Vụ việc ở trường tiểu học Thanh Liệt (Hà Nội) sau đó được xác định là do nhầm lẫn. Theo Hiệu trưởng nhà trường, sau khi trích xuất hình ảnh từ camera thì xác định được đây là người trong làng. Người đàn ông kia được mẹ một cháu bé học lớp 3 đón hộ nhưng do không nhớ mặt, nhớ lớp mà chỉ nhớ tên nên đã đi sang khối lớp 2 để hỏi dẫn đến nhầm lẫn. Sau khi bị nhầm, người này lại bỏ đi mà không giải thích dẫn đến hiểu lầm.
Tuy nhiên, với trường hợp của chị Trà Mi (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) xảy ra chưa lâu sẽ khiến các mẹ có con nhỏ hốt hoảng. Chị gửi con gái 16 tháng tuổi đi học. Ngày đầu tiên, 15 giờ chị đến đón con. Hôm sau, có việc bận, 17 giờ chị mới đến đón. Thế nhưng, cô giáo cho biết lúc, 15 giờ, có 2 người phụ nữ, trong đó có một người xưng là bà nội của cháu đến xin đón cháu về sớm để cho cháu đi chơi. Cũng may, cô giáo nhanh ý hỏi cháu tên gì, bao nhiêu tháng thì người phụ nữ đó đã không trả lời chính xác. Những người đó còn nói vừa ở quê lên, do mẹ của bé bận và nhờ bà đến đón, có gọi cho cô, nhưng cô không nghe máy. Kiểm tra điện thoại thì không thấy cuộc gọi nhỡ nào, hai người phụ nữ đó mới kết thúc “vở kịch”.
Việc giáo viên mầm non giao trẻ cho “người nhà” một cách dễ dàng rất phổ biến. Chỉ cần nói là ông, bà, dì, chú… của cháu A và không cần giải thích gì thêm, nhiều cô đã mặc nhiên trả trẻ mà không cần kiểm tra thông tin từ bố, mẹ của trẻ. Điều này thực sự đáng lo ngại.
Theo Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương, khi con còn nhỏ, cha mẹ không nên để quá nhiều người đón khi tan học, chỉ nên để hai người thân thiết trong gia đình. Nếu có người lạ đến đón, bố mẹ phải chủ động liên hệ với cô giáo qua số điện thoại, cung cấp tên và số điện thoại của người thay thế.
Cha mẹ không nên để quá nhiều người đón khi tan học, chỉ nên để hai người thân thiết trong gia đình. Ảnh minh họa. |
Ở các trường tiểu học, việc kẻ gian giả danh người thân đến đón trẻ không còn hiếm. Chúng dùng thủ đoạn “bố mẹ con bận, có nhờ cô/chú đến đón con”… Để đối phó với trường hợp này, bố mẹ hãy thiết lập một mật mã chỉ người trong gia đình mới biết, và dạy bé phải hỏi mật mã của người lạ đó. Nếu không phải người quen, trẻ phải tìm cách nhanh chóng tránh xa.
Đồng thời, bố mẹ nên phối hợp chặt chẽ cùng với trường học và giáo viên qua việc trao đổi số điện thoại với cô giáo, trong trường hợp có việc bận không thể đón con được thì nên báo cho giáo viên biết ai sẽ là người sẽ đi đón trẻ hộ hay trẻ sẽ tự về một mình, tránh trường hợp kẻ lạ giả danh người thân trong gia đình đến đón trẻ.
Ngoài ra, chị Vũ Thu Hương cũng lưu ý việc cha mẹ đưa thông tin của trẻ nhỏ lên mạng xã hội. Không nên đưa tên và hình ảnh trường học của con. Không nên đăng tải ảnh con không mặc quần áo. Không nên đăng tải những bức ảnh có họ và tên đầy đủ của con. Không nên đưa ảnh của con chụp cùng trẻ khác. Bởi, thực tế, việc cha mẹ thường xuyên chia sẻ hình ảnh, thông tin của con lên Facebook rất nguy hiểm. Nếu cập nhật thường xuyên, người lạ theo dõi một thời gian có thể biết quy luật sinh hoạt của mỗi gia đình. Từ đó, kẻ xấu hoàn toàn có thể lợi dụng lúc con ở một mình để bắt cóc và xâm hại.
Bên cạnh đó, nếu thường xuyên công khai thông tin trên mạng, kẻ xấu có thể sử dụng tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ nhà của phụ huynh để đến đón con tại trường. Chúng cũng biết được thói quen và sở thích của trẻ để dễ dàng dụ dỗ.