pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lần đầu tiên áo dài được thể hiện theo hình thức mới với cả vẻ đẹp nội tâm
Một cảnh trong vở kịch ngắn "Giấc mơ" kết hợp với trình diễn áo dài.
Trong chương trình nghệ thuật "Tinh hoa Áo dài Việt" do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức cùng với sự đồng hành của Công ty Sen Vàng và Nhà hát Kịch Việt Nam vào tối 18/10 tại Hà Nội chào mừng 92 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10. Khán giả đã được thưởng thức các tiết mục ca nhạc, ảo thuật, nhảy hiện đại, biểu diễn thời trang áo dài… được dàn dựng công phu, đặc sắc.
Đặc biệt, phần trình diễn áo dài lồng ghép trong tiểu phẩm "Giấc mơ" với sự tham gia diễn xuất của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cùng dàn diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam đã để lại ấn tượng khó quên với người xem.
Vở kịch ngắn "Giấc mơ" do NSƯT Xuân Bắc đạo diễn được mở đầu bằng việc nhà thiết kế tuyển chọn người mẫu cho show diễn áo dài của mình, từ đó bắt đầu nảy sinh sự cạnh tranh của các người mẫu để giành vị trí vedette với rất nhiều tình huống bi hài. Trong khi đó, chị lao công đẩy con gái khuyết tật của mình trên chiếc xe lăn đến khu vực sân khấu chuẩn bị cho show diễn, hai mẹ con trò chuyện với nhau về ước mơ của mình và cô bé đã tiết lộ với mẹ mong muốn được mặc áo dài.
Nhưng người mẹ, vốn làm việc lam lũ vất vả, lại ăn uống kham khổ, đã bị choáng và ngã vào dàn người mẫu khiến chiếc áo dài bị hỏng. Những cô người mẫu xinh đẹp nổi giận, đã mắng mỏ, miệt thị hai mẹ con… Nhà thiết kế đã chứng kiến, quan sát hết tất cả và quyết định giúp cô bé khuyết tật thực hiện được giấc mơ của mình: Tặng áo dài và mời cô bé lên sàn diễn, trở thành người mẫu vedette đặc biệt khi xuất hiện trên sân khấu cùng chiếc xe lăn…
Đan xen câu chuyện vừa hài hước nhưng cũng rất xúc động đó là những màn trình diễn áo dài được lồng ghép một cách tự nhiên, khéo léo. Những chiếc áo dài nhung dát vàng hay các mẫu áo dài trong BST "Giấc mơ" do NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam sáng tạo được giới thiệu với công chúng sinh động, có hồn với những nhân vật đầy cảm xúc chứ không phải các người mẫu trên sàn catwalk như thường thấy. Chính điều này đã mang lại cảm xúc đặc biệt cho người thưởng lãm, giúp khán giả hiểu hơn về áo dài, thấy áo dài đẹp hơn – cùng với mặc đẹp là giá trị nhân văn, tinh thần.
Với tiểu phẩm "Giấc mơ", đạo diễn – nghệ sĩ Xuân Bắc là người đầu tiên đưa áo dài vào kịch nói, mang lại cảm xúc khác biệt, mới lạ cho người xem. Vở kịch ngắn này cũng đánh dấu lần đầu tiên NTK áo dài danh tiếng Đỗ Trịnh Hoài Nam xuất hiện với vai trò diễn viên. Người sáng lập CLB Áo dài Việt Nam cho biết, thông qua phần trình diễn đặc biệt này, anh cùng ê kíp muốn nhắn gửi: Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam không chỉ qua hình thức bên ngoài mà còn ở tâm hồn, ở trái tim yêu thương, nhân hậu, bao dung.
Chia sẻ sau khi xem màn trình diễn áo dài độc đáo thông qua vở kịch ngắn "Giấc mơ", Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết: "Đây thực sự là một phần trình diễn xúc động, cũng là lần đầu tiên áo dài được thể hiện với một hình thức mới, không chỉ trình diễn thời trang áo dài đơn thuần mà còn đưa vào đó những câu chuyện thực tế và có thông điệp rất rõ ràng: Vẻ đẹp áo dài không chỉ là một vẻ đẹp bên ngoài, mà nó còn là nội tâm, tình cảm, sự nhân hậu của người phụ nữ. Đó cũng chính là điều làm nên vẻ đẹp của áo dài Việt Nam".
Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương, thành công của vở kịch ngắn "Giấc mơ" là nền móng cho việc đổi mới hình thức tuyên truyền hình ảnh tà áo dài mà các cấp Hội sẽ thực hiện trong thời gian tới.
Một số hình ảnh trong chương trình "Tinh hoa Áo dài Việt":