắc mắc, phản ánh của người dân Phúc Than, chúng tôi liên hệ với lãnh đạo UBND huyện Than Uyên để làm rõ thông tin. Tuy nhiên, ông Lê Anh Dũng – Quyền Chánh văn phòng UBND huyện Than Uyên cho biết, hiện lãnh đạo huyện đang bận họp nên chưa thể đưa ra câu trả lời được. “Anh thông cảm, đợt này cuối năm, lãnh đạo huyện bận nên chưa thể sắp xếp lịch trả lời phỏng vấn được. Hẹn sang tuần sau”, ông Dũng nói.

Đồng thời, vị Chánh văn phòng chuyển “quả bóng” bằng việc liên hệ để PV làm việc với ông Vũ Văn Nội (thời điểm cấp gạo cứu đói ông Nội là Phó Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Than Uyên, hiện chuyển công tác sang Trung tâm quản lý quỹ đất huyện).

Ông Nội cho biết loại gạo mà Ban quản lý cấp phát cứu đói cho người dân xã Phúc Than là gạp tẻ thường, giá 14.000/1kg. Gạo cấp phát được cung cấp từ 4 đơn vị trúng thầu là Cty TNHH Sao Sáng; Cty TNHH Anh Hoa; Cty TNHH Châu Giang và Cty TNHH Bằng An, ông Nội khẳng định việc cấp phát là đúng quy trình, công khai, minh bạch.

Và cũng giống như vị Phó chủ tịch UBND xã Phúc Than, ông Nội cũng cho biết phía Ban quản lý dự án và UBND huyện hoàn toàn không nhận được phản ánh từ người dân (!?). “Tháng nào UBND huyện cũng họp giao ban với các xã và ghi nhận từ người dân như không nhận được phản ánh”, ông Nội khẳng định.

Khi PV đặt câu hỏi rằng tại sao các cơ quan báo chí có khi cách tới 500km còn ghi nhận được, trong khi đó khoảng cách từ UBND xã Phúc Than là 3km, UBND huyện Than Uyên là 10km lại không hề biết gì? Ông Nội chỉ trả lời ngắn gọn rằng không biết. Đồng thời, ông Nội cũng không loại trừ giả thuyết có kẻ xấu xúi giục bà con tung tin gây bất lợi cho chính quyền.

Liên quan đến câu chuyện này, theo tài liệu mà PV có được, sau đợt cấp phát gạo cứu đói đợt 1, đến đợt 2 huyện Than Uyên đã chuyển sang cấp tiền mặt thay vì cấp gạo như trước. Thế nhưng, khi cấp gạo thì đơn giá là 14.000 đồng/kg, nhưng chỉ mấy tháng sau, khi chuyển sang trợ cấp bằng tiền mặt thì đơn giá lại “nhảy” xuống còn 11.000 đồng/kg.

Vì sao lại có sự xuống giá đột ngột như vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm