pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Làng mặt trăng" ở Hàn Quốc cho thấy góc nhìn khác về một Seoul hoa lệ
Jason Basulto, du khách Mỹ 27 tuổi, đã dành thời gian đến thăm làng Guryong, một trong những khu ổ chuột nổi tiếng ở xứ Kim chi. Anh tò mò về khía cạnh khác ở thủ đô Hàn Quốc hào nhoáng và sôi động, giống như những ngôi nhà bán hầm trong phim "Parasite" (Ký sinh trùng).
"Không chỉ tại Hàn Quốc, các khu ổ chuột ở đô thị còn xuất hiện trong nhiều quốc gia khác bởi vì sự chênh lệch giàu nghèo là vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên khung cảnh làng Guryong nằm giữa những tòa nhà cao tầng thực sự đem lại ấn tượng mạnh mẽ", anh Jason Basulto cho biết.
Du khách người Mỹ này cho rằng đây có thể là một nơi thú vị để ghé thăm đối với những người quan tâm đến các vấn đề xã hội. Trên YouTube, có một số video ghi lại hành trình tham quan ngôi làng này. Qua đó có thể thấy, nơi đây là những dãy nhà lụp sụp tương phản với các khu chung cư cao tầng lấp ló ngay bên kia đường.
Một clip mô tả ngôi làng Guryong là "một thực tế đáng buồn bên trong thành phố tiên tiến hàng đầu thế giới".
Trong một video khác, một YouTuber người nước ngoài cố gắng phỏng vấn cư dân ở Guryong với những câu hỏi như "Ở đây có nước và điện không?". Dưới phần bình luận, nhiều người xem ngạc nhiên trước sự tồn tại của một nơi như vậy ở quận Gangnam sang trọng, là nơi ở của giới thượng lưu.
"Làng mặt trăng"
Nằm dưới chân Guryongsan, một ngọn đồi ở Gaepo-dong, Gangnam, làng Guryong là một trong những khu ổ chuột cuối cùng còn sót lại ở Seoul, thường được gọi là "làng mặt trăng".
Trong tiếng Hàn Quốc, "daldongnae" có nghĩa là "làng ánh trăng" - chỉ những mảnh đất nằm trên ngọn đồi, là nơi ngắm trăng đẹp và thơ mộng hơn rất nhiều so với các khu vực xung quanh.
Ngôi làng Guryong được hình thành trong quá trình phát triển của Seoul vào những năm 70, 80, khi những người có thu nhập thấp buộc phải rời khỏi trung tâm thành phố để nhường chỗ cho các tòa văn phòng cao tầng và chung cư. Bên cạnh đó, nhiều người từ các vùng quê khác đi tìm việc làm, họ không có nhiều sự lựa chọn ở những khu đô thị đắt đỏ.
Vì vậy, ngôi làng được hình thành và xây dựng trên sườn núi, nằm ở vị trí cao, gần mặt trăng hơn. Do đó, đây là cách mà người Hàn Quốc gọi ngôi làng này bằng một cái tên lãng mạn như vậy.
Vào lúc đỉnh điểm, ngôi làng chiếm khoảng 320.000 m2 đất, có hơn 1.100 hộ gia đình. Hiện tại, có khoảng 600 người vẫn đang sống ở đây, 454 hộ gia đình đã được di dời tính đến năm ngoái.
Làng mặt trăng là nơi ở của nhiều người cao tuổi.
Sau khi giá bất động sản ở Gangnam bùng nổ, Guryong đã thu hút nhiều sự chú ý khi nơi đây là một trong những mảnh đất cuối cùng còn sót lại có thể xây nhà mới. Tuy nhiên các kế hoạch nhằm phát triển Guryong vấp phải khó khăn, chủ yếu liên quan đến vấn đề tiền bồi thường.
Tháng 6/2021, chính quyền thành phố Seoul đã phê duyệt kế hoạch xây dựng 2.838 ngôi nhà mới của một nhà phát triển nhà ở do thành phố điều hành, khoảng 1.107 ngôi nhà trong số đó sẽ được phân bổ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Những ngôi nhà ở Guryong chủ yếu được xây dựng bằng ván ép, kim loại, các tấm nhựa và hộp các tông. Phần lớn cư dân nơi đây là những người đã lớn tuổi, họ không có công việc ổn định và làm đủ mọi thứ để kiếm sống.
Nhiều người kiếm tiền bằng cách thu gom chai lọ và lon từ khu Gangnam rồi bán chúng cho các công ty tái chế. Đây là công việc có thể giúp họ kiếm được hơn 238.000 đồng một ngày. Cụ Han Young-ae, một cư dân 74 tuổi, đã sống trong làng 32 năm, nuôi lớn ba đứa con ở đó. Bà kiếm được khoảng 5,7 triệu đồng một tháng với công việc giao hàng.
Không muốn thu hút sự chú ý
Khu ổ chuột gần Gangnam nhận được sự quan tâm khi những hình ảnh tương tự xuất hiện trong nhiều bộ phim nổi tiếng toàn cầu, chia sẻ yếu tố thực tại xã hội. Ví dụ trong phim Squid Game, 456 người Hàn Quốc liều lĩnh đặt cược mạng sống, tham gia các trò chơi để có cơ hội giành được giải thưởng lớn.
Còn bộ phim đoạt giải Oscar Parasite không chỉ giúp điện ảnh Hàn Quốc nhận được sự quan tâm trên toàn cầu mà còn khiến giới truyền thông chú ý đến vấn đề nghèo đói, sự chênh lệch giữa người giàu và người nghèo.
Cùng với những ngôi nhà bán hầm, làng Guryong bằng cách nào đó đã trở thành một biểu tượng của sự phân chia giàu nghèo rõ rệt ở Hàn Quốc.
"Tôi muốn giới thiệu địa điểm bị lãng quên này để mọi người nghĩ sâu hơn một chút về thế giới, nó có cả người giàu và người nghèo ở khắp mọi nơi. Tôi hy vọng các bạn sẽ thích và nghĩ về những chi tiết sâu sắc này ở Hàn Quốc", một YouTuber nói trong video giới thiệu về làng Guryong.
Tuy nhiên, một số dân làng tỏ ra không thích bị chú ý.
"Ngôi làng của chúng tôi không phải là điểm du lịch hay phim trường. Đó là nơi sinh sống của chúng tôi. Sinh kế của chúng tôi không nên được sử dụng để thu hút sự chú ý từ mọi người", một người dân giấu tên cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo địa phương.