pnvnonline@phunuvietnam.vn
Làng nghề nấu rượu thời kiểm soát nồng độ cồn: Nhiều hộ dân bỏ nghề
Bà Diêm Thị Dung cho biết, vợ chồng bà cũng tính chuyển nghề khác nhưng do tuổi cao nên khó thay đổi
Nép mình bên dòng sông Cầu thơ mộng, xã Vân Hà mang nét đẹp cổ kính của làng quê Bắc Bộ xưa. Không chỉ nổi tiếng là một vùng quê đẹp, xã Vân Hà được nhiều người biết đến với nghề nấu rượu truyền thống ở làng Vân.
Ông Nguyễn Đình Mỹ, Chủ tịch UBND xã Vân Hà, cho biết: "Khoảng 15-20 năm trở về trước, làng Vân lúc đó có khoảng 400-500 hộ nấu rượu. Ngày đó, khi con cái lập gia đình, của hồi môn bố mẹ tặng thường là một bộ đồ nghề nấu rượu. Còn hiện nay cả làng chỉ còn khoảng 100 hộ làm nghề, trong tổng số 1.030 hộ".
Trong số 100 hộ được ông Mỹ đề cập, nhiều hộ chỉ nấu rượu vào thời điểm nông nhàn hoặc dịp lễ, Tết. Số hộ lấy nghề nấu rượu làm kế sinh nhai ở làng Vân hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. "Nghề nấu rượu đang ở giai đoạn rất khó khăn và gần như cả làng đã bỏ nghề", nghệ nhân Nguyễn Đức Hạnh, chủ cơ sở nấu rượu Dung Hạnh, chia sẻ.
Gia đình ông Hạnh hiện là hộ dân hiếm hoi ở làng Vân vẫn nấu rượu mỗi ngày. Không chỉ có vợ chồng ông Hạnh - bà Diêm Thị Dung, vợ chồng con trai của ông bà là Nguyễn Đức Nghĩa - Nguyễn Thị Cải cũng làm nghề này.
"Vợ chồng tôi không biết được là đời thứ mấy làm nghề nấu rượu. Từ bé, tôi đã được bố mẹ truyền nghề, lấy chồng lại tiếp tục với nghề, người làng Vân trước đều thế cả nhưng giờ khác rồi", bà Dung, 62 tuổi, chia sẻ.
Theo bà Dung, nghề nấu rượu rất công phu nhưng thu nhập không cao, kể cả thời "hoàng kim". Để có được mẻ rượu ngon, trước hết phải lựa chọn hạt gạo nếp cái hoa vàng đủ chín, không dùng gạo còn non hay thu hoạch khi lúa đổ. Đặc biệt, men là yếu tố "tiên quyết" và đây chính là bí quyết của làng Vân - loại men được làm từ hàng chục vị thuốc Bắc để cho ra loại rượu hảo hạng, nức tiếng.
Nhà bà Dung rộng 600 m2 nhưng vẫn trở nên chật chội bởi một hệ thống nấu rượu được lắp đặt khép kín. Trên diện tích lớn, vợ chồng bà Dung chia ra nhiều phòng: phòng lên cơm, phòng lên men, phòng chứa nguyên liệu, phòng lọc và những phòng chứa từng loại rượu khác nhau. Ngoài ra, gia đình bà Dung còn xây một hầm chứa rượu, hiện vẫn còn hàng nghìn lít rượu chưa bán.
"Rượu làng Vân khi nấu xong, chưa sử dụng được luôn mà phải để trong chum sành, đem hạ thổ, đặt trong hầm và bảo quản ở nhiệt độ thích hợp. Để bán ra thị trường, rượu phải được để ít nhất 8 tháng, có khi mấy năm. Riêng rượu hấp cúc, sản phẩm của gia đình tôi đã đạt chất lượng OCOP, phải trải qua 2 lần chưng cất. Công đoạn hấp hoa cúc rất tỷ mỉ và phải là nghệ nhân có tay nghề cao mới làm được", nghệ nhân Nguyễn Đức Hạnh cho biết.
Thời kỳ cao điểm, ngoài 4 nhân lực chính trong gia đình, ông Hạnh phải thuê 5-6 người lao động. Mỗi ngày, hàng trăm lít rượu ra lò và nấu đến đâu bán hết đến đó.
"Ngày trước, bước vào làng là tấp nập xe cộ ra vào chở gạo, rượu. Đi khắp các ngõ ngách trong làng là mùi hương của rượu nếp thoang thoảng nhưng tất cả… giờ chỉ còn là ký ức. Gia đình tôi cũng có tiếng ở làng nhưng hiện sản lượng đã giảm khoảng 70%", ông Hạnh buồn bã nói.
Chuyển hướng làm nghề khác
Theo các nghệ nhân, rượu làng Vân đã tồn tại qua nhiều thế kỷ. Tương truyền, dưới triều đại phong kiến, rượu làng Vân thường xuyên được dùng trong các buổi yến tiệc của hoàng cung. Vào năm 1703, rượu làng Vân đã được nhà vua phong bốn chữ vàng "Vân Hương mỹ tửu".
Hiện nay, 2 câu đối được vua phong vẫn hiện diện trên cổng làng "Vân Hương mỹ tửu lừng biển Bắc/Chiến công Như Nguyệt rạng trời Nam".
Nghệ nhân Nguyễn Đức Hạnh cho biết, làng nghề nấu rượu đang bị mai một. Những người vẫn duy trì nghề như vợ chồng ông muốn chuyển nghề cũng không biết làm gì. Vợ chồng ông Hạnh có 2 người con trai, một người theo nghề bố mẹ nhưng sắp tới, vợ chồng con trai sẽ phải đi tìm việc khác để làm vì giờ không thể sống được bằng nghề này. Vợ chồng ông Hạnh đã ngoài 60 tuổi nhưng cũng đang tính thời gian tới sẽ làm thêm nghề khác để duy trì cuộc sống.
Không chỉ có các hộ đơn lẻ gặp khó, Hợp tác xã Vân Hương, một trong những đơn vị có quy mô sản xuất lớn, cũng đang đối diện với tương lai khó khăn. Nghệ nhân nấu rượu Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Hợp tác xã Vân Hương, không giấu được nỗi buồn cho biết: "Sản lượng bán ra hiện giảm 90%. Thời điểm năm 2010 vẫn còn 15 hộ tham gia Hợp tác xã nhưng giờ hầu hết họ nghỉ, đi làm việc khác. Có ngày không bán được lít nào, nếu không làm việc khác thì họ lấy gì để sống".
Hợp tác xã Vân Hương được thành lập năm 2001 trên nền tảng là cơ sở sản xuất rượu làng Vân. Ông Tường cho biết, đã đầu tư 10 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc phục vụ cho việc nấu rượu. Đây cũng là đơn vị đã xây dựng tháp tinh luyện rượu cao 5 tầng nổi bật giữa xã Vân Hà nhằm mục đích khử các chất gây hại cho sức khỏe, đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Tiếng tăm vượt ra a khỏi vùng Kinh Bắc nhưng Hợp tác xã Vân Hương đang ở trong giai đoạn rất khó khăn. Ông Tường cho rằng, việc thực hiện nghiêm ngặt Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn cùng với xu thế thị trường thay đổi đã khiến làng nghề nấu rượu này rơi vào cảnh ảm đạm. "Dù có danh tiếng hàng trăm năm nhưng rượu làng Vân sẽ không duy trì được. Lớp trẻ bây giờ chẳng còn ai theo nghề, các cháu đi làm việc khác", ông Trường nói.
Chủ tịch UBND xã Vân Hà Nguyễn Đình Mỹ cũng thừa nhận, việc kiểm soát chặt nồng độ công khiến nghề nấu rượu ở làng Vân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến làng nghề bị mai một là do yếu tố thị trường.
Theo đó, khoảng 10 năm trở lại đây trên địa bàn các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang có hàng trăm nhà máy, công ty mọc lên trên các khu công nghiệp. Hầu hết lao động đã chọn đi làm công nhân thay vì ở nhà nấu rượu.
"Nghề nấu rượu rất công phu nhưng thu nhập không cao. Trước đây, khi chưa có các khu công nghiệp, người dân ít có lựa chọn việc làm nên vẫn gắn bó với nghề nấu rượu. Còn bây giờ, người lao động hầu như không ai chọn gắn bó với nghề này", ông Mỹ chia sẻ.
Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), ước tính, trong năm 2023, ngành bia giảm 11% doanh thu và 23% lợi nhuận trước thuế. Trước đó, năm 2022, ngành này cũng chịu tăng trưởng âm 7%.
Theo kết quả kinh doanh của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), năm 2023, lợi nhuận sau thuế là khoảng 4.255 tỷ đồng, giảm 23%. Tương tự, lãi năm ngoái của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) giảm 30% so với năm 2022, còn 355 tỷ đồng.