Du khách nước ngoài bị trả lại 900.000 đồng tiền âm phủ
Vụ việc 2 du khách người nước ngoài thăm quan phố cổ Hà Nội và trong quá trình thăm thú, bị trả lại bằng tiền âm phủ, đang gây nhiều bức xúc trong dư luận. Ngày 20/7, ông Vũ Công Huy (Chánh Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội) đã cho biết về tường trình của 2 du khách tại cơ quan công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Theo đó, 2 khách du khách là người Tây Ban Nha thông tin lại lộ trình: ngày 15/7, khách đến Hà Nội, lưu trú ở Homestay ở Ngọc Thụy, Gia Lâm. Ngày 16/7, khách đến Hàng Điếu để tham quan phố cổ và tại đây, họ có nhận được lời mời của người lái xích lô.
Xe đi qua các phố Hàng Chiếu, Hàng Da, Hàng Bông… Hai vị khách dừng lại ở phố Hàng Bông mua nón lá Việt Nam với giá 60.000 đồng, có sự chứng kiến của người lái xích lô. Tại đây, họ trả người bán hàng tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng và được trả lại 440.000 đồng. Du khách tặng thêm 100.000 đồng cho cô nhân viên bán hàng.
Gần tối, kết thúc hành trình về đến quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, khách đưa 3 tờ tiền mệnh giá 500 nghìn đồng trả tài xế xích lô. Tại đây, du khách vào cửa hàng ăn nhanh để dùng bữa tối.
Hơn 19h, sau khi ăn xong, 2 du khách bắt taxi về chỗ nghỉ, họ cũng rút tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng trả taxi, lái xe có trả lại tiền thừa. Du khách không rõ trả lại bao nhiêu, những loại tiền mệnh giá nào.
Sáng hôm sau, 2 du khách gọi taxi từ chỗ lưu trú sang Hàng Thùng để mua vé đi du lịch Sapa, đến lúc rút tiền trả taxi thì tài xế taxi phát hiện ra tờ tiền của du khách trả là tiền âm phủ. Số tiền âm phủ du khách có trong tay là 2 tờ mệnh giá 200.000 và 1 tờ mệnh giá 500.000 đồng.
Công an quận Hoàn Kiếm đã làm rõ người trả lại 900.000 đồng tiền âm phủ cho du khách người nước ngoài chính là lái xe taxi đã trở họ từ quán ăn gần quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục về Homestay.
Hiến kế cho ngành du lịch Việt
Năm 2017, du lịch Việt Nam đạt con số kỷ lục đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018. Trong đó, nghị quyết khẳng định: Xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam và từng vùng, từng địa phương nhằm từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đạt khoảng 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Tuy nhiên, phải thấy rằng, những vụ việc khách du lịch bị “chặt chém” như trên không phải là hi hữu ở Việt Nam.
Theo thông tin từ ông Vũ Công Huy, trong năm 2017, riêng địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), công an khu vực đã xử lí 30 trường hợp người kinh doanh có hành xử không đẹp với khách du lịch.
Năm 2016, một hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch được tổ chức tại Hội An, thông tin hội nghị đưa ra là Việt Nam đang đứng trong top trên ở ASEAN về lượng khách quốc tế đến nhưng 70% trong số đó "một đi không trở lại". Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đưa ra những nguyên nhân khiến du khách nước ngoài sợ quay lại Việt Nam, gồm: cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, thái độ phục vụ khách, nhà vệ sinh mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường.
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, đại diện Công ty Du lịch Vietravel, nhận định: "Tình trạng "chặt chém" nếu không được chấn chỉnh sẽ làm mất lòng tin với người Việt khi đi du lịch trong nước và mất một lượng lớn khách quốc tế khi họ chuyển sang các quốc gia lân cận như Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia, Malaysia…".
Để chấn chỉnh tình trạng này, bà Vân Khanh cho rằng, cơ quan quản lý về du lịch phải tăng cường kết nối với các cơ quan, ban ngành và cùng nhau đưa ra những biện pháp, quy định, hình thức xử phạt; tạo môi trường du lịch an toàn và thân thiện cho du khách. Chẳng hạn, cần quy định công khai giá cả dịch vụ tại các điểm du lịch, xử phạt thật nặng hành vi gian lận bán hàng và dịch vụ; chế tài xử phạt nạn bán hàng rong chèo kéo, ép khách mua hàng; cải thiện bảng chỉ dẫn trên các tuyến du lịch, điểm đến trọng điểm…
Về sự việc du khách Tây Ban Nha bị trả lại bằng tiền âm phủ, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch bức xúc nói: "Ngành du lịch rất bất bình và lên án hành vi này. Tuy là cá biệt nhưng hành vi này đã làm tổn thương hình ảnh du lịch Việt Nam rất nhiều".
“Về nạn “chặt chém” khách du lịch, tôi cũng đề nghị chính quyền địa phương các cấp, cơ quan chức năng như giao thông, công an... cần phối hợp để quyết liệt, xử lý nghiêm khắc, răn đe và ngăn chặn các hành vi đó", ông Tuấn nói.
Hiện Tổng cục Du lịch Việt Nam đang nghiên cứu về đề án xây dựng tổng đài du lịch. Tổng đài dự kiến bao gồm hệ thống tư vấn, tiếp nhận thông tin tự động; hệ thống tư vấn tổng đài viên; hệ thống kết nối chuyển các cuộc gọi cơ quan quản lý du lịch và cơ quan chức năng các địa phương; hệ thống định vị khách hàng để đưa ra thông tin tư vấn nhanh và hợp lý nhất; tích hợp trên các ứng dụng OTP để khách hàng có thể kết nối miễn phí đến tổng đài. Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh, trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển, tổng đài du lịch sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngành Du lịch. |