Làm thế nào để hết đau răng vào ban đêm?

Anh Dũng
16/11/2021 - 08:58
Làm thế nào để hết đau răng vào ban đêm?
Đau răng là một cảm giác khó chịu, đặc biệt là vào ban đêm. Vậy cần làm thế nào để hết đau răng vào ban đêm?

Đau răng là một cảm giác rất khó chịu, đặc biệt là vào ban đêm khiến người bệnh mất ngủ. Tuy nhiên, có một số biện pháp khắc phục có thể giúp mọi người cảm thấy nhẹ nhõm và dễ ngủ hơn nhiều. Vậy làm thế nào để hết đau răng vào ban đêm?

1. Tại sao răng lại đau hơn vào ban đêm?

Răng có thể đau vào ban ngày, nhưng những cơn đau có thể trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm. Một trong số những nguyên nhân được lý giải là do khi một người nằm xuống, máu sẽ dồn lên đầu. Lượng máu tăng thêm trong khu vực này có thể làm tăng cơn đau.

Một lý do khác khiến cơn đau nhức trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm là vì ban đêm có ít sự phân tâm hơn. Nếu không có điều gì khác để tập trung vào ngoài cơn đau răng, bạn có thể sẽ cảm thấy khó đi vào giấc ngủ.

2. Làm thế nào để hết đau răng vào ban đêm?

Điều trị đau răng vào ban đêm có thể khó khăn hơn, vì không có nhiều điều khiến người bệnh phân tâm khỏi cơn đau. Tuy nhiên, mọi người có thể thử các phương pháp sau để giảm đau:

Làm thế nào để hết đau răng vào ban đêm? - Ảnh 2.

Răng có thể đau vào ban ngày, nhưng những cơn đau có thể trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm (Ảnh: Internet)

2.1. Sử dụng thuốc giảm đau

Thuốc giảm đau có thể giúp điều trị cơn đau răng vào ban đêm hiệu quả. Các loại thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) như acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil) là cách nhanh chóng, đơn giản đối với nhiều người để giảm đau răng từ mức độ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên cần lưu ý chỉ nên sử dụng với liều lượng khuyến cáo trên hướng dẫn.

2.2. Chườm lạnh

Chườm lạnh có thể giúp làm dịu cơn đau răng. Bằng cách sử dụng túi đá bọc trong khăn và áp trực tiếp vào phần mặt hoặc hàm bị ảnh hưởng giúp co mạch máu ở khu vực đó. Phương pháp này có thể giảm đau để người bệnh đi vào giấc ngủ.

Chườm lạnh lên vùng bị sưng đau trong 15–20 phút đến vài giờ một lần vào buổi tối cũng có thể giúp ngăn ngừa cơn đau răng khi đi ngủ.

2.3. Kê cao đầu khi ngủ

Máu tụ trong đầu có thể khiến cho răng thêm đau và viêm. Đối với một số người, việc kê cao đầu bằng một hoặc hai chiếc gối bổ sung có thể làm giảm cơn đau đủ để họ đi vào giấc ngủ.

2.4. Thuốc mỡ bôi

Một số loại thuốc mỡ cũng có thể giúp giảm đau nhức răng. Các loại gel và thuốc mỡ gây tê không kê đơn có chứa các thành phần như benzocain có thể làm tê khu vực này. Tuy nhiên, benzocaine không thích hợp cho trẻ nhỏ sử dụng.

2.5. Súc miệng bằng nước muối

Súc miệng bằng nước muối đơn giản là cách chữa đau răng phổ biến tại nhà. Nước muối là một chất kháng khuẩn tự nhiên, vì vậy nó có thể làm giảm viêm, giúp bảo vệ răng bị tổn thương khỏi bị nhiễm trùng.

Ngoài ra, súc miệng bằng nước muối cũng có thể giúp loại bỏ các mảnh vụn thức ăn hoặc mảnh vụn mắc kẹt trong răng hoặc nướu.

2.6. Súc miệng với hydro peroxit

Viêm nha chu là một bệnh nhiễm trùng nướu răng nghiêm trọng thường xảy ra do vệ sinh răng miệng kém. Nó có thể gây ra các vấn đề như đau nhức, chảy máu nướu răng và răng lung lay trong hốc.

Làm thế nào để hết đau răng vào ban đêm? - Ảnh 3.

Ngậm dung dịch hydrogen peroxide với lượng nước theo tỷ lệ bằng nhau sẽ giúp giảm đau răng vào ban đêm (Ảnh: Internet)

Để làm giảm tình trạng đau răng này, bạn có thể pha loãng hydrogen peroxide với lượng nước theo tỷ lệ bằng nhau. Ngậm dung dịch trong miệng nhưng không được nuốt. Phương pháp này không thích hợp cho trẻ em, vì có nguy cơ trẻ vô tình nuốt phải dung dịch.

2.7. Sử dụng trà bạc hà

Ngậm trà bạc hà hoặc ngậm túi trà bạc hà cũng có thể giúp giảm đau tạm thời do đau răng. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng bạc hà có chứa các hợp chất kháng khuẩn và chống oxy hóa. Menthol, một thành phần hoạt tính trong bạc hà, cũng có thể có tác dụng làm tê nhẹ các vùng nhạy cảm.

2.8. Sử dụng đinh hương

Eugenol, là một trong những hợp chất chính trong đinh hương, có thể làm giảm đau răng. Eugenol hoạt động như một loại thuốc giảm đau làm tê khu vực này. Để sử dụng đinh hương chữa đau răng, hãy ngâm đinh hương trong nước để tạo thành hỗn hợp sền sệt. Sau đó, thoa hỗn hợp lên răng, hoặc cho vào túi trà rỗng và ngậm vào miệng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể nhai nhẹ nhàng hoặc ngậm một cây đinh hương ở gần chiếc răng bị đau cũng có thể giúp giảm đau. Tuy nhiên đây không phải là phương thuốc thích hợp cho trẻ em, vì chúng có thể nuốt quá nhiều đinh hương. 

2.9. Tỏi

Tác dụng kháng khuẩn của tỏi có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn trong miệng. Allicin là hợp chất chính trong tỏi, có tác dụng kháng khuẩn mạnh mẽ có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn trong miệng dẫn đến sâu răng và đau răng.

Chỉ cần nhai một nhánh tỏi và để nó ở gần răng có thể giúp giảm đau. Tuy nhiên mùi vị của tỏi sống có thể quá mạnh đối với một số người, vì vậy đây không phải là giải pháp phù hợp cho tất cả mọi người.

3. Khi nào đến gặp nha sĩ

Nha sĩ có thể đề nghị dùng thuốc kháng sinh nếu có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào trong miệng. Những người bị đau răng vào ban đêm nên đến gặp nha sĩ càng sớm càng tốt. Mọi biện pháp khắc phục tại nhà chỉ có tác dụng giảm đau tạm thời.

Nếu cơn đau răng cũng đi kèm với các dấu hiệu nhiễm trùng khác, bệnh nhân có thể cần dùng thuốc kháng sinh để loại bỏ nhiễm trùng. Ngoài ra nếu răng bị nứt hoặc sâu gây đau, bạn nên đến gặp nha sĩ để tìm ra phương pháp điều trị thích hợp. Nếu bỏ qua các dấu hiệu của sâu răng, chẳng hạn như đau răng sẽ dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn, bao gồm áp xe, bệnh nướu răng và rụng răng.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm