Luật và Đời

Làn sóng phản đối Italy bắt giữ nữ thuyền trưởng cứu người di cư

01/07/2019 - 03:26 PM
Tại Đức, làn sóng phẫn nộ đang dâng cao sau vụ nhà chức trách Italy bắt giữ cô Carola Rackete (31 tuổi) - Thuyền trưởng người Đức của tàu cứu hộ Sea Watch 3 trên biển Địa Trung Hải. Nhiều người ủng hộ gọi cô Carola là nữ thuyền trưởng can đảm và cho rằng việc cứu người gặp nạn trên biển là nghĩa vụ.
 
Chiếc tàu Sea-Watch 3 có gắn cờ Hà Lan, được điều hành bởi tổ chức từ thiện Sea-Watch của Đức, đã ở trên biển hơn hai tuần với 40 người châu Phi được cứu trên tàu. Sau khi chờ đợi ở vùng biển quốc tế để nhận lời mời từ Italy hoặc một quốc gia Liên minh châu Âu (EU) để tiếp nhận con tàu, nữ thuyền trưởng Carola Rackete đã quyết định đưa tàu đến đảo Lampedusa ở phía Nam của Italy nhưng đã bị tàu của chính phủ Italy chặn lại.
carola-rackete-5.jpg
Tàu cứu hộ Sea Watch 3 trên biển Địa Trung Hải

 

Rạng sáng 29/6, nữ thuyền trưởng Carola Rackete bị bắt. Trước đó, bộ phận báo chí của tàu trên cho biết nữ thuyền trưởng này đã quyết định tiến vào hòn đảo nằm giữa Italy và bờ biển Bắc Phi theo luật khẩn cấp hàng hải do tình hình trên tàu đang rất "tồi tệ". Những di dân này được cứu khỏi các chiếc thuyền ọp ẹp của thành phần chuyên đưa người vượt biển bất hợp pháp, xuất phát từ Libya.
 
Thuyền trưởng Carola Rackete bị còng tay và đưa ra khỏi tàu ở đảo Lampedusa. Trên tàu, những người di cư ôm chặt lấy nhân viên của tổ chức từ thiện Đức Sea Watch, những người đã giúp đỡ họ trong 17 ngày lênh đênh trên biển. Một số người di cư đã hôn xuống đất khi rời khỏi tàu Sea-Watch 3.
Thuyền trưởng tàu Sea-Watch 3 đã từ chối đưa người di cư trở lại Libya, nơi đang xảy ra xung đột, đồng thời khẳng định rằng Tripoli (Libya) không phải là một cảng an toàn để họ trở về. "Tôi sẵn sàng vào tù nếu ai đó sẽ truy tố tôi vì điều đó và tự bào chữa trước tòa nếu cần vì những gì chúng tôi đang làm là đúng", Carola Rackete nói.
 
carola-rackete-1.jpg
Thuyền trưởng Carola Rackete

  

Ông Matteo Salvini - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Italy kiêm người đứng đầu đảng Liên minh cánh hữu - cho biết ông sẽ chỉ cho phép cô Rackete cập bến khi các quốc gia EU khác đồng ý nhận người di dân ngay lập tức. Ông đã tuyên bố rằng chính quyền Italy sẽ tịch thu con tàu và truy tố thuyền trưởng của tàu vì hành vi hỗ trợ buôn người.
Nếu bị tòa án Italy kết tội, thuyền trưởng Carola Rackete sẽ phải chịu mức án tù giam 10 năm. Ngoài ra, các công tố viên ở Sicily (Italy) cũng đã mở một cuộc điều tra do nghi ngờ thuyền trưởng này hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp. Luật sư Leonardo Marino của thuyền trưởng Rackete cho biết nếu bị kết tội, cô có thể bị án tù 10 năm hay bị phạt số tiền 58.000 USD.
 
Một sắc lệnh đã được phê chuẩn trong tháng 6 quy định rõ, Bộ Nội vụ Italy có quyền từ chối việc tiếp cận vùng lãnh hải đối với các tàu mà họ cho là có nguy cơ an ninh hoặc ảnh hưởng trật tự công cộng, cũng như phạt các tàu này. Tòa án Nhân quyền châu Âu đã ra phán quyết rằng Italy không có nghĩa vụ phải nhận người di cư từ tàu trên dù vẫn phải cung cấp các hỗ trợ trên biển.
 
 
Làn sóng phẫn nộ đang dâng cao sau vụ nhà chức trách Italy bắt giữ bà Carola Rackete. Nhiều người ủng hộ tại Italy gọi bà là nữ thuyền trưởng can đảm và cho rằng việc cứu người gặp nạn trên biển là nghĩa vụ. Báo chí nói đến sự can đảm của thuyền trưởng Carola Rackete trước Bộ trưởng Nội Vụ Italy Matteo Salvini.
 
carola-rackete-4.jpg
Người dân Đức biểu tình đòi Italy trả tự do cho thuyền trưởng Carola Rackete

 

Còn tại nước Đức, nhiều cuộc tuần hành ủng hộ nữ thuyền trưởng được tổ chức tại nhiều thành phố trong cả nước. Bà Carola Rackete, thuyền trưởng người Đức của tàu cứu hộ Sea-Watch trên biển Địa Trung Hải, đã trở thành biểu tượng của cuộc đấu tranh bảo vệ người tị nạn.
Về phía chính phủ Đức, họ yêu cầu nhà chức trách Italy nhanh chóng làm rõ những cáo buộc cụ thể nhắm vào thuyền trưởng Carola Rackete. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh việc cứu người là một nhiệm vụ mang tính nhân đạo và công tác cứu hộ trên biển cũng vậy. Trường hợp của cô Rackete không phải là trường hợp cá biệt. Hồi năm 2017, một nữ thuyền trưởng người Đức khác của tàu cứu hộ Sea Watch, bà Pia Klemp, cũng đã từng bị chính quyền Italy điều tra vì cứu thuyền nhân trên biển Địa Trung Hải. Hiện giờ, bà Pia Klemp vẫn đang chờ bị đưa ra xét xử. Tại nước Đức, nhiều cuộc tuần hành ủng hộ thuyền trưởng Carola Rackete diễn ra ở nhiều thành phố, chẳng hạn cuộc biểu tình trước lãnh sự quán Ý tại thành phố Frankfurt trong ngày 30/6.
 
Một quỹ Facebook để thanh toán các khoản phí hợp pháp và tiền phạt của Sea Watch 3 đã thu được ít nhất 140.000 USD.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn