Làm thế nào để tạo ra những ký ức tuổi thơ ý nghĩa cho con?

Hạ Khương (tổng hợp)
25/04/2023 - 20:13
Làm thế nào để tạo ra những ký ức tuổi thơ ý nghĩa cho con?

Ảnh minh họa

Trong giai đoạn 5 năm đầu tiên, các kết nối trong não bộ sẽ hình thành nhanh hơn bất kỳ giai đoạn nào khác trong đời.

Tại sao trải nghiệm đầu đời lại quan trọng?

Những năm đầu đời của một đứa trẻ có thể để lại ảnh hưởng lâu dài đến thể chất, kỹ năng xã hội và năng lực cảm xúc trong suốt những năm tháng về sau. 

Nghiên cứu của Đại học Harvard phát hiện rằng những trải nghiệm đầu đời có khả năng tác động nhiều đến sức khỏe cũng như thành tích học tập của trẻ. Trong khi những trải nghiệm và môi trường tích cực có thể thiết lập một hành trang “vào đời” đủ vững chắc, thì trải nghiệm không vui hoặc môi trường độc hại rõ ràng tác động bất lợi đến tâm trí.

Trải nghiệm đầu đời là nền tảng định hình sự phát triển của trẻ về sau, vậy làm sao để tạo ra trải nghiệm tuổi thơ ý nghĩa? - Ảnh 1.

Shonkoff là một học giả hàng đầu chuyên cứu về sức khỏe và sự phát triển đầu đời của trẻ em, đồng thời cũng là giám đốc của Trung tâm Harvard về phát triển trẻ em. Ông cho biết, khoảng thời gian từ sơ sinh đến 3 tuổi là giai đoạn trí não phát triển nhanh chóng khi hàng tỷ kết nối giữa các tế bào thần kinh được thiết lập.

Trong giai đoạn 5 năm đầu tiên, các kết nối sẽ hình thành nhanh hơn bất kỳ giai đoạn nào khác trong đời. Trải nghiệm thời thơ ấu từ sơ sinh đến 8 tuổi sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cấu trúc não bộ, những trải nghiệm trong giai đoạn này tạo nền tảng cho mọi hoạt động học tập, hành vi và sức khỏe trong tương lai. Khi con người già đi, bộ não sẽ mất đi tính linh hoạt, do đó, người nuôi dưỡng (cha mẹ, ông bà) cần phải rất lưu tâm đến giai đoạn từ lúc bé sinh ra cho đến khi 8 tuổi, đặc biệt là 3 năm đầu đời.

Những yếu tố ảnh hưởng đến thời thơ ấu?

Có nhiều yếu tố tác động đến sự phát triển thời thơ ấu của đứa trẻ nhưng yếu tố quan trọng nhất là các mối quan hệ của trẻ, đặc biệt là mối quan hệ với người nuôi dưỡng, sau đó là đến những mối quan hệ khác như anh em, bạn bè. 

Thông qua các mối quan hệ, trẻ được khám phá bản thân và thế giới. Khi người đối diện lắng nghe, chuyện trò và vỗ về, trẻ sẽ hiểu mình đang được yêu thương và chở che, từ đó biết cách bộc lộ cảm xúc phù hợp. Khi quan sát người khác, trẻ cũng phát triển được kỹ năng giao tiếp, ứng xử. 

Trải nghiệm đầu đời là nền tảng định hình sự phát triển của trẻ về sau, vậy làm sao để tạo ra trải nghiệm tuổi thơ ý nghĩa? - Ảnh 2.

Thông qua các mối quan hệ, trẻ được khám phá bản thân và thế giới.

Bên cạnh đó, trẻ sẽ học tập và phát triển thông qua việc vui chơi. Trẻ rất hiếu kỳ, ưa khám phá, quan sát và thử nghiệm. Quan trọng, người nuôi dưỡng cũng cần khuyến khích bé thử sức và mắc sai lầm. 

Ngoài ra các yếu tố như ăn uống, hoạt động thể chất, hay cơ sở vật chất ở môi trường sống xung quanh cũng có vai trò, tuy không đáng kể như các mối quan hệ và hoạt động khám phá, vui chơi. 

“Xê dịch” để thúc đẩy mối quan hệ và giúp trẻ mở mang tâm trí

Trong những cách để thúc đẩy sự phát triển ở trẻ, nhiều cha mẹ sẽ chọn cách đưa con đi du lịch. Du lịch giống như đưa trẻ bước vào một trường học rộng lớn. Tiếp xúc với những con người mới, môi trường mới, trẻ được học hỏi về sự bao dung, hiểu về sự đa dạng và được trải nghiệm đủ những câu chuyện thú vị. 

Một nghiên cứu của Hiệp hội Du lịch Sinh viên & Thanh niên, Mỹ, đã tiến hành khảo sát trên 1.500 giáo viên, kết quả cho thấy việc đi du lịch thực sự giúp trẻ khám phá, mở mang nhiều hơn. Các giáo viên đồng ý rằng những trẻ có cơ hội tìm hiểu các nền văn hóa khác có mức độ khoan dung và tôn trọng sự đa dạng cao hơn, đồng thời sẵn sàng học hỏi và tiếp thu kiến thức, kỹ năng mới.

Trải nghiệm đầu đời là nền tảng định hình sự phát triển của trẻ về sau, vậy làm sao để tạo ra trải nghiệm tuổi thơ ý nghĩa? - Ảnh 3.

Bởi lẽ đó mà ngày nay các phụ huynh sẵn sàng đưa con đi du lịch ngay từ những tháng năm đầu đời. Nhưng câu hỏi đặt ra lúc này du lịch quá sớm như có bất tiện cho cả phụ huynh hay ảnh hưởng đến trẻ nhỏ không?

Không như nhiều người nghĩ, trẻ em từ khoảng 2 tuổi lại là đối tượng dễ “mang” đi du lịch nhất. Theo tờ New York Times, Rainer Jenss, chủ tịch và người sáng lập Hiệp hội Du lịch Gia đình, Mỹ, nói rằng trẻ sơ sinh đến 2 tuổi là đối tượng dễ đi du lịch cùng, bởi cha mẹ không khó sắp xếp lịch trình, hơn nữa có thể bồng bế bé đi đến nhiều nơi, điều quan trọng là cần tạo ra một môi trường thoải mái, tích cực và giữ lịch trình ăn, ngủ của bé đều đặn.

Trải nghiệm đầu đời là nền tảng định hình sự phát triển của trẻ về sau, vậy làm sao để tạo ra trải nghiệm tuổi thơ ý nghĩa? - Ảnh 4.

Một số người sẽ phản bác rằng bé sẽ quên hết các trải nghiệm du lịch vì quá nhỏ để nhớ nên có đưa đi du lịch cũng không có nghĩa, song điều quan trọng ở đây không phải là để trẻ nhớ tất cả mọi thứ, mà là khơi dậy niềm đam mê du lịch của trẻ, để chúng sẵn sàng tự mình khám phá thế giới khi trưởng thành.

Quan trọng hơn hết, các chuyến đi là cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy và củng cố mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ - yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến trẻ trong năm tháng ấu thơ. Vì vậy, đừng ngại khám phá thế giới cùng trẻ thơ, bởi biết đâu chính bạn cũng sẽ học được bài học mới. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm