Làm sao để du lịch Việt Nam không thua Thái Lan, Singapore, Hồng Công

12/04/2019 - 16:44
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra 3 câu hỏi đối với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch, nhà trường và đưa ra một số ý chiến lược đối với vấn đề nguồn nhân lực của ngành du lịch Việt Nam tại Diễn đàn “Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam” được tổ chức ngày 12/4 tại TP.HCM.
Nhiều khó khăn, thách thức
 
Tại diễn đàn, các đại biểu đã nêu lên thực trạng, các khó khăn, thách thức và cả giải pháp của nguồn nhân lực du lịch Việt Nam. Theo thông kê, hiện tại, cả nước có 346 cơ sở đào tạo du lịch từ sơ cấp đến đại học. Riêng TP.HCM có 63 cơ sở đào tạo du lịch (24 đại học, 20 cao đẳng và 19 trung cấp).
 
Tuy nhiên, ngành vẫn còn những bất cập trong tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực như quy mô đào tạo tăng mạnh nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế. Hệ thống giáo trình chưa thực sự phù hợp, chất lượng đội ngũ giảng viên chưa cao. Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp và giữa các chủ thể chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Các chính sách và hành lang pháp lý cho tổ chức đào tạo nguồn nhân lực du lịch chưa thực sự phù hợp.
 
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, trong 3 năm qua, tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nhanh, từ 10 triệu lượt năm 2016 lên 15,5 triệu lượt năm 2018. Cùng trong dòng chảy, TP.HCM tăng từ 5,2 triệu (2016) đến 7,5 triệu lượt (2018).
 
2diendannnl_huulong-5.jpg
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn "Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam".

 

Theo ông Hoàng, dù cho lợi thế về tài nguyên được đánh giá cao, cơ sở hạ tầng được cải thiện, nhưng nếu thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp, sẵn sàng để cung cấp dịch vụ vượt trội; nếu mỗi người dân không là một đại sứ du lịch thì việc thực hiện mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam thành điểm đến có đẳng cấp khu vực, mà mỗi địa phương là một nhân tố quan trọng, vẫn là bài toán cần nhiều lời giải.
 
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho biết, nguồn nhân lực hiện nay còn yếu về kỹ năng, ngoại ngữ và trình độ mà cốt lõi là vấn đề đào tạo, thực trạng đào tạo chưa đúng theo nhu cầu và mong muốn của nhiều doanh nghiệp. Hầu như sinh viên ra trường đều phải qua đào tạo lại hoặc sinh viên lựa chọn hướng đi riêng vì không thể đáp ứng nhu cầu thực tế theo nhìn nhận chung của các công ty du lịch hiện nay.
 
Còn ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc điều hành Saigontourist cho rằng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, do đó quá trình đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải có mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp để cơ sở giáo dục có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp từ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực  tham gia vào quá trình đào tạo.
 
“Chất lượng đầu vào của sinh viên cũng là một yếu tố quan trọng, tuy nhiên chất lượng đầu ra để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp lại là yếu tố quyết định. Không phải là sinh viên tốt nghiệp giỏi sẽ được nhận làm việc lâu dài, hoặc sinh viên trường cấp dưới là không nhận được cơ hội làm việc. Bằng cấp chưa phải là điều kiện hàng đầu, quan trọng là kỹ năng, thái độ của sinh viên đối với công việc mình làm”, ông Tài chia sẻ.
 
Chính sách nguồn nhân lực không thể xây dựng một cách rời rạc
 
Phát biểu tại diễn đànNguồn nhân lực Du lịch Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra 3 câu hỏi đối với các bộ ngành, doanh nghiệp du lịch. Câu hỏi thứ nhất Thủ tướng đặt ra là ngành du lịch hiện này có đủ hấp dẫn để cạnh tranh, thu hút nhân tài, lực lượng lao động trong nước và quốc tế tham gia vào lĩnh vực này hay không?
 
Theo Thủ tướng, đây không chỉ là câu hỏi dành cho các doanh nghiệp du lịch mà còn đối với cơ quan quản lý nhà nước. Các chính sách về nguồn nhân lực không thể được xây dựng một cách rời rạc mà phải đặt trong tổng thể chính sách, bởi môi trường kinh doanh du lịch, môi trường du lịch nói chung có tác động đến khả năng thu hút nguồn nhân lực vào lĩnh vực này. Các doanh nghiệp, cơ quan quản lý phải suy nghĩ vì sao chúng ta chưa có nguồn nhân lực tốt.
 
“Chúng ta xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, vậy thì chúng ta đã làm gì để tương xứng với hai chữ mũi nhọn, làm gì để thu hút được lao động có kỹ năng, tối ưu hóa được nguồn lực sẵn có?”, đây là câu hỏi thứ hai Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra. Theo Thủ tướng, muốn phát triển du lịch thì phải có sự đồng hành của người dân, của các cộng đồng du lịch. Chính người dân sẽ có tác động rất lớn đến ngành du lịch Việt Nam.
 
Câu hỏi thứ ba Thủ tướng muốn dành cho các bộ ngành, đó là:  Đảng và Nhà nước ta những năm qua đã xác định thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng là ba đột phá chiến lược hàng đầu. “Vậy các đồng chí đã làm gì, xây dựng chiến lược như thế nào để nguồn nhân lực thực sự là đột phá chiến lược của ngành du lịch Việt Nam?”, Thủ tướng nói và cho hay, trả lời chính xác câu hỏi này là trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương.
 
3diendannnl_huulong-1.jpg
Diễn đàn thu hút sự tham gia đông đảo của các bộ ngành, các trường đào tạo và doanh nghiệp du lịch.

 

“Việt Nam có đến 12 di sản văn hóa phi vật thể, có các danh thắng nổi tiếng, con người thân thiện, mến khách mà tại sao chỉ có 15 triệu khách quốc tế đến Việt Nam mà không phải 40-50 triệu khách. Tại sao mình thua Thái Lan, Singapore và cả Hồng Công nữa”, Thủ tướng trăn trở.
 
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, du lịch không chỉ là lĩnh vực kinh tế giàu tiềm năng mà còn là niềm tự hào, là sức mạnh mềm, là nét văn hóa của Việt Nam trên toàn cầu. Vì vậy, phát triển du lịch không chỉ là nhiệm vụ kinh tế đơn thuần, trong mọi hoạt động chiến lược, nguồn nhân lực luôn đóng vai trò then chốt, đặc biệt là trong ngành du lịch.
 
Thủ tướng tin rằng, với 100 triệu người dân Việt Nam thì không thể thiếu nguồn nhân lực cả về lượng và chất, điều cốt yếu là làm sao phát huy được tiềm năng, kỹ năng. Điều quan trọng nữa là phải có các chính sách tốt, mỗi doanh nghiệp phải có cơ chế quản trị  tốt,  thu hút nhân lực có kỹ năng tham gia vào thị trường du lịch.
 
Tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có một số ý chiến lược đối với vấn đề nguồn nhân lực của ngành du lịch Việt Nam. Những gợi ý này gói gọn trong 3 chữ “C”, đó là con người – cơ sở hạ tầng và chiến lược. Theo đó, Thủ tướng đề nghị nâng cao ý thức, sự hiếu khách của người dân. Bên cạnh đó cần phải tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng, hạ tầng du lịch, hạ tầng kết nối giao thông… và đề nghị Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cần có tầm nhìn chiến lược dài hạn để phát triển ngành du lịch của Việt Nam.
 
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm