Lần đầu tiên tổ chức tôn vinh nhà báo Xuân Thủy

Anh Đào
14/06/2023 - 14:14
Lần đầu tiên tổ chức tôn vinh nhà báo Xuân Thủy

Nhà báo Xuân Thuỷ - Vị chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam

Sáng 14/6, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề “Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985)” nhân dịp kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/1925 - 21/06/2023).

Sự kiện mở đầu bằng chiếu bộ phim tài liệu “Xuân Thủy - Nhà báo cách mạng ưu tú” người tham gia sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam. Nội dung tri ân những đóng góp của nhà báo Xuân Thủy với công cuộc đấu tranh vì độc lập tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân, vì sự nghiệp báo chí Việt Nam.

Lần đầu tiên tổ chức tôn vinh nhà báo Xuân Thủy - Ảnh 1.

Sự kiện thu hút sự tham gia của đông đảo những người làm báo, họ đều đến với tấm lòng tri ân, tôn vinh và biết ơn dành cho nhà báo Xuân Thuỷ - Vị chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam.

Phần tọa đàm khoa học, các đại biểu là nhà báo lão thành gắn bó với nhà báo Xuân Thủy đã phát biểu những ý kiến đa chiều, sâu sắc nhằm góp phần làm rõ những đóng góp to lớn của nhà báo Xuân Thủy với những di sản báo chí quý giá, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, trong hoạt động đào tạo báo chí và hoạt động Hội. Nhiều tham luận được chuẩn bị công phu, nội dung phong phú, nhiều phát hiện sâu sắc và thú vị về nhà báo Xuân Thủy ở nhiều góc nhìn, nhiều giai đoạn và qua chính các tác phẩm báo chí và văn chương của ông do nhiều nhà báo lão thành, nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp, nhiều chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực báo chí trực tiếp chấp bút.

Lần đầu tiên tổ chức tôn vinh nhà báo Xuân Thủy - Ảnh 2.

Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết, trước đây đã có nhiều chương trình tri ân những đóng góp của nhà báo Xuân Thuỷ cho sự nghiệp cách mạng trên lĩnh vực ngoại giao nhưng đây là lần đầu tiên có một sự kiện tôn vinh ông ở lĩnh vực báo chí, với tư cách là một nhà báo.

Sự kiện còn trưng bày hơn 30 tài liệu, hiện vật gốc kể về con đường nhà báo Xuân Thủy đến với báo chí cách mạng Việt Nam; Xuân Thủy với Báo Cứu quốc, với Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng; Xuân Thủy với Hội những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam); Xuân Thủy và Hội nghị Paris...

Lần đầu tiên tổ chức tôn vinh nhà báo Xuân Thủy - Ảnh 3.

Bút tích của nhà báo Xuân Thuỷ và bản Dự thảo đề cương biên soạn sơ lược lịch sử báo Cứu Quốc.

Đáng chú ý là các tư liệu, hiện vật như: Trang phục, đồ dùng trong quá trình công tác; bản thảo viết tay, đánh máy và một số bài viết trên Báo Cứu quốc; Giấy chứng nhận ký ngày 8-3-1960 do Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) trao tặng nhà báo Xuân Thủy vì những đóng góp cho sự phát triển hợp tác và đoàn kết của tổ chức này.

Lần đầu tiên tổ chức tôn vinh nhà báo Xuân Thủy - Ảnh 4.

Kỷ vật trong quá trình tác nghiệp của nhà báo Xuân Thuỷ.

Bên cạnh những đóng góp đối với nền báo chí Việt Nam như phụ trách báo Suối Reo, tờ báo sinh hoạt nội bộ của Chi bộ tại nhà tù Sơn La, Chủ nhiệm kiêm Chủ bút báo Cứu Quốc, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh... nhà báo Xuân Thuỷ còn là người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của phụ nữ Việt Nam.

Khi đang là Ủy viên Thường trực Quốc hội, đồng chí Xuân Thủy đã được Quốc hội giao chủ trì soạn thảo Luật Hôn nhân - Gia đình. Luật được biểu quyết thông qua vào ngày 29/12/1959. Việc đạo luật đi vào đời sống với những tư tưởng hôn nhân tự do, tiến bộ như: "Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự do..." đã đánh dấu một bước tiến mới trong vấn đề bình đẳng giới. 

Vào tháng 6/1976, khi đang là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận và Mặt trận Trung ương, đồng chí Xuân Thủy đã chủ trì buổi lễ thống nhất tổ chức phụ nữ của hai miền Nam - Bắc (Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) thành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. 

Khi ở cương vị Bí thư Đảng đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhà báo Xuân Thủy còn trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.



 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm