Miệng nói, tay làm
Đến thôn 3, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là khung cảnh thoáng đãng, sạch sẽ, ngăn nắp và gọn gàng. Đây là một trong những điểm được Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa chọn chỉ đạo xây dựng mô hình điểm “nhà sạch vườn mẫu”.
Bà Lê Thị Ngân, Thôn 3, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, cho biết: “Làm vườn mẫu không khó nhưng phải siêng năng, chịu khó. Với tôi, vườn là tài sản quý giá nhất giúp gia đình có thêm thu nhập, quên hết mệt mỏi, thấy yêu đời, yêu cuộc sống hơn. Tôi thấy mô hình "Nhà sạch - vườn mẫu" do Hội LHPN tỉnh phát động thực hiện rất hiệu quả, gia đình được lợi, có hướng phấn đấu để làm ăn”.
Con đường dẫn vào thôn 3, xã Đông Khê trở nên quang đãng, sạch sẽ, rợp mát bóng cây. Bà Ngân hồ hởi giới thiệu với chúng tôi khoảng vườn nhỏ trước cửa xanh mướt các loại cây xanh. Ít ai ngờ răng, trước đây là khoảng đất trống trọi, cỏ mọc um tùm, nhờ bàn tay của bà Ngân, nay đã biến thành khu vườn với nhiều loại rau, các loại cây ăn quả trĩu cành, mùa nào rau nấy, thùng rác được đặt ngay ngắn cạnh lối ra vào, nhà cửa sạch sẽ tinh tươm.
Từ việc triển khai mô hình, Ban Thường vụ Tỉnh Hội Thanh Hóa đã cụ thể hóa các nội dung, tiêu chí của cuộc vận động phù hợp với đặc điểm của địa phương, chỉ đạo các cấp hội lựa chọn nội dung phù hợp đăng ký với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) cùng cấp; triển khai thực hiện đề án “Duy trì, nhân rộng, nâng cao chất lượng câu lạc bộ gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần thiết thực vào chương trình xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020”. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức thông qua các hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực.
Tại xã Yên Trung, huyện Yên Định, mô hình cũng được mở rộng đồng bộ và đạt hiểu quả cao. Chị Lê Thị Hiền, thôn Thọ Lộc, xã Yên Trung, huyện Yên Định, cho biết: "Trước đây để chuồng trâu, bò ngày cổng vì nghĩ thuận lợi chuyển phân ra đồng. Sau khi tham quan ở Hà Tĩnh, được Hội Phụ nữ tuyên truyền, gia đình tôi đã chuyển chuồng trại ra phía sau, hợp vệ sinh".
Tại huyện Nông Cống, song song với xây dựng mô hình “Gia đình 5 không, 3 sạch”, gắn với tiêu chí “Nhà sạch, vườn mẫu”, Hội LHPN huyện yêu cầu chính quyền các xã vận động các thôn, làng ký giao ước thi đua thông qua nhiều hình thức như dọn vệ sinh đường làng ngõ sóm, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải; Tổ chức “Ngày thứ 7 tình nguyện”, xóa điểm đen về môi trường, làm nhà vệ sinh, đào hố chứa rác… Hiện huyện có khoảng 250 trang trại, gia trại chăn nuôi, trong đó đã xây dựng được 115 hầm biogas, nhiều trang trại xây dựng theo Mô hình vườn - ao - chuồng, hạn chế tình trạng chất thải chăn nuôi thải trực tiếp ra môi trường. Phần lớn các hộ gia đình đã được sử dụng nước sạch, các công trình vệ sinh xây dựng kiên cố, bảo đảm vệ sinh môi trường. Mỗi gia đình đều có hố chứa rác, dụng cụ đựng rác thải, người dân đã có ý thức phân loại rác thải sinh hoạt và rác thải rắn trước khi đưa đi xử lý.
Tích cực tham gia xây dựng NTM
Để góp phần cùng các địa phương tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, đầu năm 2019, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã triển khai xây dựng mô hình điểm “Nhà sạch, vươn mẫu” tại 5 huyện, gồm: Đông Sơn, Yên Định, Hà Trung, Thiệu Hóa và Thạch Thành.
Nhằm thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Phụ nữ Thanh Hóa chung sức xây dựng NTM”, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch, triển khai gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và Cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Trong đó, 8 tiêu chí của Cuộc vận động "xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" đã được các cấp hội triển khai sâu rộng đến 100% cán bộ, hội viên, phụ nữ gắn với gia đình văn hóa và xây dựng NTM. Đồng thời, các cấp hội đã tích cực tuyên truyền, vận động phụ nữ hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” nhằm thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” góp phần thực hiện 9/19 tiêu chí NTM.
Theo đó, tại mỗi huyện, Hội lựa chọn 10 hộ trong 1 thôn có vườn liền kề nhau để xây dựng vườn mẫu. Ban chỉ đạo có sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương. Sau khi được tham quan thực tế tại Hà Tĩnh, các hộ tham gia mô hình đều tổ chức trồng các tuyến đường hoa, bờ rào xanh, tạo khung cảnh xanh - sạch - đẹp; thực hiện cải tạo lại vườn tạp theo sơ đồ quy hoạch - thiết kế vườn đã được UBND xã xác nhận; bố trí lại khu chăn nuôi hợp lý, chỉnh trang nhà cửa gọn gàng, khoa học, tiện dụng, phân loại rác tại hộ gia đình. Mô hình “nhà sạch, vườn mẫu” từng bước hình thành nhờ sự thay đổi từ những điều nhỏ nhất và có sức lan tỏa lớn.
Giai đoạn 2016 - 2018, đã có 565.263 hội viên phụ nữ được tuyên truyền nội dung cuộc vận động, chương trình xây dựng NTM. Thông qua đó, đã có 239.163 m2 đất được hội viên, phụ nữ hiến tặng để làm đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi, đóng góp 393.772 ngày công lao động và trên 2.000 tỷ đồng tiền mặt để xây dựng NTM. Nhiều mô hình thiết thực, cách làm hiệu quả giúp đỡ hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, tiếp cận thông tin, thực hiện tốt 19 tiêu chí xây dựng NTM. Tiêu biểu như: Mô hình CLB “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “chi hội phụ nữ tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm”, “chi hội kiểu mẫu 5 không 3 sạch”, “đường hoa thay thế cỏ dại ven đường”, “Nhà sạch - vườn mẫu”, “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”; HTX dịch vụ vệ sinh môi trường; mô hình chuỗi giá trị sản phẩm đảm bảo VSATTP thông qua thành lập tổ hợp tác/hợp tác xã...
Ông Lê Đăng Trâm, thôn Yên Thịnh, xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành, cho biết: Bây giờ có phong trào nhà sạch vườn mẫu, 1 nhà, 2 nhà sạch, cả làng làm theo. Về nhà sạch thấy phấn khởi, mát mẻ.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Với phương châm "cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn từ những việc nhỏ nhất, chỉ sau một thời gian ngắn, mô hình "Nhà sạch - vườn mẫu” đã phát triển thành phong trào rộng khắp trên toàn tỉnh Thanh Hóa với những thay đổi thiết thực trong đời sống nhân dân. Mô hình điểm “Nhà sạch - vườn mẫu” bước đầu đã tạo nên diện mạo mới nông thôn, người dân tích cực ứng dụng công nghệ vào sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống gắn với bảo vệ môi trường; thực hiện tốt Cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.”
Đối với mô hình "Nhà sạch - vườn mẫu”, việc phát huy vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình, xã hội đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực tại Thanh Hóa, góp phần phát triển phong trào rộng khắp, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.