Lại đề xuất thải bỏ xe máy cũ nát: Cần giải quyết thêm "bài toán" về đảm bảo an sinh xã hội

Nguyễn Hải Phong
02/08/2024 - 14:41
Lại đề xuất thải bỏ xe máy cũ nát: Cần giải quyết thêm "bài toán" về đảm bảo an sinh xã hội

Bà Nguyễn Thị Thu (trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) dùng chiếc xe máy cũ làm phương tiện mưu sinh

Việc yêu cầu thu hồi xe máy cũ nát đã được đề cập nhiều năm nay nhưng đến nay, việc thực hiện vẫn dường như bế tắc. Vừa qua, câu chuyện này lại một lần nữa được nhắc đến khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thải bỏ phương tiện giao thông. Trong đó, Bộ này đề xuất thải bỏ xe máy không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường từ năm 2027.

Một trong những nội dung của dự thảo đó là việc những phương tiện xe máy (được quy định tại Phụ lục XXII Nghị định 08/2022/NĐ-CP) trong tình trạng hết niên hạn sử dụng hoặc không bảo đảm quy chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật sẽ phải thải bỏ. 

Các chủ phương tiện sẽ có trách nhiệm thải bỏ dưới hình thức chuyển giao cho các cơ sở tháo dỡ, tái chế, xử lý hoặc các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng phương tiện giao thông... được cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật. 

Quá trình thải bỏ phương tiện giao thông được thực hiện trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hết niên hạn sử dụng hoặc từ ngày xác định không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Lại đề xuất thải bỏ xe máy cũ nát: Cần giải quyết thêm "bài toán" về đảm bảo an sinh xã hội- Ảnh 1.

Một chiếc xe máy cũ nát trên đường phố

Các cơ quan nhà nước có quyền định đoạt phương tiện giao thông bị tịch thu do vi phạm pháp luật hoặc là tài sản vô chủ, với điều kiện tài sản này đã xác lập quyền chủ sở hữu theo quy định của pháp luật mà hết niên hạn sử dụng hoặc không bảo đảm quy chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Đơn vị có trách nhiệm thải bỏ theo hình thức chuyển giao cho cơ sở theo quy định. Trong trường hợp chủ xe có nhu cầu thải bỏ phương tiện giao thông chưa hết niên hạn sử dụng hoặc bảo đảm quy chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cũng phải bàn giao cho cơ sở tiếp nhận phương tiện giao thông thải bỏ.

Chủ phương tiện giao thông thuộc trường hợp bị thải bỏ không được phép thải bỏ, chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân khác không thuộc đối tượng quy định được phép tiếp nhận phương tiện giao thông thải bỏ.

"Chúng tôi không phản đối nhưng…"

Tại Hà Nội, không khó bắt gặp những chiếc xe máy cũ, nát lưu thông trên đường. Nhiều xe trong số đó được hàn thêm giá đèo hàng, độ giảm xóc, hoặc chế thành xe kéo, xe ba gác chở hàng kèm theo đó là khói mù mịt mỗi khi di chuyển. Đối tượng sử dụng những chiếc xe này phần đông là người vận chuyển hàng, buôn bán rau củ quả, thợ xây dựng, người thu mua phế liệu…

Thực tế, nhiều xe máy cũ, nát lưu thông trên đường gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường. Việc thu hồi các phương tiện giao thông này nhằm đảm bảo an toàn giao thông, giảm ô nhiễm không khí là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, đây cũng là tài sản và đang gắn liền với sinh kế của một bộ phận người lao động có thu nhập thấp.

Sử dụng chiếc xe có tuổi đời hơn 20 năm, không đèn, không còi, không gương chiếu hậu… bao năm nay, bà Nguyễn Thị Thu (46 tuổi, trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) vẫn rong ruổi khắp các ngõ phố của Thủ đô để thu mua phế liệu. Với bà Thu, chiếc xe cũ này chính là "cần câu cơm" giúp vợ chồng bà kiếm sống và nuôi 4 người con đang tuổi ăn, tuổi học. 

Thế nên, khi biết thông tin đề xuất thải bỏ những chiếc xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, bà Thu không khỏi băn khoăn. 

"Bản thân tôi cũng biết phương tiện mà mình đang di chuyển làm ảnh hưởng đến môi trường nhưng không thể làm khác được vì với những người lao động nghèo như tôi, chiếc xe là phương tiện để kiếm sống. Nếu bây giờ mua 1 chiếc xe đáp ứng đủ điều kiện kiểm soát khí thải theo quy định thì phải mất 7-8 triệu đồng. Với chúng tôi, đó là một số tiền rất lớn", bà Thu chia sẻ. 

Lại đề xuất thải bỏ xe máy cũ nát: Cần giải quyết thêm "bài toán" về đảm bảo an sinh xã hội- Ảnh 2.

Thực tế, nhiều xe máy cũ, nát lưu thông trên đường gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.

Không phản đối đề xuất thải bỏ những chiếc xe máy không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng bà Thu mong cơ quan chức năng xem xét có chính sách hỗ trợ đối với người sở hữu xe.

Cũng đang sử dụng một chiếc xe máy cũ để làm phương tiện vận chuyển hàng hóa, anh Nguyễn Văn Trình (27 tuổi, quê ở tỉnh Nam Định) cho biết, bản thân cũng băn khoăn về đề xuất thải bỏ những chiếc xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. 

"Chiếc xe tôi đang sử dụng ước tính tuổi đời còn hơn cả tuổi của tôi, được tôi mua lại của một người quen. Nhiều năm qua, tôi vẫn sử dụng chiếc xe này để làm việc nên trong trường hợp đề xuất được thông qua thì tôi mong cơ quan chức năng có chính sách hỗ trợ đổi phương tiện mới cho người sử dụng thuộc đối tượng khó khăn", anh Trình chia sẻ.

Theo chuyên gia, đề xuất thải bỏ những chiếc xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường sẽ đem lại nhiều tác động tích cực cho môi trường. Tuy nhiên, để việc thu hồi không ảnh hưởng đến đời sống của người sử dụng, cơ quan chức năng sẽ phải giải quyết thêm "bài toán" về đảm bảo an sinh xã hội. 

Theo luật sư Nguyễn Thu Hằng (Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình), theo quy định, xe mô tô, xe máy được thu hồi mới dừng ở xe quá cũ nát hoặc những trường hợp vi phạm mà mức vi phạm vượt quá giá trị của xe nên chủ phương tiện cố tình bỏ xe lại. 

Trong khi đó, những phương tiện có đầy đủ giấy tờ, phụ tùng xe thì không thể bị thu hồi. Bà Hằng đánh giá việc buộc thải bỏ những xe cũ nát trên thực tế không đơn giản vì sẽ liên quan đến vấn đề dân sự. 

"Theo quy định, xe máy dù cũ nát vẫn là tài sản hợp pháp của người dân. Bên cạnh đó, chưa có quy định nào nhắc đến niên hạn sử dụng của xe máy nên nếu không phải là phương tiện vi phạm thì cơ quan chức năng không thể tự ý tịch thu", bà Hằng chia sẻ. 

Từ đó, vị luật gia cho rằng, cơ quan chức năng cần có khung pháp lý chặt chẽ, hướng người dân đến việc tự giác thực hiện để làm cơ sở dần dần loại bỏ phương tiện này. "Ngoài ra, cũng không thể không tính đến trường hợp phải hỗ trợ người dân đổi phương tiện mới", bà Hằng cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm