pnvnonline@phunuvietnam.vn
Làm gì khi bạo lực học đường xảy ra?
Bạo lực học đường là một trong những vấn nạn đã và đang gây ra rất nhiều nhức nhối không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới. Liên tiếp thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ việc có liên quan với hậu quả từ nghiêm trọng đến cực kỳ nghiêm trọng. Ngoài gây ra tổn thương thể chất thông thường, bạo lực học đường còn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý, để lại vết thương lòng sâu sắc cho đối tượng bị bạo lực, thậm chí có thể dẫn đến cái kết đau lòng nhất.
Bạo lực học đường là gì?
Theo khoản 5 Điều 2 Nghị định 80/2017/NĐ-CP thì bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.
Bạo lực học đường bao gồm các hành vi bạo lực về thể chất, gồm đánh nhau giữa các học sinh hoặc các hình phạt thể chất của nhà trường; bạo lực tinh thần, bao gồm cả việc tấn công bằng lời nói; bạo lực tình dục, bao gồm hiếp dâm và quấy rối tình dục; các dạng bắt nạt bạn học; và mang vũ khí đến trường.
Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường song có thể tóm gọn trong 3 nguyên nhân chính, bao gồm:
- Từ phía gia đình: Nếu gia đình không quan tâm, để ý đến tâm tư tình cảm của trẻ mà bỏ mặc, giao phó hoàn toàn trách nhiệm giáo dục cho nhà trường thì trẻ sẽ không có nền tảng giáo dục tốt, từ đó dẫn đến hiện trạng này. Bên cạnh đó, việc trẻ lớn lên trong một môi trường có xu hướng bạo lực, cha mẹ đánh cãi chửi nhau thường xuyên... cũng có thể dẫn đến hành vi bạo lực của các em.
- Từ phía nhà trường: Mô hình giáo dục của nhà trường chưa đúng cách, chưa có hiệu quả, mang quá nhiều tính hàn lâm nhưng bỏ qua việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa hay chú tâm vào giáo dục nhân cách, văn hóa ứng xử cho các em.
Ảnh minh họa
Mặt khác, còn có một số trường có xu hướng chạy theo thành tích dẫn đến việc bao che cho các hành vi bạo lực, không làm gương, răn đe học sinh của mình khiến hiện tượng bạo lực học đường ngày càng phổ biến.
- Từ phía xã hội: Môi trường sống xung quanh ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách và cách hành xử của trẻ, nhất là trong độ tuổi mới lớn (12 đến 17 tuổi) đầy nhạy cảm. Trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi các văn hóa bạo lực trong phim ảnh, sách báo, game có xu hướng bạo lực. Những hình ảnh không qua kiểm duyệt đầy rẫy trên mạng khiến cho các đối tượng tuổi vị thành niên tò mò và khám phá, từ đó sinh ra xu hướng bạo lực ngoài đời thực.
Bài học rút ra và biện pháp
Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, bạo lực học đường là một vấn đề xã hội nhưng tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm chung trong cuộc khủng hoảng này và nhà trường phải đi đầu cung cấp cho trẻ sự giúp đỡ về mặt tinh thần.
"Trường học sẽ là lực lượng tiên phong, chịu trách nhiệm tổ chức và lôi kéo các bên tham gia. Nhà trường phải xác định được những trẻ có vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần, những trẻ có nguy cơ bạo lực học đường thông qua bảng hỏi sàng lọc cảm xúc và những trải nghiệm mới xảy ra.
Ví dụ như em có từng bị bắt nạt, em thấy mình trở nên thu mình và trầm cảm; em lo lắng, em bị tẩy chay, em gặp rắc rối với việc kiểm soát hành vi, em đang có xích mích với những bạn ngoài nhà trường…
Nhà trường cần đẩy mạnh công tác Tư vấn tâm lý học đường, tổ chức lại Phòng Tư vấn tâm lý trong các trường học để hỗ trợ các nhu cầu tâm lý. Giáo viên cần chú ý đến các dấu hiệu tổn thương sức khỏe tâm thần và tích cực giới thiệu học sinh đến tham gia các hoạt động hỗ trợ. Triển khai rất nhiều các hoạt động để tạo ra 'sense of belonging' (cảm giác gắn bó và thân thuộc với nhà trường). Đó là cách thức để giảm các hành vi bạo lực bộc phát", PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Thành Nam
Đối với phụ huynh, theo chuyên gia, mỗi gia đình cần quan tâm, chú ý đến con để nhận ra các dấu hiệu con bị stress hay lo lắng. Hãy chia sẻ hay gửi gắm những lời nhắn nhủ đến con khi con đến trường.
Nếu trẻ có một số cảm xúc lo lắng hãy dạy trẻ tự nhủ những thông điệp tích cực như "Con có thể vượt qua được"; "mọi việc sẽ ổn cả thôi con nhé!". Bởi giai đoạn này cần sự bình tĩnh và chú ý sẽ giúp trẻ cân bằng được giữa hoạt động trí não và không quá dồn sự lo lắng của cha mẹ về việc học hay thi cử cho trẻ.
Ngoài ra, các nhà trường cần phải xây dựng văn hoá học đường gắn liền với vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục. Khi sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của mỗi người đều được nhận ra, được chăm sóc và trở thành ưu tiên hàng đầu khi đó những ứng xử lệch chuẩn, những hành vi bạo lực trong xã hội sẽ giảm.