Lấn chiếm, xây dựng trái phép, chính quyền bảo: “Lịch sử để lại”

14/07/2017 - 16:13
Trước hành vi lấn chiếm đất lưu không của khu tập thể, xây nhà vệ sinh, bồn nước gây ảnh hưởng đến những gia đình xung quanh khiến cư dân bức xúc, khiếu nại, Tuy vậy, UBND thị trấn Văn Điển (Hà Nội) không giải quyết với lý do lịch sử để lại.

Những ngày qua, Báo PNVN nhận được phản ánh của gia đình bà Đỗ Thị Vân đang sống tại căn hộ số 206, nhà C1, tập thể Yên Ngưu (thị trấn Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội) về việc khu tập thể bà đang sinh sống bị một hộ dân ngang nhiên lấn chiếm đất lưu không, xây dựng trái phép gây ảnh hưởng đến đời sống của gia đình bà và các hộ xung quanh.

Theo phản ánh của gia đình bà Đỗ Thị Vân, phía dưới tầng 1 là căn hộ của gia đình chị Nguyễn Thị Bích Vân sinh sống. Thời gian gần đây chị Bích Vân đã nhiều lần có những hành vi đục phá gây ảnh hưởng đến kết cấu của khu tập thể, lấn chiếm không gian chung của khu khiến bà con hàng xóm bất bình.

Anh Ngô Việt Hùng (con trai bà Đỗ Thị Vân) cho biết, việc chị Bích Vân tự ý đục phá tường đầu hồi của khu tập thể này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu của dãy nhà chung hai tầng, vì kết cấu nhà là tường xây, bổ trụ. “Bức tường đầu hồi mà chị Vân đục phá là tường chính gánh cả hai dãy nhà. Việc đục phá này đã ảnh hưởng sự an toàn của gia đình tôi và cho cả khu nhà. Cư dân ở đây và chúng tôi nhiều lần góp ý nhưng chị Vân không nghe”, anh Hùng nói.

lan-chiem-4.jpg
Người dân khu tập thể cho rằng, nhà vệ sinh chị Vân xây chiếm lối đi chung, gây mất
vệ sinh.

Đồng tình với phản ánh của gia đình bà Vân, nhiều hộ dân tại khu tập thể này cho biết, sau khi đục phá tường chị Vân đã lấn luôn đất lưu không của khu tập thể, xây thêm một gian nhà để sử dụng riêng. “Việc chị Vân lấn chiếm đất lưu không dãy nhà chung đã gây bức xúc trong khu tập thể, mất đoàn kết khu dân cư và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều người”, một người dân trong khu tập thể này bức xúc nói.

Chưa dừng lại ở đó, nhiều người dân ở khu tập thể Yên Ngưu càng bức xúc hơn khi chị Vân ngang nhiên xây luôn nhà vệ sinh trên ngõ đi chung của khu tập thể gây mất mỹ quan của khu dân cư và ảnh hưởng đến môi trường sống chung. Nhà vệ sinh này này án ngữ ngay trước lối xuống tầng 1 của nhà bà Đỗ Thị Vân. Nhiều lần bà Vân cùng các con lên tiếng phản đối nhưng chị Bích Vân vẫn bỏ ngoài tai.

Anh Ngô Việt Hùng lo lắng cho biết, không chỉ chiếm đất lưu không, xây nhà vệ sinh chắn lối đi, gây mất vệ sinh, gia đình chị Bích Vân còn dựng luôn dàn giáo sơ sài cao để chứa bồn nước lớn ngay cạnh cửa sổ căn hộ 206. “Bồn nước nặng cả tấn cứ treo lơ lửng ngay cạnh cửa sổ nhà tôi và có thể đổ ập vào bất kể lúc nào. Chúng tôi luôn phải sống trong lo lắng, sợ hãi khiến ăn không ngon ngủ không yên. Nói dại, nếu bồn nước đổ ập vào nhà tôi, lúc đó tính mạng của mẹ già và các con tôi sẽ như thế nào đây, ai chịu trách nhiệm?”, anh Hùng bức xúc nói.

lan-chiem-2.jpg
Theo anh Hùng, bồn nước nhà chị Vân xây trái phép, lấn chiếm khoảng không và sẵn sàng đổ ập vào căn hộ 206.

 Không đồng tình với các hành vi lấn chiếm này của chị Vân, gia đình bà Đỗ Thị Vân cùng các hộ dân trong khu tập thể này đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi UBND thị trấn Văn Điển, đề nghị có biện pháp xử lý những vi phạm này. Tuy nhiên, không hiểu vì sao chính quyền vẫn chưa giải quyết dứt điểm vụ việc.

lan-chiem-1.jpg
Bồn nước cheo leo, gây nguy hiểm, lo lắng cho căn hộ 206 và các hộ dân xung quanh.

Liên quan đến câu chuyện gây bức xúc này, PV đã liên hệ với lãnh đạo UBND thị trấn Văn Điển để xác minh thông tin. Trả lời PV PNVN ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Văn Điển - thừa nhận những phản ánh của người dân khu tập thể Yên Ngưu và gia đình bà Đỗ Thị Vân là đúng. Tuy vậy, ông Thành lý giải nguyên nhân không xử lý là bởi: “Những sai phạm đó do lịch sử để lại. Hiện gia đình chị Bích Vân đang sử dụng ổn định nên không cưỡng chế dỡ bỏ”.

Cho dù những công trình lấn chiếm, sai phạm kia do lịch sử để lại, nhưng một khi gây bức xúc trong khu tập thể, đặc biệt ảnh hưởng và đe dọa đến sự an toàn của người dân thì chính quyền nên vào cuộc xử lý thỏa đáng.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm