pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lạng Sơn đẩy mạnh tiềm năng du lịch, hướng tới tăng trưởng bền vững

Hình ảnh tổng quan Lạng Sơn
Khơi dậy sức mạnh từ di sản và địa chất
Lạng Sơn – vùng đất địa đầu Tổ quốc – không chỉ nổi bật với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nơi lưu giữ chiều sâu văn hóa và lịch sử. Với hơn 335 di tích lịch sử, 280 lễ hội truyền thống cùng sự đa dạng bản sắc của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh..., địa phương này được xem là một kho tàng di sản văn hóa đặc sắc, giàu tiềm năng phát triển du lịch bền vững.
Đặc biệt, việc Công viên Địa chất Lạng Sơn được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu đã mở ra cơ hội lớn để tỉnh phát triển du lịch địa chất – một loại hình du lịch mới, giàu tính trải nghiệm và khám phá, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế.

Hang động trong hệ thống Công viên địa chất Lạng Sơn
Tạo động lực từ đầu tư hạ tầng và chính sách linh hoạt kích cầu du lịch
Trong thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã chú trọng đầu tư đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ phát triển du lịch. Hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú, các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn và dịch vụ hỗ trợ được nâng cấp, từng bước hình thành các tuyến, điểm du lịch đặc trưng.
Song song, các chương trình kích cầu du lịch cũng được triển khai quyết liệt: tổ chức lễ hội truyền thống đầu năm, Ngày hội Yoga quốc tế và giao lưu văn hóa Ấn Độ tại Lạng Sơn; ưu đãi vé vào cửa tại các điểm du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú quảng bá sản phẩm trên nền tảng số, tham gia các sự kiện triển lãm, hội chợ du lịch diễn ra trong và ngoài tỉnh; tăng cường quảng bá du lịch trên các kênh như Facebook, TikTok, YouTube, kết hợp truyền hình và báo chí địa phương, trung ương.
Tỉnh Lạng Sơn cũng tiếp tục nghiên cứu tổ chức các chương trình kích cầu du lịch gắn với sự kiện văn hoá, lễ hội truyền thống; tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng du lịch trọng điểm (Khu du lịch Mẫu Sơn); tăng cường đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nhất là kỹ năng số, ngoại ngữ, văn hóa ứng xử du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, như: du lịch biên giới, du lịch gắn với nông nghiệp và trải nghiệm văn hóa dân tộc.
Nhờ đó, một số sản phẩm du lịch đặc thù đã dần khẳng định được thương hiệu, tạo dấu ấn riêng biệt cho du lịch Lạng Sơn. Môi trường du lịch được đảm bảo an toàn, là yếu tố quan trọng giúp ngành du lịch địa phương phát triển bền vững.

Du lich Gia Bình
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho hay, tổng lượng khách tính đến tháng 6 năm 2025 là 3.110.000 lượt khách, tăng 4,7 % so với cùng kỳ 2024, đạt 70,7% so với kế hoạch năm 2025. Trong đó: Khách quốc tế đạt 131.000 lượt khách, tăng 67,9% so với cùng kỳ 2024, đạt 43,7% so với kế hoạch năm 2025; khách trong nước đạt 2.979.000 lượt khách, tăng 3% so với cùng kỳ 2024, đạt 85,1% so với kế hoạch năm 2025.
Tổng doanh thu từ du lịch 6 tháng đầu năm ước đạt 2.931 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ 2024, đạt 65,1% so với kế hoạch năm 2025.
Cũng trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện kiểm tra điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch đối với 11 cơ sở; thẩm định và ban hành quyết định công nhận 1 cơ sở đạt tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe phục vụ khách du lịch. Tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh hiện nay là 303 cơ sở với 4.175 buồng trong đó có 420 buồng đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao.
Tính đến nay toàn tỉnh có khoảng 8.500 lao động du lịch, trong đó có 4.200 người lao động trực tiếp. Trong 6 tháng đầu năm thực hiện tiếp nhận và giải quyết 42 hồ sơ cấp thẻ hướng dẫn viên (19 thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm, 21 thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 2 thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa).
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay có 54 điểm du lịch cấp tỉnh. Hiện nay đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình UBND tỉnh công nhận điểm du lịch Hang Cốc Mười - Pác Lùng, Ký Làng (xã Tri Phương, huyện Tràng Định). Một số dự án đầu tư du lịch của các nhà đầu tư đang trong quá trình triển khai thực hiện, lũy kế nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách đến nay đạt 6.158 tỷ đồng.

Du lịch Hữu Lũng
Song song với những kết quả đạt được, ngành du lịch tỉnh vẫn còn đối mặt không ít thách thức. Một số dự án chậm tiến độ do vướng mắc trong điều chỉnh quy hoạch chung, phân khu; khó khăn trong thủ tục đầu tư; chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương.
Trước thực trạng này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ kết nối Lạng Sơn với các tổ chức phi chính phủ, dự án đầu tư nước ngoài để phát triển làng du lịch cộng đồng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hỗ trợ quảng bá sản phẩm du lịch; hợp tác chặt chẽ với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); hoàn thiện hồ sơ đề nghị Làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn tham gia giải thưởng ASEAN nhằm lan tỏa thương hiệu du lịch cộng đồng xứ Lạng.
Tăng tốc các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số
Triển khai Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 10/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy du lịch và đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 11/5/2025, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành và địa phương.
Theo đó, tỉnh tập trung vào sáu nhóm giải pháp trọng tâm: Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, nâng cao nhận thức về vai trò ngành du lịch đến toàn xã hội; tổ chức các sự kiện, hội nghị xúc tiến đầu tư; ứng dụng chuyển đổi số trong xúc tiến quảng bá; triển khai mã QR có logo tỉnh tại 100% tuyến đường, công trình công cộng, danh thắng.
Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc như: leo núi Yên Thịnh, đua bè mảng trên sông Kỳ Cùng, chèo thuyền kayak tại hồ Nong Dùng, cắm trại ở Hữu Liên, bè tre trên thảo nguyên Đồng Lâm... Đồng thời hoàn thiện hồ sơ làng Quỳnh Sơn dự giải thưởng Làng du lịch tốt nhất UN Tourism.
Tăng cường thu hút đầu tư, nhất là vào các khu, điểm du lịch trọng điểm. Hiện Sở đang xây dựng nghị quyết hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng và khai thác giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO giai đoạn 2025–2030; hỗ trợ nhà đầu tư khảo sát và phát triển dự án, cải cách mạnh thủ tục hành chính.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng như cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng, Đồng Đăng – Trà Lĩnh, quốc lộ 4B – quốc lộ 18… Đây là những dự án động lực kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển du lịch.
Đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Triển khai đề án đô thị thông minh giai đoạn 2021–2025; giữ gìn vệ sinh môi trường tại các khu du lịch; phối hợp bảo tồn đa dạng sinh học, địa chất; hình thành các "con đường mòn địa chất" mang tính trải nghiệm cao.
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỉnh đã ban hành kế hoạch đào tạo, nâng cao kỹ năng cho lao động du lịch đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh đến kỹ năng số, ngoại ngữ, văn hóa ứng xử - những yếu tố then chốt để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Với định hướng chiến lược, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và nỗ lực không ngừng trong khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có, Lạng Sơn đang từng bước khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn, thân thiện, an toàn trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế. Đây sẽ là động lực quan trọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong những năm tới.