Lạng Sơn: Sáng kiến trong truyền thông sức khỏe sinh sản, tình dục vị thành niên

02/10/2018 - 16:22
Để giảm thiểu tình trạng trẻ vị thành niên, thanh niên bị “mù giới tính”, mang thai ngoài ý muốn…, mới đây, tại Lạng Sơn đã có những sáng kiến trong việc sử dụng đòn bẩy truyền thông, xây dựng tài liệu, sử dụng đội ngũ cộng tác viên ở khu dân cư, tư vấn đối thoại trực tiếp, tập huấn cho chủ các hiệu thuốc… hướng tới việc cung cấp thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tình dục an toàn và thân thiện cho các em.

Mới đây, một học sinh lớp 10 từ Lạng Sơn đã gọi điện vào đường dây tư vấn tình yêu, hôn nhân dưới Hà Nội để xin tư vấn về việc: “Cháu theo đạo Thiên Chúa và đã lỡ mang thai 2 tháng mà đạo Thiên Chúa thì không thể phá thai được. Bây giờ gia đình cháu chưa biết. Bạn bè thầy cô cũng không biết. Cháu không biết phải làm thế nào? Thực sự bây giờ cháu rất hoang mang…”.

 

Nói về thực trạng trẻ em gái vị thành niên trên địa bàn gặp khó khăn và mang thai ngoài ý muốn, bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Trung tâm Dân số thành phố Lạng Sơn thừa nhận: “Tuy chưa có được con số thống kê cụ thể về tỷ lệ này nhưng qua theo dõi tình hình thực tế và báo cáo từ cơ sở cho thấy một thực trạng là  trẻ em ở Lạng Sơn, đặc biệt là khu vực thành phố có nguy cơ dậy thì sớm. Trong khi đó, với nhiều cha mẹ vẫn còn tồn tại tư tưởng cho rằng nói với con về sức khỏe sinh sản, tình dục, giới tính là vẽ đường cho hươu chạy, dẫn đến việc trẻ bị thiếu hiểu biết về tình dục an toàn, mang thai ngoài ý muốn. Theo thông tin từ các phòng khám tư nhân nhỏ và vừa trên địa bàn cũng cho thấy số lượng trai gái trong độ tuổi vị thành niên đến để khám và có nhu cầu phá thai cũng thường chiếm phần đông”.

2935_a.jpg
Theo Giám đốc Trung tâm Dân số TP Lạng Sơn: "Gần đây, trên địa bàn có trường hợp trẻ em gái vị thành niên phải bỏ học sớm, ở nhà sinh con" (Ảnh minh họa)

Để giảm thiểu thực trạng này, ông Nguyễn Quang Bằng – Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KKHGĐ tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Trong thời gian gần đây, chúng tôi đã xác định tập trung nhiều hơn vào đòn bẩy của truyền thông với nhiều hình thức sáng tạo và đa dạng. Cụ thể:

 

Xây dựng các tài liệu truyền thông riêng dành cho đối tượng đích là học sinh, cán bộ làm công tác dân số/y tế, các thầy cô giáo,…  với các nội dung ngắn gọn, dễ hiểu về sự thay đổi tâm sinh lý trong thời kỳ vị thành niên, sinh lý thụ tinh, kinh nguyệt ở vị thành niên, thai nghén và sinh đẻ ở vị thành niên, các biện pháp tránh thai dành cho vị thành niên (không giao hợp, bao cao su, thuốc tránh thai khẩn cấp, thuốc diệt tinh trùng…), những vấn đề chung về nhiễm khuẩn đường sinh sản, hội chứng tiết dịch âm đạo ở vị thành niên, hội chứng tiết dịch niệu đạo, hội chứng loét sinh dục, sùi mào gà, tình dục an toàn và lành mạnh, vị thành niên với vấn đề bạo hành…

6.jpg
Tài liệu truyền thông được xây dựng dành riêng cho đối tượng đích...

Chú trọng tư vấn, đối thoại trực tiếp thông qua các hoạt động phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức các buổi học ngoại khóa cho học sinh các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông về tăng cường truyền thông – tư vấn về SKSSVTN/TN và cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ... Tại đây, các giảng viên là người có chuyên môn về dân số, y tế, sau khi cung cấp kiến thức, dành nhiều thời gian để các em hỏi, đáp trực tiếp thì còn sử dụng những hình ảnh trực quan (các loại thuốc tránh thai, dưa chuột, mẫu bao cao su…) để hướng dẫn sử dụng đúng cách.

img_20180930_195257.jpg
Học sinh cấp 3 trong buổi truyền thông về phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, tác hại của các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục gắn kết với học kỹ năng sống tại T.P Lạng Sơn (2018)

Sử dụng đội ngũ cộng tác viên dân số/y tế, đi từng ngõ, gõ từng nhà … tận dụng lợi thế là những người sống ở ngay cộng đồng khu dân cư, họ có thể nắm rõ đối tượng, nhu cầu, có thời gian gần gũi với gia đình và các em để có thể tuyên truyền, hướng dẫn mọi lúc, mọi nơi…".

 

Ví dụ như trường hợp chị  Vũ Thị Thanh Hà ở Phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn làm công tác dân số từ hơn 10 năm nay. Chị cho biết, công việc của mình, ngoài việc tập trung tuyên truyền, vận động, triển khai các kế hoạch liên quan đến dân số và phát triển như chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, tư vấn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… thì còn rất chú trọng đến các vấn đề của trẻ vị thành niên. Chị cho biết: “Trẻ vị thành niên là đối tượng rất đặc thù bởi các em chưa lớn hẳn cũng không còn phải là trẻ con. Ở lứa tuổi này, các em rất tò mò về vấn đề giới tính, tình bạn, tình yêu… trong khi nhiều gia đình, cha mẹ vẫn coi đây là điều cấm, khó nói. Do đó, để tiếp cận được các em thì cần phải khéo và thân thiện. Tại phường có 4.092 hộ, trong những năm qua, trung bình mỗi tháng tôi đều đi cơ sở ít nhất 5 đợt trong 1 tháng “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Mỗi đợt xuống được khoảng 20-30 hộ gia đình, trong đó ưu tiên những nhà có trẻ trong độ tuổi vị thành niên để kết bạn, trò chuyện rồi sau đó mới nói được với cha mẹ và các em về các vấn đề liên quan đến giới tính, sức khỏe, giới thiệu về các biện pháp phòng tránh mang thai ngoài ý muốn…”.

3.jpg
Chị Thanh Hà (áo kẻ, đứng) đang "gõ tận nhà dân" tại Khối 7 phường Vĩnh Trại để truyền thông nhóm về chăm sóc SKSSVTN/TN cho phụ huynh (6/2018). 

Đặc biệt, trong thời gian tới, ngành Dân số Lạng Sơn sẽ hướng cung cấp dịch vụ CSSKSS, tình dục an toàn, thân thiện cho vịt hànhnieen bằng việc cung cấp địa điểm "tư vấn, hỗ trợ" là địa chỉ nhà của các cộng tác viên, trạm y tế, các phường, xã…; Xây dựng kế hoạch thí điểm hoạt động tiếp cận các bác bán hàng rong, cửa hàng tạp hóa ở cổng trường, chủ  các cửa hàng thuốc tây tại TP Lạng Sơn và huyện Bắc Sơn... về những kiến thức liên quan đến chăm sóc SKSS, tình dục vị thành niên, các biện pháp tránh thai (bao cao su, viên tránh thai khẩn cấp...) và về thái độ khi hỗ trợ các em, cần tế nhị, kín đáo, thân thiện…

 

Kết quả, năm 2017 ngành Dân số tỉnh đã phối hợp với tỉnh Đoàn tổ chức được 6 buổi tuyên truyền SKSSVTN/TN tại các trường (THCS thị trấn Na Sầm – Văn Lãng, THPT Pác Khuông – Bình Gia, THPT Lương Văn Tri – Văn Quan, THPT Thị trấn Lộc Bình, THPT Tú Đoạn – Lộc Bình), thu hút 4.650 học sinh, giáo viên tham gia. Truyền thông nhóm, CLB với nội dung SKSSVTN/TN lồng ghép với các nội dung khác được 719 nhóm/13.422 lượt người tham gia… Trong 6 tháng đầu năm 2018, đã tổ chức truyền thông tại 10 trường tiếp cận tới 5.224 học sinh...  Riêng TP Lạng Sơn có 38 lớp với 1.365 em ở 8/8 trường THCS và học sinh các trường cấp 3 được tiếp cận kiến thức về các biện pháp tránh thai, tác hại của mang thai ngoài ý muốn… gắn với kỹ năng sống; Đã có 193 quyển tài liệu về sức khỏe sinh sản chuyển tới các em; Thành lập được 2 câu lạc bộ CSSKSS trước hôn nhân vào tháng 6/2018 tại xã Hoàng Đồng và Phường Tam Thanh...
unnamed.jpg

Theo bà Nguyễn Thị Loan (đứng) - Trung tâm Dân số TP Lạng Sơn: "Cách đây vài năm, khi chúng tôi đi truyền thông, các em rất e dè, kín đáo phải viết những thắc mắc "thầm kín" của mình ra giấy để nhờ giải đáp; Bây giờ, các em đã khác hẳn, đã bạo dạn đứng lên hỏi những kiến thức về tuổi dậy thì như kinh nguyệt, hẹp bao quy đầu, về tình dục an toàn như bao cao su, thuốc tránh thai để tự bảo vệ chính mình".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm