Lãnh đạo cấp cao của Plan Bỉ thăm và làm việc tại Hội LHPNVN

08/10/2019 - 15:52
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa tổ chức Plan International (PI) Bỉ và Trung ương Hội LHPN Việt Nam, sáng nay (8/10), Đoàn lãnh đạo cấp cao của PI Bỉ đã đến thăm và làm việc với Trung ương Hội LHPNVN. Đây cũng là dịp để đoàn nắm bắt tình hình sử dụng nguồn viện trợ của Bỉ tại Việt Nam thông qua Hội LHPNVN.

Buổi thăm và làm việc của đoàn gồm có bà Leen Gysen -  Chủ tịch Plan International Bỉ, ông Francois Defourny - Giám đốc chương trình quốc tế Plan International Bỉ, bà  Sharon Kane - Giám đốc Quốc gia Plan Việt Nam và các cán bộ Plan Việt Nam. Đón tiếp đoàn là bà Trần Thị Hương – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cùng lãnh đạo ban Quốc tế, ban Gia đình xã hội thuộc cơ quan Hội LHPN Việt Nam.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương nhấn mạnh, PI Bỉ đã hỗ trợ một phần rất đắc lực, từ đó giúp Hội hiện thực hóa các chỉ tiêu của Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII. Bà cũng đánh giá cao sự hỗ trợ nhiệt tình của các thành viên thuộc dự án đối với Hội LHPN Việt Nam, để dự án đã đi được một chặng đường khá dài và hiệu quả, từ đó mong muốn tiếp tục có sự hợp tác, hỗ trợ của PI Bỉ trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: D.H

Tại buổi làm việc, Đoàn lãnh đạo cấp cao PI Bỉ đã lắng nghe đại diện Hội LHPN Việt Nam báo cáo chi tiết về dự án “Vì một thế giới đảm bảo quyền trẻ em và bình đẳng giới cho trẻ em”, được ký kết giai đoạn 2017 – 2021.

Với sự tài trợ của Cơ quan hợp tác phát triển Bỉ (DGD), dự án được tổ chức Plan International (PI) Bỉ, PI Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam, Trung tâm sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&Learn) thực hiện ở cấp Trung ương và 2 huyện thuộc hai tỉnh, bao gồm huyện Kon Lông - Kon Tum và huyện Sìn Hồ - Lai Châu.

Dự án hướng đến mục tiêu giúp trẻ em dân tộc 0-8 tuổi tại tỉnh Kon Tum và Lai Châu được phát triển trong môi trường an toàn và kích thích phát triển thông qua tiếp cận chăm sóc giáo dục trẻ thơ, giáo dục mầm non-tiểu học có chất lượng, có sự tham gia của cộng đồng và lãnh đạo địa phương. Bên cạnh đó, trẻ em (từ 6 tuổi trở lên) được học trong môi trường an toàn hơn thông qua nâng cao năng lực và sự tham gia của cộng đồng trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu.

Đoàn cán bộ cấp cao của PI Bỉ tại buổi làm việc. Ảnh: D.H

Với chặng đường hơn 2 năm thực hiện dự án (tính đến tháng 6/2019), bà Nguyễn Tuyết Mai – Trưởng Ban Gia đình xã hội, cho biết: Dự án đã đạt được một số kết quả nhất định. Trong đó, nhóm kết quả thứ nhất là đã tăng số lượng Hội phụ nữ tỉnh, thành phố áp dụng mô hình chăm sóc phát triển trẻ thơ và chương trình hoạt động như 43 tỉnh, thành địa bàn ngoài vùng dự án được tập huấn, hướng dẫn triển khai áp dụng mô hình Nhóm cha mẹ; 13 xã ngoài địa bàn dự án tại Sìn Hồ và 4 xã ngoài địa bàn dự án thuộc huyện Kon Plông lồng ghép chương trình chăm sóc phát triển trẻ thơ vào chương trình hoạt động của Hội.

Dự án cũng đạt được mục tiêu tăng số lượng các nhóm cha mẹ do Hội Phụ nữ quản lý. Theo đó, có 2015 nhóm cha mẹ được áp dụng nhân rộng tại địa bàn ngoài vùng dự án, 263 nhóm Chăm sóc phát triển trẻ thơ dựa vào cộng đồng được vận hành và quản lý bởi Hội Phụ nữ huyện  Sìn Hồ và Kon Plông…

Một trong những nội dung được thực hiện hiệu quả trong khuôn khổ dự án, theo bà Tuyết Mai là đã chuẩn bị các buổi đối thoại quan trọng với các nhà hoạch định chính sách về việc biên soạn chương trình Giáo dục cha mẹ. “Đây là nội dung có ý nghĩa với Hội, chúng tôi đã tham mưu đề xuất chương trình và được Thủ tướng đồng ý về mặt chủ trương. Dự án là cơ sở quan trọng để Hội có thêm căn cứ thực tiễn, khoa học để đề xuất Chính phủ phê duyệt chương trình” – bà Mai cho hay.

Nhóm kết quả thứ hai của dự án là cải thiện cung cấp dịch vụ tốt hơn cho trẻ em từ 0 – 8 tuổi trong địa bàn dự án để hỗ trợ các em phát triển về các chỉ số học tập, sức khỏe, tình cảm xã hội…

Nhóm kết quả thứ ba thuộc dự án trong hơn 2 năm qua, đó là cha mẹ có con từ 0 – 8 tuổi trong vùng dự án có khả năng tạo môi trường kích thích để trẻ phát triển toàn diện. “Tỷ lệ cha mẹ được thực hành về chăm sóc và kích thích trẻ phát triển tại Sìn Hồ là 50% và tại Kon Plông là 100%” – bà Tuyết Mai nhấn mạnh.

Và nhóm kết quả cuối cùng, theo bà Tuyết Mai là lãnh đạo địa phương và người cung cấp dịch vụ được nâng cao kiến thức và hiểu biết về mô hình phát triển trẻ thơ toàn diện cho trẻ từ 0 – 8 tuổi để cải thiện chính sách và thực hành.


 

Với giai đoạn tiếp theo của dự án, đại diện Hội LHPN Việt Nam đề xuất phía PI Bỉ một số vấn đề như: Trong thiết kế dự án cần tăng cường thêm các hoạt động nhằm thúc đẩy bình đẳng cho trẻ em gái và các hoạt động bảo vệ trẻ em, phòng ngừa trẻ bị bạo hành, xâm hại; hỗ trợ ngân sách cho tỉnh nhân rộng tập huấn hướng cho tình nguyện viên triển khai mô hình nhóm cha mẹ (có thể hỗ trợ mỗi tỉnh làm điểm tại 1 huyện, trên cơ sở đó tỉnh sẽ nhân rộng ra các huyện trên địa bàn tỉnh); tiếp tục hỗ trợ xây dựng hoàn thiện chương trình quốc gia về Giáo dục cha mẹ…

Tại buổi làm việc, bà Sharon Kane cho biết, bà cảm thấy khá hài lòng khi báo cáo đã nêu khá chi tiết về các hoạt động của dự án. “Khi tôi đặt chân đến Việt Nam là lúc tôi ký dự án với Hội. Đây là dự án lớn và phối hợp nhiều người, hơn nữa là lần đầu làm việc với Hội tôi thấy hơi lo lắng. Tuy nhiên, khi nhìn thấy kết quả nỗ lực của Hội thì tôi thấy rất vui, đặc biệt khi các bạn đã nhân rộng được mô hình này ra ngoài vùng dự án” – bà Sharon chia sẻ.

Nữ Giám đốc Plan Việt Nam cũng khẳng định, dự án này rất ý nghĩa với cha mẹ, tác động mạnh mẽ đến trẻ em gái và cả trẻ em trai. Vì vậy trong chiến lược mới của Plan Việt Nam, khi cắt giảm từ 5 dự án xuống còn 2 dự án thì đơn vị này vẫn tiếp tục lựa chọn dự án này để thực hiện.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm