Làm móng tay dịp Tết, chị em nên lưu ý 5 vấn đề này để bảo vệ móng và sức khỏe

Vân Anh
21/01/2025 - 17:27
Làm móng tay dịp Tết, chị em nên lưu ý 5 vấn đề này để bảo vệ móng và sức khỏe
Nếu các tiệm làm móng không đảm bảo đạt chuẩn trong quá trình vệ sinh, khử trùng dụng cụ, bạn có nguy cơ nhiễm nấm hoặc các bệnh lây truyền khác.

Vào dịp Tết, nhu cầu làm đẹp của các chị em tăng cao, trong đó ai cũng muốn "sở hữu" một bộ móng đẹp để đón Tết. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nếu chị em chọn các tiệm làm móng "dởm", không những bộ móng của bạn có thể không đẹp mà còn có thể làm tăng nguy cơ hỏng móng hoặc lây bệnh truyền nhiễm.

Dưới đây là 5 vấn đề khi làm móng mọi người nên tránh để bảo vệ móng tay cũng như sức khoẻ tổng thể.

1. Sử dụng chung bộ dụng cụ làm móng cho rất nhiều người

Không phải tiệm làm móng nào cũng đảm bảo khử trùng sạch sẽ các dụng cụ làm móng cho khách hàng, đặc biệt là các tiệm nhỏ. Hơn nữa, vào gần dịp Tết, lượng khách hàng ngày càng đông nên việc kiểm soát và khử trùng dụng cụ làm móng cũng có thể không được thực hiện vì không đủ thời gian.

Tuy nhiên, việc sử dụng chung bộ dụng cụ làm móng như kìm cắt móng tay, kìm tỉa da chết,... tiềm ẩn rất nhiều rủi ro như có thể lây nhiễm các bệnh nhiễm trùng ở móng tay hoặc vùng da xung quanh, bao gồm bệnh nấm móng, hắc lào và bệnh nấm da chân. Đặc biệt, vi khuẩn và nấm sẽ dễ nhiễm trùng hơn nếu bạn chẳng may có vết thương hở do cắt tỉa da xung quanh móng tay.

Một số bệnh như viêm gan B, C, herpes cũng có thể lây lan khi sử dụng chung bộ dụng cụ làm móng nhưng thường không phổ biến.

Để bảo vệ sức khoẻ, tốt hơn hết bạn nên chuẩn bị cho mình một bộ dụng cụ cắt tỉa móng riêng và đem ra tiệm để sử dụng. Hoặc bạn có thể chọn những tiệm làm móng uy tín, có khâu khử trùng các dụng cụ làm đẹp cho khách hàng.

Làm móng tay dịp Tết, chị em nên lưu ý 5 vấn đề này để bảo vệ móng và sức khỏe- Ảnh 1.

Sử dụng chung dụng cụ làm móng sẽ làm tăng nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm (Ảnh: ST)

2. Sử dụng sản phẩm làm móng kém chất lượng

Việc sử dụng sơn móng tay hay keo dán móng kém chất lượng cũng có thể khiến móng bị yếu, mất độ bóng, khô và nứt móng hoặc dị ứng. Do đó, trước khi làm móng, bạn nên chọn địa chỉ làm móng chất lượng, các sản phẩm làm móng có nguồn gốc rõ ràng và có thương hiệu trên thị trường.

Khi sử dụng sơn móng tay, bạn nên lựa chọn theo tiêu chí "5-Free" có nghĩa là sản phẩm không chứa formaldehyde, nhựa dẫn xuất của nó (nhựa formaldehyde), toluen, dibutyl phthalates hoặc camphor hay "3-Free" có nghĩa là sơn móng tay không chứa ba trong số các thành phần có hại: formaldehyde, dibutyl phthalate và toluene.

Ngoài ra, nếu bạn không muốn sơn trực tiếp sơn móng tay lên tay, bạn có thể làm móng giả. Nhưng khi tháo móng giả bạn nên thực hiện đúng cách để tránh làm trầy xước và tổn thương móng tay.

3. Sử dụng máy sấy UV liên tục

Khi làm móng tay, chắc hẳn máy sấy UV là thiết bị không thể thiếu để làm sơn móng tay khô nhanh chóng và bám chắc trên móng.

Mặc dù tiện lợi nhưng máy sấy UV sử dụng trong làm móng có thể làm tăng nguy cơ ung thư da. Một nghiên cứu gần đây phát hiện máy sấy móng tay bằng tia UV có thể gây tổn thương DNA và đột biến tế bào giống như ánh sáng cực tím từ mặt trời.

Tuy nhiên, việc bạn thi thoảng làm móng, chẳng hạn chỉ làm vào mỗi dịp Tết, bạn cũng không cần lo lắng quá. Nguy cơ ung thư da do máy sấy làm móng sẽ cao hơn khi bạn làm móng thường xuyên trong một thời gian dài.

Bạn cũng có thể bảo vệ da bằng cách thoa kem chống nắng có chỉ số SPF 30 20 phút trước khi cho tay vào máy sấy móng bằng tia UV. Hoặc bạn có thể sử dụng các thiết bị làm khô móng khác an toàn cho sức khoẻ hơn chẳng hạn như máy sấy từ đèn LED.

Làm móng tay dịp Tết, chị em nên lưu ý 5 vấn đề này để bảo vệ móng và sức khỏe- Ảnh 2.

Sử dụng máy sấy móng bằng tia UV liên tục có thể làm tăng nguy cơ ung thư da (Ảnh: ST)

Những người thường xuyên làm móng và sử dụng máy sấy móng từ tia UV mà thấy các triệu chứng như mảng vảy trên da, vết thương không lành, nốt ruồi bất thường, thay đổi màu sắc da, có vết loét thì nên đến bệnh viện thăm khám ngay.

4. Tiếp tục làm móng mặc dù móng tay có vấn đề

Nếu móng tay của bạn bị nấm hoặc nhiễm trùng, bạn vẫn cố gắng đi làm móng tay, điều này sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng phát triển và khiến tình trạng của bạn lâu khỏi hơn. Ngoài ra, nếu bạn vẫn tiếp tục đi làm móng ở tiệm, bạn có thể vô tình lây bệnh cho người khác nếu tiệm làm móng không khử trùng hoặc vệ sinh dụng cụ làm móng sạch sẽ.

Nếu có các dấu hiệu như móng tay xù xì và có vảy, móng tay có tổn thương, màu móng tay vàng hoặc nâu đen, xung quanh móng sưng,... bạn không nên đi làm móng để tránh nhiễm khuẩn sâu vào bên trọng hoặc tình trạng móng càng trầm trọng hơn.

5. Cắt sạch lớp da xung quanh móng

Lớp da hay còn gọi là biểu bì xung quanh móng có nhiệm vụ ngăn vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể bạn. Do đó, việc bỏ hoàn toàn lớp biểu bì này là không cần thiết và thậm chí không nên cắt chúng nếu lớp da này không gây ra vấn đề gì. Thay vào đó, bạn nên sử dụng sản phẩm chuyên dụng để tẩy nhẹ nhàng lớp da xung quanh móng này.

Chỉ khi nào phần da bị xước và gây đau hay còn gọi là xước móng rô, bạn nên dùng kìm để cắt nhẹ nhàng và tránh dùng tay để giật phần da này.

Nhìn chung, khi làm móng tay vào dịp Tết, bạn nên lựa chọn làm móng ở các cơ sở uy tín, tránh làm móng thường xuyên và có chế độ chăm sóc móng đúng cách, chẳng hạn như vệ sinh móng tay sạch sẽ, không nên cắn hoặc tác động mạnh vào móng tay...

Nguồn: Tổng hợp
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm