Lào Cai: Kinh tế khởi sắc nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở phường Nghĩa Lộ

Trường Sa
18/07/2025 - 13:21
Lào Cai: Kinh tế khởi sắc nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở phường Nghĩa Lộ

Canh tác dưa hấu cho năng suất cao hơn

Những năm qua, các hộ gia đình nông dân ở phường Nghĩa Lộ, tỉnh Lào Cai, có chuyển chuyển biến tích cực, khởi sắc nhờ kết quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Là một trong những vùng trồng cây ăn quả trọng điểm lên tới hàng ngàn ha,mỗi năm phường Nghĩa Lộ cung ứng ra thị trường hàng nghìn tấn hoa quả, tạo ra nguồn thu lên tới hàng chục tỷ đồng. 

Ông Phạm Minh Long, ở thôn 9, phường Nghĩa Lộ, cho biết: Trước kia kinh tế của gia đình tôi chủ yếu phụ thuộc và trồng chè, đến vài năm trở lại đây, thực hiện chủ trương phát triển xây dựng nông thôn mới, gia đình tôi đã chuyển đổi sang mô hình trồng cam xen canh với chè trên diện tích 3ha, thu nhập khoảng 400 triệu đồng mỗi năm. Kể từ khi phát triển kinh tế trồng trọt theo hướng này tôi thấy hiệu quả hơn rất nhiều”.

Gia đình chị Hoàng Thị Thúy, ở bản Khinh, phường Nghĩa Lộ cũng là một trong những điển hình về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nông nghiệp, khi chuyển đổi sang trồng dưa hấu.

Chị Thúy cho biết: “Sau khi tìm hiểu học hỏi kỹ thuật canh tác, gia đình tôi đã chuyển sang trồng dưa hấu, đây là loại cây cũng dễ trồng, dễ chăm sóc, thu nhập cũng khá hơn so với việc canh tác các loại cây trồng truyền thống như lúa ngô, chè, trung bình mỗi vụ dưa hấu đem lại nguồn thu cho gia đình bà Thúy khoảng 50 - 60 triệu đồng.

Lào Cai: Kinh tế khởi sắc nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở phường Nghĩa Lộ- Ảnh 1.

Mô hình chuyển đổi trồng mướp đắng thay trồng lúa

Hàng năm, các hộ gia đình người dân ở phường Nghĩa Lộ còn chú trọng phát triển các loại cây trồng hoa màu như ngô, rau màu, mướp đắng, dưa các loại, ớt, bí đỏ lấy hạt, ớt xanh Nhật Bản, dưa lê, dưa hấu… Sự thay đổi không chỉ đến từ chủ trương đúng đắn của cấp ủy, chính quyền mà còn là kết quả của sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng từ người dân. Những vùng đất lúa kém hiệu quả trước đây giờ đây đã "thay áo mới” bằng những vườn cây ăn quả, ruộng rau màu cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần.

Bà Hoàng Thị Hoa, ở tổ 8 phường Nghĩa Lộ, cho biết: “Việc chuyển đổi cây trồng hiệu quả như hiện nay, một phần cũng nhờ vào sự phát triển đồng bộ từ cơ sở hạ tầng của chương trình nông thôn mới, đặc biệt là hệ thống đường giao thông nông thôn, nhờ đó mà việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đều tốt hơn trước, hàng hóa của người dân không còn lo ế ẩm, sản xuất ra bao nhiêu đều có thương lái bao tiêu hết, nên người dân chúng tôi cũng rất phấn khởi.

Hàng năm, các hội đoàn thể ở phường Nghĩa Lộ cũng tích cực kết nối, phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, tuyên truyền, vận động hội viên nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đem lại thu nhập cho người dân, trong đó có một số mô hình tiêu biểu như mô hình cây mướp lấy hạt, bí lấy hạt và ớt xuất khẩu. Trong chăn nuôi cũng vận động nông dân mạnh dạn đầu tư để xây dựng các mô hình vừa và lớn. Qua đó người dân cũng tích cực hưởng ứng và cũng mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi, từ đó đem lại thu nhập cao.

Lào Cai: Kinh tế khởi sắc nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở phường Nghĩa Lộ- Ảnh 2.

Cánh đồng ớt xanh ở phường Nghĩa Lộ

Kinh tế phát triển giúp cải thiện mức sống cho người dân ở phường Nghĩa Lộ, đặc biệt là tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ văn hóa, giáo dục, y tế tốt hơn, từ đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần. Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế còn tạo ra môi trường sống tốt hơn, văn minh hơn, thúc đẩy sự giao lưu, hội nhập và phát triển văn hóa ở địa phương.

Ông Nguyễn Mạnh Lợi, ở tổ 6 phường Nghĩa Lộ, chia sẻ: “Trước kia điều kiện kinh tế nông thôn còn nhiều khó khăn, thì việc giao lưu, giải trí, hoạt động thể thao còn rất hạn chế. Nhưng cho đến nay thì mọi thứ đã khác, cứ hết giờ lao động sản xuất, người dân lại tập trung ở các điểm nhà văn hóa, tham gia hoạt động văn hóa thể thao nâng cao sức khỏe rất đều đặn, góp phần nâng cao tình đoàn kết với nhau”.

Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Nghĩa Lộ cho thấy những đổi thay tích cực không chỉ được thể hiện qua những con số tăng trưởng hay diện tích chuyển đổi, mà còn thể hiện ở sự thay đổi trong tư duy sản xuất nhạy bén của người dân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm