Làm rõ trách nhiệm người đầu khi để xảy ra bạo lực với phụ nữ, trẻ em

18/01/2018 - 10:37
Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ LĐ-TB&XH ngày 17/1.

 

thu-tuong-nguyen-xuan-phuc.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 của Bộ LĐ-TB&XH (ảnh chinhphu.vn)

 

Ngày 17/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ 2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH).
Báo cáo tại hội nghị, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Năm 2017, ngành LĐ-TB&XH đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao, như: tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 3,18%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 56%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 22,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm khoảng 1,35% (trong đó các huyện nghèo giảm khoảng 5%).

Thủ tướng đánh giá cao kết quả của Bộ trong năm qua hoàn thành 100% các đề án, nhiệm vụ được giao, ban hành nhiều chính sách quan trọng cho các đối tượng chính sách. Hoàn thành 3 chỉ tiêu được giao về tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ hộ nghèo và đáng chú ý là xuất khẩu lao động tới 135.000 người.

Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ rõ những bất cập còn tồn tại của ngành; cụ thể như năng suất lao động thấp, thu nhập bình quân của người lao động thấp, việc làm chưa ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp còn cao, nhất là số sinh viên tốt nghiệp ở nhiều nơi chưa có việc làm. Quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài còn hạn chế. Tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp. Giảm nghèo chưa bền vững. Một số vấn đề như bạo hành phụ nữ, trẻ em, đuối nước ở trẻ em còn gây bức xúc xã hội.

Thủ tướng cho rằng, "những tồn tại này không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành LĐTB&XH mà của hệ thống chúng ta, của Chính phủ". Tuy nhiên, trước hết, ngành LĐTB&XH phải nghiêm túc đánh giá, tìm ra nguyên nhân, chủ động đề xuất phối hợp với các ngành, lĩnh vực liên quan, cùng vào cuộc, có biện pháp khắc phục để thực hiện tốt hơn.

Về một số nhiệm vụ cần tập trung, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng đề án cải cách tiền lương, đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để trình Hội nghị Trung ương 7. Lương tối thiểu ở khu vực kinh doanh để bảo vệ người lao động là cần thiết nhưng cần tính toán kỹ và điều chỉnh định kỳ để vừa bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người lao động, vừa không đặt gánh nặng lớn lên doanh nghiệp.

Cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng cho nguồn nhân lực, đó là chìa khóa để thoát bẫy thu nhập trung bình. Tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia xây dựng trường nghề, cung cấp dịch vụ hướng nghiệp. Cần chuyển mạnh từ cấp kinh phí sang đặt hàng đào tạo nghề.

Tăng cường quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động có thu nhập cao. Tiếp tục hoàn thiện, tổ chức thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo. Cần nâng dần tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị khi để xảy ra bạo lực, bạo hành đối với phụ nữ, trẻ em; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

hoi-nghi-bo-lao-dong.jpg

 


Về đón Tết Nguyên đán sắp tới, Thủ tướng đề nghị quan tâm đặc biệt đến người cô đơn, người nghèo, người có công, người không có nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, người lao động ở khu vực công nghiệp, người ở công trường, bệnh viện. “Chúng ta lo phát triển nhưng phải lo vấn đề xã hội, nhất là những tỉnh có tỷ lệ đói nghèo còn cao, có số lượng đối tượng chính sách lớn và những nơi có người lao động tập trung”, Thủ tướng lưu ý.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm