Lạm dụng truyền nước biển có thể tử vong

26/05/2016 - 14:30
Nhiều người chỉ hơi mệt nhưng muốn truyền nước để tăng cường sức khỏe; người sốt muốn truyền nước để nhanh phục hồi; sĩ tử chuẩn bị vào mùa thi, cũng muốn truyền nước để đủ sức “chiến đấu”. Các bác sĩ cho biết, quan niệm này hết sức nguy hiểm.
Chị Nguyễn Thị Thủy, Khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội) cho biết, mấy hôm vừa rồi trời nóng, bản thân đi lại nhiều nên cơ thể mệt mỏi nên chạy ra phòng khám cạnh nhà nhờ truyền cho một chai 'nước biển'. Tuy nhiên, bác sĩ không đồng ý truyền và giải thích lý do sức khỏe của chị vẫn tốt, chưa cần thiết để truyền nước. Dù vậy, chị không bỏ cuộc và nhờ một điều dưỡng ở gần nhà truyền giúp. 'Tôi thấy mệt mỏi nên cần truyền nước để được khỏe hơn thôi. Nhiều người cũng làm như vậy mà có sao đâu', chị Thủy nói.

Những trường hợp như chị Thủy không phải là hiếm. Nhiều chị em rỉ tai, nếu mệt thì cứ đi truyền nước biển để khỏe hơn. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, những trường hợp cứ thấy sốt, mệt mỏi lập tức nghĩ đến truyền dịch là sai lầm. TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, trong cơ thể mỗi người, đều có các chỉ số trung bình trong máu, về đường, muối, các chất điện giải. Nếu một trong các chỉ số trung bình trên còn thấp hơn mức độ chỉ số bình thường cho phép thì phải bù đắp.
Tuy nhiên, để bù đắp những chất gì, số lượng bao nhiêu thì bệnh nhân cần phải kiểm tra bằng các xét nghiệm máu. Do đó, các bác sĩ thường dựa vào các kết quả xét nghiệm để thấy được trường hợp nào cần thiết. Thông thường, các bác sĩ chỉ định truyền nước khi bệnh nhân sốt quá cao, nôn quá nhiều gây mất nước, đi ngoài mất nước, không thể ăn, uống được.
ti-xung.jpg
 Chỉ truyền nước biển khi có chỉ định của bác sĩ
Nhiều người khi thấy trong người không được khỏe hay mệt mỏi, ăn uống kém, ngủ ít, thì đi truyền nước biển sẽ rất nguy hiểm. Bởi trong quá trình truyền, có thể xuất hiện tình trạng phù, đau sưng nơi vùng đang truyền dịch, viêm tĩnh mạch, nhất là truyền các loại nước biển ưu trương. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể gặp phải các phản ứng toàn thân như: Cảm giác lạnh, rét run, sắc mặt tái nhợt, vã mồ hôi, khó thở, đau ngực. Nếu không được xử lý kịp thời, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Thực tế, có không ít người đã bị sốc khi truyền nước, thậm chí tử vong vì không được cấp cứu kịp thời.
Theo TS Bắc, việc truyền dịch chỉ an toàn khi có chỉ định của bác sĩ. Nếu bắt buộc phải truyền nước thì người bệnh nên thực hiện tại cơ sở y tế có đầy đủ điều kiện vật chất. Nhân viên y tế cũng cần phải tuân thủ tuyệt đối các quy định trong truyền dịch về tốc độ, thời gian, số lượng, dụng cụ phải đảm bảo vô trùng tuyệt đối. 'Dịch truyền chỉ thực sự có lợi khi cơ thể chúng ta cần thiết. Còn trong những trường hợp bình thường thì dịch truyền không những không có lợi mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe do bị một số tai biến nguy hiểm', TS Bắc khuyến cáo. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm