Lan tỏa tình yêu tơ lụa truyền thống Việt Nam đến phụ nữ quốc tế

Bài, ảnh: Trần Lê
21/03/2023 - 14:00
Lan tỏa tình yêu tơ lụa truyền thống Việt Nam đến phụ nữ quốc tế

Các nữ cán bộ ngoại giao, nữ đại sứ và phu nhân đại sứ các nước tại Việt Nam trải nghiệm hoạt động ươm tơ dệt lụa

Những trải nghiệm thú vị “theo dấu tằm tơ”, tìm hiểu dòng chảy văn hóa trong lụa Việt; khám phá và trải nghiệm hoạt động ươm tơ dệt lụa truyền thống của Việt Nam đã được giới thiệu tới các nữ cán bộ ngoại giao, nữ đại sứ và phu nhân đại sứ các nước tại Việt Nam.

Hoạt động chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương (VIETSERI) và thương hiệu lụa DeSilk phối hợp tổ chức ngày 21/3/2023 tại Hà Nội.

Đây là dịp các nữ cán bộ ngoại giao, nữ đại sứ và phu nhân đại sứ các nước tại Việt Nam có dịp khám phá và trải nghiệm hoạt động ươm tơ dệt lụa truyền thống của Việt Nam, tìm hiểu dòng chảy văn hóa trong lụa Việt.

Lan tỏa tình yêu tơ lụa truyền thống Việt Nam đến phụ nữ quốc tế - Ảnh 1.

Các đại biểu tham quan khu vực trồng dâu rộng khoảng 3ha trong khuôn viên Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương (VIETSERI)

Giới thiệu về nghề nuôi tằm, dệt vải, ông Lê Hồng Vân, Giám đốc VIETSERI cho biết: Nuôi tằm dệt vải đã xuất hiện, tồn tại và phát triển trong dân gian Việt Nam từ hàng ngàn năm nay. Hiện nay, Việt Nam nằm trong Top 4 các nước có nghề dâu tằm đang phát triển mạnh mẽ. Trồng dâu nuôi tằm đang là sinh kế là nguồn sống của hơn 100.000 nông dân Việt nam, trong đó đa số là phụ nữ. Tơ tằm vẫn giữ được vị trí "nữ hoàng" trong ngành dệt may bởi những đặc tính bóng, mượt không thể thay thế và thân thiện với cuộc sống con người. 

Đội ngũ cán bộ khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương ngày đêm bám sát phòng thí nghiệm cũng như các địa bàn trồng dâu nuôi tằm trên cả nước từ bắc vào nam, từ đồng bằng cho tới miền núi xa xôi, đã xây dựng được công nghệ nuôi tằm tiên tiến mang tính đột phá giúp thay đổi diện mạo nghề trồng dâu nuôi tằm, góp phần thúc đẩy nghề tằm phát triển mạnh mẽ.

Lan tỏa tình yêu tơ lụa truyền thống Việt Nam đến phụ nữ quốc tế - Ảnh 2.

Trưởng đại diện của UN Women tại Việt Nam  Elisa Fernandez tham gia trải nghiệm

Tham dự chương trình trong bộ áo dài truyền thống của Việt Nam, bà Elisa Fernandez - Trưởng đại diện của UN Women tại Việt Nam chia sẻ: "Khi tôi đến Việt Nam cách đây 5 năm, tôi đã biết về vẻ đẹp tuyệt vời của bộ áo dài. Theo truyền thống, áo dài được làm từ lụa, và lụa đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa và kinh tế của Việt Nam. 

Lụa cũng đã được liên kết với các phong trào của phụ nữ. Ví dụ, khi phong trào bình đẳng giới bắt đầu phát triển ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, sản xuất tơ lụa đã trở thành một biểu tượng trao quyền cho phụ nữ. Phụ nữ tham gia sản xuất lụa tự tổ chức thành hợp tác xã và Mou sử dụng thu nhập từ công việc của họ để hỗ trợ các hoạt động xã hội và chính trị, chẳng hạn như giáo dục cho trẻ em gái. Nhìn về tương lai, tôi hy vọng rằng ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam sẽ tiếp tục mở đường cho bình đẳng giới và thịnh vượng".

Lan tỏa tình yêu tơ lụa truyền thống Việt Nam đến phụ nữ quốc tế - Ảnh 3.

Bà Văn Hằng, nhà sáng lập thương hiệu DeSilk (bìa phải) giới thiệu các sản phẩm lụa Việt

Cũng tại sự kiện, các đại biểu được nghe bà Văn Hằng, nhà sáng lập thương hiệu DeSilk chia sẻ về dòng chảy văn hóa trong lụa, từ khi dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam, cũng như sứ mệnh của lụa khi đất nước bước và thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Lấy cảm hứng từ thiên nhiên, thủ công truyền thống và văn hoá Việt Nam giàu bản sắc dưới cái nhìn, sự giải mã mang phong cách thiết kế hiện đại phương Tây, các sản phẩm lụaDeSilk tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ, đồng thời tái định nghĩa lại thương hiệu cao cấp của người Việt. 

Lan tỏa tình yêu tơ lụa truyền thống Việt Nam đến phụ nữ quốc tế - Ảnh 4.

Chị Ruchi Gupta (Ấn Độ) cho biết chị đã có những trải nghiệm thú vị khi tìm hiểu về nghề ươm tơ dệt lụa và dòng chảy văn hóa lụa Việt.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, chương trình đặc biệt ý nghĩa với những nghiên cứu, sản phẩm mang đậm nét văn hoá, lịch sử Việt Nam. Các đại diện tham dự, dù cán bộ ngoại giao hay các phu nhân ngoại giao, không chỉ đóng góp triển khai công tác đối ngoại, mà chính là những cầu nối để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, cầu nối về văn hóa, lịch sử, cầu nối để gắn kết các quốc gia, dân tộc, gắn kết giữa người dân với người dân.

Khách mời tìm hiểu về lụa Việt

Những trải nghiệm thú vị "theo dấu tằm tơ" không chỉ lan tỏa tình yêu tơ lụa Việt mà thông qua các nữ khách mời quốc tế còn là cơ hội lớn nhằm quảng bá ngành dâu tằm và dệt lụa của Việt Nam ra thế giới.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm