pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lào Cai: Phát triển tri thức cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ có đạo
Hội LHPN tỉnh Lào Cai chú trọng khuyến khích chị em vươn lên, làm chủ kinh tế, làm giàu từ lợi thế địa phương
Với đặc thù là tỉnh vùng cao, nằm ở khu vực biên giới nên tại địa bàn tỉnh Lào Cai, tỷ lệ hộ nghèo cao, hạ tầng cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, trình độ nhận thức của hội viên phụ nữ dân tộc còn nhiều hạn chế, tỷ lệ tái mù chữ cao, hạn chế trong giao tiếp bằng tiếng phổ thông; công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ dân tộc thiểu số ở một số đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về công tác tôn tôn giáo tại một số địa phương còn hạn chế.
Đây là một trở ngại rất lớn đối với các cấp ủy, chính quyền nói chung và Hội LHPN trên địa bàn tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội” và hơn cả là tinh thần trách nhiệm cao, các cấp Hội đã không quản ngại khó khăn, tiếp tục đề ra nhiều giải pháp phát triển tri thức, hỗ trợ chị em phụ nữ đồng bào dân tộc, phụ nữ có đạo phát triển kinh tế, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động Hội.
Nỗ lực vươn lên, cùng giúp nhau thoát nghèo
Trong năm 2022, Hội LHPN tỉnh Lào Cai đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển, giảm nghèo bền vững; phối hợp cùng Ngân hàng CSXH tỉnh và Ngân hàng NN&PTNT thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay đối với hộ nghèo, đối tượng chính sách, vay vốn sản xuất kinh doanh. Tổng vốn vay là hơn 1 tỷ đồng cho gần 600 tổ tiết kiệm vay vốn với gần 19 nghìn hộ vay.
Bà Lục Thị Bình (huyện Mường Khương) xuất thân trong một gia đình người dân tộc Nùng. Cũng như nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn, bà Bình đã cùng gia đình quanh năm sống nhờ vào việc làm nông và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Sau khi tham gia phong trào phụ nữ nhiều năm, bà Bình được bầu làm Chi hội trưởng Hội phụ nữ thôn Chúng Chải B. Khi được tiếp cận với các phong trào thi đua dành cho chị em, bà đã mạnh dạn tham gia các lớp hướng dẫn về trồng trọt, chăn nuôi, tiên phong xây dựng mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ.
Nhờ sự cố gắng, chăm chỉ làm việc, bà Bình đã thành công với mô hình trồng cây ăn quả trên chính những bậc thang ruộng lúa truyền thống của dân tộc, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ vậy, bà Bình còn hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho các chị em trong thôn, cùng nhau cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, tại huyện Bắc Hà, mô hình “Thu gom xử lý chất thải chăn nuôi” do Hội LHPN xã Thải Giàng Phố thành lập cũng mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Theo đó, các hộ chăn nuôi chủ động xây hố, thu gom chất thải của trâu, bò rồi xử lý bằng men vi sinh, chất khử hôi làm ra phân bón cho cây trồng và bán cho các hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn. Sau hơn một năm hoạt động, nhiều hộ chăn nuôi do phụ nữ làm chủ hộ đã thu gom, xử lý chất thải đúng quy định. Đã có gần 2000 bao phân được bán ra với giá gần 40.000 đồng/bao, thu về trên 80 triệu đồng.
Bà Vũ Thị Tân, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, chia sẻ, ngoài việc hỗ trợ chị em phụ nữ phát triển kinh tế, các cấp Hội cũng quan tâm đến việc tuyên truyền, biểu dương các cá nhân tiêu biểu, mô hình, câu lạc bộ thiết thực trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội nhằm thu hút đông đảo hội viên tham gia, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng.
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Cùng với việc phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh cũng rất chú trọng đến việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho các chị em phụ nữ trên địa bàn, đặc biệt là chị em phụ nữ vùng đồng bào dân tộc, phụ nữ có đạo.
Trong những năm gần đây, vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số có giảm nhưng vẫn ở tỷ lệ thấp. Tại thị xã Sa Pa, hiện đang duy trì tổng cộng 5 mô hình “Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết”. Từ đầu năm 2022 đến nay, các mô hình này đã vận động được trên 30 trường hợp từ bỏ tảo hôn.
Chị Thào Thị Lan (xã Tả Van, thị xã Sa Pa) là một cá nhân điển hình. Chị là người trực tiếp đến cơ sở để chia sẻ về câu chuyện tảo hôn của mình với những gia đình có các em gái ở độ tuổi 15 - 17. Chị Lan cho biết: “Trước kia do nhận thức nên bố mẹ mình cho mình đi lấy chồng sớm. Bây giờ mình vận động mọi người phải thay đổi, không theo tục lệ cũ nữa. Phải thay đổi thì phụ nữ mới theo kịp được những người khác”.
Ngoài ra, Hội LHPN các cấp cũng đã thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở nắm chắc tình hình tôn giáo, các chức sắc tại địa phương để kịp thời có những tham mưu đề xuất với cấp ủy chính quyền về công tác tổ chức xây dựng, bồi dưỡng phát huy vai trò lực lượng cốt cán trong các tôn giáo.
Trong những năm qua vẫn còn một số người dân còn nhẹ dạ cả tin, bị kẻ xấu xúi giục, tụ tập đông người ở một số nhà dân để thực hiện truyền đạo trái phép nhằm chia rẽ mối đoàn kết trong nhân dân, gây ảnh hưởng đến tư tưởng và đời sống của hội viên, phụ nữ.
Vì thế, các cấp Hội trên địa bàn đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và Nhân dân thực hiện chính sách dân tộc; phối hợp với chính quyền, ban ngành địa phương tuyên truyền xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc. Không chỉ vậy, các cấp Hội còn vận động cán bộ, hội viên phụ nữ phụ nữ có đạo tiếp cận và thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, các chương trình phát triển tri thức…, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động Hội; khuyến khích huy động nguồn nội lực của từng địa bàn, từng nhóm đối tượng.
Theo cán bộ Hội LHPN tỉnh Lào Cai, trong thời gian tới, các cấp Hội vẫn tiếp tục tích cực nghiên cứu, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chủ động xây dựng kế hoạch tham gia vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc phản biện chính sách và giám sát quá trình thực hiện ở địa phương.