‘Làm giả chai nước 4 nghìn: Bỏ tù; in lậu 10 nghìn cuốn sách: Trắng án

24/09/2016 - 07:32
Đó là thực tế bức xúc được ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Văn hóa Sáng tạo First New - Trí Việt, nêu lên sau 5 năm theo đuổi vụ kiện Huy Thi - vụ khởi kiện một cơ sở in ấn, gia công sách lậu đầu tiên tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Phước chia sẻ về nạn sách lậu

Chia sẻ trong cuộc họp báo ngày 21/9 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phước cho biết: Năm 2011, từ phát hiện của Trí Việt, Đội quản lý thị trường số 15 – Cục quản lý thị trường Hà Nội - đã kiểm tra, khám xét cơ sở gia công sau in Huy Thi (Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) và phát hiện hơn 10.000 cuốn sách in lậu tại đây. Trong số sách này, có tới 2.500 cuốn Quẳng gánh lo đi và vui sống Bảy thói quen của bạn trẻ thành đạt của Trí Việt, 2 đầu sách bán chạy hàng đầu trên thị trường.

Tuy nhiên, sau 2 phiên tòa sơ thẩm vào ngày 29/4/2014 của Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì và phiên tòa phúc thẩm ngày 27/8/2014 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Trí Việt đã thua kiện và phải chịu án phí 26 triệu đồng. Lý do tuyên bố của tòa là toàn bộ số sách in lậu đã bị tịch thu, tiêu hủy, chưa được lưu thông trên thị trường nên chưa thể gây sụt giảm doanh thu cũng như uy tín, danh dự của Trí Việt.

Không đồng ý với quyết định của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, ngày 30/8/2016, ông Nguyễn Văn Phước đã nộp đơn đề nghị giám đốc thẩm lên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại Hà Nội. Ông Phước bức xúc nói: “Tôi lấy ví dụ, một chai nước suối có giá 4 ngàn đồng, khi làm giả thì sẽ bị xử tội hình sự. Nhưng một cuốn sách trị giá hàng trăm ngàn, in lậu cả chục ngàn bản vẫn chỉ là xử lý hành chính. Trong khi đó, sách cũng là một loại hàng hóa, có mã vạch, có đóng thuế”.

Theo ông Phước, các cơ quan quản lý đang quá o ép xuất bản và thả tay buông lỏng cho in lậu. Để phát hành một cuốn sách, Trí Việt phải đầu tư rất cao, từ khâu biên tập, in ấn, quảng bá, quản lý phí, thuế…, phải bán được 5.000 bản mới đủ được chi phí và từ bản 5.000 trở đi mới có lãi để nuôi bộ máy. “Nhưng sách chúng tôi mới bán được 2.000 cuốn thì sách lậu đã bán tới 10.000 cuốn rồi. Thiệt hại cho doanh nghiệp làm sách đã đành, còn thất thu cho ngân sách nhà nước. Trong 10 năm qua, hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế lẽ ra nộp ngân sách đã chui vào túi của những kẻ làm sách lậu”, ông Phước nói.

Trí Việt tịch thu sách lậu tại Thái Nguyên

Ông Phước kể, có tác giả sách là một giáo sư có tuổi, đã đi tàu hỏa từ TP HCM ra Hà Nội vì không đủ tiền vé máy bay, đến tận nhà một chủ in lậu năn nỉ xin đừng làm lậu sách của ông. Trong khi đó, những kẻ ăn sẵn trên chất xám, mồ hôi nước mắt của người khác thì lại ung dung nhà lầu, xe hơi.

“Chúng tôi sai lỗi morrass 1 chữ thôi, nộp lưu chiểu chậm 1 ngày là phạt ngay từ 20 đến 50 triệu đồng”, ông Phước bức xúc. Còn những kẻ in lậu, vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Năm 2014, Trí Việt đã họp báo công bố đích danh 10 trùm in lậu, nhưng sau đó không thấy cơ quan chức năng nào xử lý. Năm 2015, Trí Việt đã phát hiện 7.000 bản in lậu cuốn Đắc nhân tâm tại một công ty in ở đường Trương Định, Hà Nội và báo cơ quan chức năng bắt tại trận. Nhưng hơn 1 năm đã trôi qua, vụ việc này vẫn đang nằm trong im lặng, không thấy có phản hồi là số sách này đã được xử lý như thế nào.

Trong giới xuất bản, mọi người thường tự… AQ với nhau là phải sống chung với sách lậu. “Nhưng chúng tôi không thể sống chung được. Chúng tôi buộc phải ra tay để tự bảo vệ mình, bảo vệ lẽ phải”, ông Phước nói. Ông đã cùng các thành viên của công ty tự đi 15 ngày khắp 8 tỉnh thành phía Bắc và thu hồi 2.817 cuốn sách của Trí Việt bị làm giả. “Sách giả nhiều đến nỗi chúng tôi không đủ xe để chở về”, ông Phước nói.

Cũng bởi thế, Trí Việt quyết theo đuổi vụ khiếu nại Huy Thi đến cùng. Ông Phước cho biết, nếu tiếp tục bị xử thua ở phiên tòa giám đốc thẩm, ông sẽ kiến nghị lên Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và tòa án quốc tế.

 

Luật sư Nguyễn Quang Ngọc – Công ty TNHH Luật Thiên Việt:

Tại phiên phúc thẩm, chúng tôi rất bất ngờ khi kết quả của bản án lại dành cho bên bị xâm phạm bản quyền. Tôi cho rằng việc áp dụng pháp luật của tòa án là không đúng. Trong bản án, Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định là có hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ. Cụ thể, ở đây Trí Việt có 2 yếu tố bị xâm phạm là logo thương hiệu và bản quyền tác giả cũng như bản quyền khai thác tác phẩm. Bởi vậy, dù bất kỳ tình huống nào cũng phải áp dụng Luật sử hữu trí tuệ. Nhưng HĐXX lại áp dụng quy định của một chế tài căn bản là quy định của Bộ Luật dân sự để tuyên cho hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tức là bỏ qua luật chuyên ngành để áp dụng luật chung. Chúng tôi cho rằng đó là một sai lầm.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm