pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lãi suất tăng, người dân “đổ tiền” vào ngân hàng
Dòng tiền gửi từ khách hàng cá nhân vào ngân hàng đang tăng mạnh - Ảnh minh họa
Theo số liệu về tổng phương tiện thanh toán, tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2/2022 mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố mới đây, lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng.
Cụ thể, tổng phương tiện thanh toán cuối tháng 2 đạt hơn 13,6 triệu tỉ đồng, tăng 1,81% so với cuối năm 2021. Tiền gửi của khách hàng đạt hơn 1,1 triệu tỉ đồng, tăng 1,38% so với đầu năm. Đóng góp cho con số này là nhờ nhóm khách hàng dân cư.
Tiếp tục duy trì đà tăng kể từ tháng 11 năm ngoái, tiền gửi dân cư trong tháng 2 đạt 5,46 triệu tỉ đồng, tăng hơn 56.400 tỉ đồng so với cuối tháng 1 và tăng hơn 159.600 tỉ đồng so với cuối năm 2021.
Trái với xu hướng tăng của tiền gửi nhóm dân cư, tiền của các tổ chức kinh tế khoảng 5,63 tỉ đồng, giảm 0,16% so với cuối năm 2021, tương đương giảm 8.869 tỉ đồng. Các chuyên gia nhận định, các con số trên thể hiện tín hiệu tích cực của nền kinh tế Việt Nam.
Lãi suất ngân hàng liên tục tăng
Từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại liên tiếp được điều chỉnh, đa phần theo xu hướng tăng lên đối với nhiều loại kỳ hạn và áp dụng cho cả phương thức tiền gửi tại quầy lẫn tiền gửi online.
Ngay trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 5 này, một loạt ngân hàng cũng tiếp tục tăng lãi suất. Các chuyên gia nhận định, tính từ đầu năm 2022, đây là đợt tăng lãi suất huy động rộng nhất mà các ngân hàng thực hiện. Cụ thể, mức tăng phổ biến ở mức 0,1-0,4 điểm % so với tháng trước và 0,5-1 điểm % so với cuối năm 2021.
Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) vừa tăng mạnh lãi suất tiền gửi cả trên kênh huy động trực tuyến lẫn tại quầy. Hiện lãi suất tiết kiệm online cao nhất tại SHB lên đến 6,7%/năm cho kỳ hạn từ 36 tháng, tăng 0,35%/năm so với trước và 6,4%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, tăng 0,3%/năm.
Còn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB), lãi suất tiết kiệm tăng từ 0,15-0,24%/năm tại một số kỳ hạn. Trong số đó, lãi suất kỳ hạn 24 tháng tăng 0,24%/năm lên 5,75%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,18%/năm lên mức 5,39%/năm...
Ngoài ra, một loạt ngân hàng MSB, VPBank, ABBank, HDBank, NamABank, Vietcapital Bank… cũng điều chỉnh tăng biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân trong giai đoạn cuối tháng 4 và đầu tháng 5 này.
Kinh tế Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ
Bên cạnh mặt bằng lãi suất huy động tăng, việc các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có dấu hiệu chững lại cũng khiến dòng tiền quay về hệ thống ngân hàng.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, tín hiệu này cho thấy, tiền gửi tại ngân hàng đang quay trở về quỹ đạo thông thường, chấm dứt 2 năm lạc nhịp trước đó. Trái lại, tiền gửi của doanh nghiệp sẽ được rút dần ra để đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục, chứ không còn để quá nhiều tại ngân hàng. Hoạt động rút ròng này sẽ phải vận động dần dần chứ không thể lập tức rút ngay một khoản tiền lớn.
"Biến động của dòng tiền chảy vào ngân hàng cho thấy loạt động thái từ phía nhà quản lý ngăn lĩnh vực rủi ro tăng nóng đã có hiệu quả. Đồng thời, tiền gửi của doanh nghiệp đang được rút dần để chú trọng hơn vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tất cả những điều này đều thể hiện nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ và hướng tới sự phát triển bền vững", ông Hiếu nhấn mạnh.