Làm bạn sau ly hôn

Đinh Thu Hiền
26/09/2024 - 14:21
Làm bạn sau ly hôn

Ảnh minh họa

Hôn nhân không hạnh phúc, nhưng chị Phạm Hồng Nụ, ngụ tại TPHCM, đã tìm được giải pháp yên bình cho bản thân sau khi chia tay.
Mối tình thời trẻ

Chị Phạm Hồng Nụ, sinh năm 1973, hiện là Điều dưỡng trưởng Khoa Nội, Viện Y học cổ truyền Quân đội TPHCM. Những người đồng nghiệp, đồng đội với chị Nụ đều chứng kiến cuộc sống hôn nhân của chị từ những ngày đầu hai người gầy dựng gia đình tới khi hôn nhân tan vỡ. 

Và họ cũng chứng kiến luôn cả những ứng xử sau ly hôn rất bình tĩnh, đầy thấu cảm của chị với chồng cũ, với bạn gái của chồng cũ. Câu cảm thán của bạn bè thường dành cho chị là: "Công nhận Nụ hồn nhiên ghê!".

Khi trò chuyện với chị, tôi nói, thành thực đây là chuyện riêng tư của chị. Tuy nhiên, chuyện của chị khá nhiều bạn bè, đồng nghiệp biết, bởi cuộc sống trong tập thể thường dễ chia sẻ cùng nhau. Mà cách ứng xử của chị trong mối quan hệ vợ chồng có nhiều điểm tích cực, cả trong hôn nhân và sau khi đã ly hôn. Điều đó đáng được tôn trọng.

Chị Phạm Hồng Nụ quen anh N.V.D vào năm 1996 khi cả 2 cùng làm chung trong đơn vị, cùng ở trong khu tập thể của đơn vị. Những người lính quân y trẻ tuổi có đời sống tinh thần phong phú. Họ thường có những phút giây thư giãn gắn bó như đánh bóng bàn, dạy nhau chơi cờ tướng và nấu ăn chung sau giờ làm việc. 

"Những ngày ấy, tôi đang có bạn trai, anh D. cũng đang có người yêu. Người yêu của anh D. nhỏ hơn anh ấy nhiều tuổi nên mỗi lần 2 người giận dỗi nhau, tôi thường nói anh D. phải biết nhường nhịn, vì bạn gái trẻ nên cần chiều chuộng bạn ấy. Chúng tôi đã sống trong môi trường tập thể trong quân đội rất vui vẻ như vậy", chị Nụ kể chuyện.

Làm bạn sau ly hôn- Ảnh 1.

Sinh nhật tuổi 50 của chị Nụ bên 2 con gái và bạn trai của con gái lớn

Mọi việc có lẽ đã chuyển sang chiều hướng khác với tất cả những người trong cuộc nếu như chị Nụ và anh D. đều không chia tay người yêu. Sẵn mối thâm tình trước đó, họ lại càng gắn bó hơn. Khi anh D. hay chị Nụ bị ốm thì người còn lại chuẩn bị đồ ăn, thuốc uống, khiến họ thấy được đối phương chăm sóc chu đáo. Từ tình bạn, tình đồng nghiệp, họ chuyển dần sang tình yêu.

Nhà anh D. ở Hà Đông (Hà Nội) có khuôn viên vườn rất rộng. Trong vườn trồng nhiều hoa cúc, hoa hồng. Mỗi lần đưa chị Nụ về nhà chơi anh D. thường ngắt hoa hồng tặng người yêu. Chị Nụ nói vui, vì mê cái vườn hoa mà mê luôn anh D. Năm 1999, chị Nụ và anh D. làm đám cưới, về chung một nhà.

Hai người chỉ hơn nhau 1 tuổi nên thường xưng là bạn, họ bước vào đời sống hôn nhân không có gì khác biệt với nhiều gia đình công chức nhà nước khác. Dù không dư dả vật chất nhưng tinh thần thì rất thoải mái. Hai năm sau đám cưới, chị Nụ sinh bé gái đầu. 

"Chúng tôi chỉ vui vẻ, đầm ấm được một thời gian thì xảy ra những chuyện không vừa ý nhau. Anh D. ham chơi và vô tâm với vợ. Có lần tôi nói với anh rằng tôi rất buồn thấy anh để vợ con ở nhà để đi chơi khuya, thì anh đã lập tức xưng mày - tao và nói những câu tổn thương vợ. Tôi cứ ám ảnh những câu nói đó, và hôn nhân dần dần không còn đầy đủ ý nghĩa hạnh phúc nữa", chị Nụ kể.

Chị Nụ đã nghĩ tới việc chia tay nhưng vẫn nấn ná vì thời điểm ấy, anh D. chuyển công tác vào TPHCM. Vợ chồng còn trẻ, nên thủ trưởng cũng động viên chị Nụ chuyển công tác theo chồng. Cơ quan của anh chị lúc đó mới gầy dựng cơ sở phía Nam, còn bộn bề công việc, rất cần nhân lực. 

Làm bạn sau ly hôn- Ảnh 2.

Hôn nhân không hạnh phúc nhưng chị Phạm Hồng Nụ, ngụ tại TPHCM, đã tìm được giải pháp yên bình cho bản thân sau khi chia tay.

Chị Nụ vốn là người thích sự vui tươi, sôi động, nên cũng đồng ý. Cả gia đình dọn đồ, chuyển chỗ ở theo sự phân công của tổ chức.

Chị cho biết: "Ban đầu, chúng tôi chỉ tính vào làm việc trong này 6 tháng rồi lại đi ra Bắc, nhưng khi vào TPHCM thì thấy thời tiết thuận hòa, con người dễ mến, nên chúng tôi quyết định ở lại định cư lâu dài. Dù hôn nhân có những điều chưa vừa ý, nhưng tôi hy vọng ở nơi ở mới, chồng mình sẽ thay đổi. Tôi sinh bé gái thứ hai vào năm 2005".

Trái ngược với mong mỏi của chị, anh D. vẫn "rất ham chơi". Vào một ngày năm 2012, anh D. đưa một cô bạn gái về nhà, giới thiệu với chị Nụ là bạn. Chị Nụ không hề hay biết chuyện gì xảy ra trong tình cảm của anh D. và cô bạn ấy, thậm chí còn nghe lời chồng cho cô bạn này mượn tiền khi gặp khó khăn. Tới khi có người bạn cảnh báo, chị mới giật mình để ý. Một lần, chị vô tình đọc được tin nhắn yêu đương của hai người này, thì "mọi chuyện không thể dừng được nữa".

"Chúng tôi ly thân nhau năm 2013. Trong cơ quan, nhà tập thể có rất nhiều phòng nên anh D. chuyển qua ở một phòng riêng, không ở chung cùng tôi và 2 con gái nữa. Anh D. công khai cô bạn gái ấy, thậm chí có lần anh D. còn nói tôi ra quán cà phê để bạn gái của anh nói chuyện. Tôi sợ quá, đâu có dám ra đó, vì mình chỉ có một thân một mình, lỡ đâu người ta ghen ngược, người ta đánh mình thì sao. Tôi bắt đầu tính thời gian để ly hôn", chị Nụ kể.

Vượt qua nỗi buồn

Trong 2 năm ly thân, không phải không có lần chị Nụ muốn níu kéo chồng quay về để vợ chồng lại đầm ấm như những ngày đầu mới cưới. Chị Nụ từng có lần ôm lấy anh, trước khi anh ra khỏi nhà, nói rằng: "Anh hãy nói là anh vẫn còn yêu em đi". Nhưng anh D. đã không thể hoặc không muốn quay trở lại cuộc sống vợ chồng với chị Nụ nữa. 

Suốt thời gian ly thân, anh D. không đóng góp tài chính để nuôi các con. Trong một lần, anh D. đã không kiềm chế được cơn tức giận khi tranh cãi với vợ, đã bạo hành, đánh đập vợ khiến mọi người ở kế bên phải chạy qua can ngăn.

Giọt nước tràn ly, chị Nụ làm đơn ly hôn.

"Hai con gái của tôi, lúc tôi và anh D. ra tòa, thì đều chọn ở với mẹ. Chúng tôi thỏa thuận về việc nuôi con, thỏa thuận chia tài sản. Anh D. có trách nhiệm chu cấp cho con mỗi tháng 3 triệu đồng nhưng rồi cũng tháng có tháng không. Ly hôn xong, tôi chỉ muốn tập trung vào công việc, kiếm tiền nuôi các con", chị Nụ nhớ lại.

Để có tiền trang trải cuộc sống, nuôi 2 con đang tuổi ăn học, chị Nụ tới tận nhà chăm sóc cho bệnh nhân sau giờ làm việc. Ai gọi ở đâu, chị cũng đi. Nhà chị ở Quận 6 nhưng tới nhà bệnh nhân ở Gò Vấp, ở Tân Bình, ở khắp mọi nơi trong thành phố. Có nhiều ngày chạy xe đi làm buổi tối, trời mưa to gió lớn, chị thấy tủi thân quá, cứ vừa đi vừa khóc. 

"Tuy nhiên, tôi phải gắng gượng vượt qua nỗi buồn. Tôi phải giữ sức khỏe, phải kiếm tiền để nuôi các con. Sau ly hôn, tôi và chồng cũ vẫn làm chung một cơ quan. Khi ấy, anh D. đã chia tay bạn gái cũ và có bạn gái mới. 

Cô bạn này nhà ở miền Tây, mỗi lần tới thăm anh D. mà gặp tôi thì chúng tôi đều chào hỏi nhau rất vui vẻ. Tôi nói với cô ấy đừng áp lực gì cả khi gặp tôi, hãy cứ bình thường. Cô ấy cũng rất dễ thương, thỉnh thoảng mua trái cây tặng cho 2 con gái của tôi. Mọi việc đều ổn thỏa cả", chị Nụ kể chuyện.

Sự hòa đồng, nhẹ nhõm của chị Nụ vẫn được duy trì cả tới cô bạn gái hiện tại của anh D. Chị vui vì anh D. gắn bó với người bạn gái hiện giờ lâu nhất. Có lần đi chơi cả cơ quan, anh D. đưa bạn gái và con riêng của bạn gái đi cùng, còn chị Nụ cũng đưa 2 con gái đi chơi. 

Con gái chị sau chuyến đi còn thắc mắc, "mẹ ơi, sao em bé nhà cô ấy thường bị la mắng vậy, con thương bé ấy quá". Chị Nụ còn nói, "nếu vậy con nói bố đưa cô và bé lên TPHCM sống đi, con chăm sóc em nhiều nhé".

Chị Nụ tâm sự: "Ai cũng hỏi tôi, sao tôi có thể bình thường hóa mọi việc như vậy, tôi đều trả lời, có gì đâu, chia tay nhau rồi thì làm bạn thôi mà. Tôi không bao giờ gieo vào đầu các con chuyện xấu về bố. Tôi để các con có cái nhìn độc lập và hiểu chuyện. Quan trọng nhất là mọi việc mâu thuẫn vợ cũ, chồng cũ đã phai nhạt theo thời gian, đừng mang tâm tưởng nặng nề quá, khổ mình và khổ những người xung quanh". 

Bởi suy nghĩ ấy, mà trong cơ quan có liên hoan, anh D. đưa bạn gái cùng tới chơi, thì chị Nụ và bạn gái của chồng cũ đều vui vẻ, hát chung với nhau, nhảy điệu cha cha cha cùng nhau. Chị Nụ luôn chủ động chào hỏi thân tình với người phụ nữ mới của chồng cũ.

Với chồng cũ, chị Nụ cũng không giữ những điều khó chịu trong lòng. Mỗi khi cơ quan ca hát văn nghệ, chị và anh D. còn khoác vai nhau để hát chung "gửi tặng các thủ trưởng" bài ca trữ tình vui vẻ. 

Sau mỗi lần như vậy, mọi người lại khuyên, hay là hai anh chị quay lại với nhau đi. Nhưng chị Nụ nói, tình cảm yêu đương đã đi qua rồi, giờ cố gắng cân bằng cảm xúc để tạo mối quan hệ bạn bè với nhau.

Thỉnh thoảng, khi điện nước trong nhà có việc gì cần sửa, chị Nụ lại kêu anh D. hỗ trợ. Anh D. nói chị cần lấy ai đó để có người bên cạnh, còn chị cười, nói anh sửa điện để cho các con gái anh được an toàn, vì các con là những người thường xuyên vào bếp làm công việc nội trợ.

Mới đây, anh D. đi đá banh bị đứt dây chằng đầu gối, người yêu anh từ Bình Phước lên chăm, chị Nụ cũng cùng mọi người trong cơ quan tới thăm. Mọi người chọc ghẹo chị Nụ gửi gì cho anh D., chị đưa ra bì thư có dòng chữ: "Chúc bạn mau bình phục".

Có một sự kiện quan trọng, tháng 9 này, anh D. lại chuyển công tác ra Hà Nội. Có lẽ một cuộc sống hoàn toàn mới sẽ tới với chị Nụ, khi con gái lớn đã tốt nghiệp đại học, vừa đi làm, con gái nhỏ cũng đã vào năm thứ 2 đại học rồi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm