Làm gì nếu từng uống nước giải khát nhiễm chì?

11/08/2016 - 09:17
Dù chì ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng không phải ai cũng biết cách phân biệt thực phẩm nào nhiễm chì, thực phẩm nào không. Sau các vụ ngộ độc do nhiễm chì, người tiêu dùng lo lắng, nhất là đã uống nước giải khát C2 và Rồng đỏ được chứng minh nhiễm chì.

Có hơn 40.000 thùng thuộc 2 lô nước C2, Rồng Đỏ nhiễm chì mà URC phải thu hồi. Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty URC Hà Nội, họ chỉ thu hồi được gần 1.200 thùng, chủ yếu là lô C2 sản xuất vào tháng 2, còn lô Rồng đỏ sản xuất cuối năm 2015 gần như đã bán hết. Như vậy, ước tính số lượng C2, Rồng đỏ nhiễm chì đã được tiêu thụ hết trên thị trường là 38.800 thùng, mỗi thùng có 24 chai, tổng cộng có khoảng 1 triệu chai C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì vượt mức đã được sử dụng.

Trong thông báo phát đi ngày 8/8, ông Jai Gamboa, Tổng Giám đốc URC Việt Nam cho biết, lí do URC chỉ thu hồi được 1.184 thùng trên tổng số 41.190 thùng nước nhiễm chì là bởi 'các sản phẩm này đã được sản xuất và phân phối ra thị trường từ 2–6 tháng trước lúc yêu cầu thu hồi, do đó có khả năng cao rằng các sản phẩm mà doanh nghiệp không thu hồi được đã được tiêu thụ'. Điều này đồng nghĩa, số chì vượt ngưỡng trong các sản phẩm trên đã đi vào cơ thể hàng trăm nghìn người Việt Nam.

c2.jpg
Trà xanh C2 nhiễm chì
Trao đổi với PNVN, chị Thanh Vân, ở phố Hồ Đắc Di, Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: “Nếu trà xanh C2 và nước Rồng đỏ không bị phát hiện nhiễm chì đây vẫn là thức uống chủ yếu của gia đình tôi hàng ngày, nhất là mùa hè. Mỗi lần đi siêu thị tôi thường mua cả thùng để làm nước giải khát cho cả nhà. Hầu như ngày nào gia đình tôi cũng uống từ 3-5 chai C2, trong đó 2 cháu bé con chị uống nhiều nhất. Do nghĩ sản phẩm này trước khi đưa ra thị trường đã được kiểm định về chất lượng nên tôi khá yên tâm. Tuy nhiên, từ hôm có thông báo sản phẩm này nhiễm chì cao gấp nhiều lần cho phép tôi thấy lo lắng”

Cũng theo chị Vân, nếu là thực phẩm mất vệ sinh ăn vào gây ngộ độc ngay tức còn tìm ra nguyên nhân và truy cứu. Với nước uống này trong một thời gian dài, chì nhiễm từ từ vào cơ thể không biết, nếu chì tích vào không thải được thì sinh đủ thứ bệnh. Qua tư vấn, các bác sĩ cũng khuyên nên tới các cơ sở y tế để kiểm tra sức khoẻ, nhưng do đã sử dụng thức uống này một khoảng thời gian dài nên gia đình rất hoang mang, nhưng chả biết đường nào mà kiện.

PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, bằng mắt thường hoặc ngửi, nếm đều không thể phát hiện hàm lượng chì có trong các loại nước uống và thực phẩm. Nhiều người cho rằng, dùng thực phẩm chứa chì sẽ giúp bổ sung chì vào cơ thể. Đây là quan niệm sai lầm. Bởi thực phẩm, nước uống hay thuốc nhiễm chì sẽ khiến cơ thể tích tụ độc tố dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm.
 
Hiện Bộ Y tế cho phép hàm lượng chì trong nước dùng để sản xuất, chế biến nước giải khát không vượt quá 0,01 mg/L. Giới hạn chì trong máu của trẻ em dưới 0,05 mg/L mới an toàn. Nếu hàm lượng này từ 0,1 đến 0,25 mg/L có thể gây suy giảm chức năng thần kinh. Một người được xác định là ngộ độc và phải điều trị khi lượng chì trong máu cao hơn 0,6 mg/L. Hàm lượng chì trong máu trên 0,25 mg/L sẽ gây đau đầu, khó chịu và các vấn đề thần kinh nghiêm trọng. Hàm lượng chì trong máu từ 0,5 đến 0,7 mg/L được tính là nhiễm độc vừa phải; trên 0,7mg/L là nhiễm độc nặng có thể gây co giật, tử vong.

Nhiều người đặt câu hỏi, với sản phẩm C2, Rồng đỏ nhiễm chì ở mức cao hơn quy định đã được phát hiện, uống bao nhiêu thì sẽ nguy hiểm? Trao đổi về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, rất khó để có câu trả lời chính xác. Lí do là cơ chế đào thải của cơ thể mỗi người khác nhau. Nếu đào thải tốt, uống nhiều có thể không nguy hiểm. Ngược lại, thì sử dụng hàm lượng chì nhỏ cũng có thể gây tác hại.

"Về lý thuyết nếu dùng sản phẩm có chì vượt ngưỡng sẽ gây ngộ độc. Tuy nhiên mức độ ngộ độc chì tới đâu còn tùy thuộc vào hàm lượng chì vượt ngưỡng, thời gian uống, số lượng uống và tùy thuộc vào chức năng thận của mỗi người. Nếu thận tốt thì việc đào thải chì tốt; còn nếu đào thải không tốt, chì tích tụ trong cơ thể gây ngộ độc. Đặc biệt, với trẻ em, việc nhiễm độc chì của trẻ em nhạy cảm hơn nhiều so với người lớn, khả năng tích lũy chì ở trẻ em cao hơn so với người lớn, có thể tích tới 50% lượng chì", PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết.

“Chì ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể như thần kinh, máu, thận, sinh sản, bào thai, nội tiết, hệ xương, tiêu hóa. Với trẻ em, nếu ngộ độc chì thì có biểu hiện bệnh không rõ rệt nên dễ bị bỏ sót, chỉ có thể phát hiện thấy khi khám chuyên khoa kỹ lưỡng. Trong trường hợp ngộ độc chì, biết chính xác ngộ độc chì biểu hiện rõ nhất là nôn, đau bụng, hôn mê, co giật, có thể tăng kích thích, ngủ lịm từng lúc, liệt, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất đi các kỹ năng học được, học kém, chậm phát triển tinh thần”, PGS.TS Trần Hồng Côn cho hay.
c.jpg
Môi trường nhiễm chì ảnh hưởng đến sức khỏe
Khi một người tiếp xúc với các nguồn chì, uống nước từng được chứng minh nhiễm chì và nghi ngờ bị ngộ độc hay có các biểu hiện trên thì cần đến các cơ sở y tế để được khám và có thể làm các xét nghiệm cần thiết. Sau khi có kêt quả xét nghiệm về nồng độ chì trong máu, bác sĩ sẽ kết hợp với tình trạng bệnh thực tế để đưa ra các biện pháp giải quyết cụ thể. Điều trị ngộ độc chì cần thời gian kéo dài hằng tháng đến hàng năm. Hiện hầu hết bệnh viện lớn trên cả nước đã có thể xét nghiệm phát hiện lượng chì trong máu.
 
Tổ chức Y tế Thế giới đã xác định chì là 1 trong 10 hóa chất cần quan tâm nhất đối với sức khỏe cộng cộng, các quốc gia cần có hành động khẩn cấp để bảo vệ sức khỏe của người lao động, trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Nhiễm độc chì gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là cho trẻ em. Khi bị nhiễm độc chì nặng, chì tấn công não và hệ thống thần kinh trung ương gây hôn mê, co giật và thậm chí tử vong.

Trẻ em sống sót sau nhiễm độc chì nghiêm trọng có thể để lại di chứng chậm phát triển tâm thần và rối loạn hành vi. Ở mức độ nhiễm độc chì nhẹ thì không gây ra ngay triệu chứng cấp tính rõ ràng, mà tạo ra một loạt thương tổn mạn tính trên nhiều cơ quan của cơ thể. Đặc biệt là chì ảnh hưởng đến sự phát triển não của trẻ em dẫn đến giảm chỉ số thông minh (IQ), thay đổi hành vi như rút ngắn khoảng chú ý và tăng hành vi chống đối xã hội; nhiễm độc chì cũng gây thiếu máu, tăng huyết áp, suy thận, giảm miễn dịch và giảm khả năng sinh sản. Các ảnh hưởng về thần kinh và hành vi do chì không thể hồi phục được.

Do đó, để bảo vệ sức khỏe, người dân nên lựa chọn thực phẩm an toàn, tránh xa khu vực nhiễm chì... và nói "không" tuyệt đối với đồ ăn, thức uống nhiễm chì. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm