Du khách dừng lại mua đào trên Quốc lộ 4D - đoạn qua phường Hàm Rồng (TX Sa Pa, Lào Cai).
Dù Lào Cai không có đào rừng và không dán tem truy xuất nguồn gốc nhưng các thương lái vẫn yêu cầu có giấy xác nhận đào nhà trồng để thuận tiện cho việc vận chuyển, buôn bán.
Thị xã Sa Pa là thủ phủ đào Tết của tỉnh Lào Cai với diện tích trồng trên 100ha, tập trung ở xã Tả Phìn (nhiều nhất), phường Sa Pả, phường Ô Quý Hồ. Liên quan đến vấn đề mua bán đào Tết, trước đó Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tự do khai thác, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng cây và cành đào, mai.
Ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND Thị xã Sa Pa cho biết, hiện tại chính quyền địa phương chỉ có văn bản “Tăng cường quản lý, ngăn chặn tình trạng khai thác, bày bán các loài động, thực vật rừng hoang dã, quý, hiếm” triển khai văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và của tỉnh, chứ không có văn bản chỉ đạo riêng về cây đào.
Trước đó, khi có chỉ đạo “cấm chặt phá đào rừng để đón Tết”, những hộ trồng đào trên địa bàn có chút lo lắng. Tuy nhiên “Vì Lào Cai không có đào rừng tự nhiên, chỉ có đào được các hộ dân trồng phân tán trên diện tích đất nông nghiệp, nên việc buôn bán, vận chuyển đào vẫn bình thường như các năm trước, không có gì thay đổi cả”, ông Vương Trinh Quốc cho hay.
Cũng theo Chủ tịch UBND Thị xã Sa Pa, những ngày qua đã có nhiều thương lái đến phường Ô Quý Hồ mua đào chở về Hà Nội bán. Thời điểm này, chính quyền địa phương vẫn chưa thấy có phản ánh nào về việc buôn bán đào.
Người dân bày bán đào Tết dọc Quốc lộ 4D hướng đi Lào Cai - Sa Pa kể từ 5 đến 6 ngày trở lại đây.
Chia sẻ về việc này, anh Giàng A Sử (25 tuổi, dân tộc Mông, trú tại phường Sa Pả) cho biết, gia đình anh có hơn 2 ha đào trồng trên nương của gia đình. Vào thời điểm này năm ngoái, anh Sử bán được nhiều hơn. “Dẫu vậy, tôi cũng không lo mấy, vì đào này chặt ra từ cây của nhà. Loại đào này rất dễ phân biệt với đào rừng, đào rừng cây mọc thẳng, thân và cành không có rêu. Ngược lại, đào trồng trong nương, cây có nhiều nhánh và thân cây có rêu”, anh Sử chia sẻ.
Nhà anh A Chám (36 tuổi, dân tộc Mông), hộ trồng đào ở phường Sa Pả có khoảng 30 gốc đào. Các gốc đào này đã trồng được 7 - 8 năm, với mỗi cành đào loại nhỏ bán được khoảng 500.000 đồng.
Nhà anh Ma Lẩu (35 tuổi, dân tộc Mông) trồng hơn 100 cây, năm nay anh chặt cành từ 10 cây để bán. “Nhưng vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên năm nay có khả năng bán được ít hơn”, anh Lẩu tâm sự.
Tuy nhiên, trước chủ trương “cấm chặt phá đào rừng” một số hộ trồng đào nơi đây cũng bày tỏ lo lắng sốt ruột – vì sợ các địa phương khác không phân biệt được đào rừng - đào trồng và yêu cầu phải truy cấp nguồn gốc xuất xứ.
Trả lời về vấn đề này, trước đó, ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở NN&PTNT tỏ rõ quan điểm, tỉnh sẽ không truy xuất nguồn gốc cây đào. "Chúng tôi đã kiểm chứng rất kỹ, Lào Cai chỉ có đào trồng ở vườn nhà. Do đó không cần truy xuất, dán tem truy xuất nguồn gốc vì sẽ liên quan đến các thủ tục hồ sơ phức tạp", ông Duy chia sẻ trên tuoitre.vn.
Được biết, dù Lào Cai không có đào rừng và không dán tem truy xuất nguồn gốc nhưng các thương lái ở Hà Nội và một số tỉnh thành khác vẫn yêu cầu có giấy xác nhận đào nhà trồng để thuận tiện cho việc vận chuyển, buôn bán.