Lao động nữ Việt Nam: Làm nhiều nhưng thu nhập chưa tương xứng

14/06/2019 - 08:00
Sau 6 tháng nghỉ chế độ thai sản ở quê, chị Nguyễn Thị Hoa, 24 tuổi (quê xã Thiệu Châu, Thiệu Hóa, Thanh Hóa), gửi lại con cho ông bà nội chăm sóc, để ra nhà máy sản xuất điện thoại Samsung ở Phổ Yên (Thái Nguyên) tiếp tục công việc mình đã làm suốt 4 năm qua.

Với Hoa, có việc làm và thu nhập là một điều may mắn hơn nhiều bạn bè ở quê. Thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng, nếu tháng nào làm tăng ca thì được thêm 1-2 triệu đồng - đó là khoản tiền có thể đủ để Hoa góp cùng chồng trang trải cho sinh hoạt của gia đình. Song, họ đành chấp nhận sống xa con.

 

binh-dang.jpg
Ảnh minh hoạ

 

“Nếu đem con ra ngoài này thì chẳng ai trông. Ông bà ở quê thì không ra đây được, thuê người giúp việc thì mình không có tiền, đành gửi con lại cho ông bà. Vợ chồng em tính làm thêm 2-3 năm nữa, dành dụm ít vốn rồi về quê làm ăn thôi, không bám trụ mãi trên này được”, Hoa bộc bạch.

 

Câu chuyện của Hoa cũng là câu chuyện chung của nhiều gia đình nữ công nhân nhà máy Samsung (Thái Nguyên) - những người đang làm việc tại công xưởng sản xuất điện thoại smartphone được cho là lớn nhất thế giới và đóng góp tới 28% vào tỉ lệ tăng trưởng GDP của Việt Nam (năm 2018). Trong những căn phòng trọ chật hẹp và nóng nực, ám mùi ẩm mốc vì thiếu ánh sáng do chủ nhân ban ngày đi làm, chỉ được mở cửa về đêm, thỉnh thoảng vẫn có tiếng khóc của trẻ con, song không nhiều. Đó thường là những trường hợp bà nội (hoặc ngoại) lên trông cháu để bố mẹ đi làm. Thuê người giúp việc là điều không tưởng đối với các gia đình nữ công nhân ở đây, khi mức thu nhập dường như chỉ đủ giúp trang trải chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, tằn tiện lắm mỗi tháng cũng chỉ dành được một khoản tiết kiệm nhỏ nhoi.

 

Không riêng gì các khu công nghiệp, lao động nữ tự do ở thành phố cũng chật vật với việc làm và thu nhập. Để lại 5 sào ruộng cho gia đình người em gái làm, chị Đinh Thị Thu (Gia Viễn, Ninh Bình) quyết định “nói lời chia tay” với cây lúa, chấp nhận ra Hà Nội làm giúp việc gia đình. Trong khi chồng chị vào Nam để làm công nhân cạo mủ cao su ở Bình Dương. Theo chị Thu, nguyên nhân khiến vợ chồng chị buộc phải mỗi người một nơi kiếm sống là do không thể trông vào cây lúa. “Mỗi vụ dù có thu hoạch được gần 2 tấn lúa nhưng tất tần tật mọi chi phí, chi tiêu sinh hoạt gia đình đều trông chờ vào nó nên không đủ sống. Chi phí cho mỗi vụ sản xuất lúa đều cao, thu hoạch xong, đem đi bán thì giá lại rẻ. Có khi còn lỗ”, chị Thu chia sẻ.

 

“Bây giờ cháu lớn nhà tôi đang học đại học năm thứ hai ở ngoài này (Hà Nội - PV), cháu nhỏ thì đang học lớp 8, các khoản chi phí học hành cho các cháu mỗi tháng đâu có ít. Tôi với chồng tôi phải bàn nhau và quyết định đi làm thuê để kiếm tiền nuôi con ăn học, chứ bám vào cây lúa quả thực là không đủ sống chứ đừng nói là đủ đóng tiền học cho con”, chị Thu cho hay.

 

Bất bình đẳng trong vai trò lãnh đạo 

Báo cáo “Tình hình lao động và việc làm quý I năm 2019” của Tổng cục Thống kê công bố vào cuối tháng 3/2019 cho thấy, thu nhập giữa lao động nữ giới so với nam giới vẫn có sự chênh lệch. Thu nhập bình quân của lao động nam cao gấp 1,4 lần so với thu nhập bình quân của lao động nữ (tương ứng là 6,6 triệu đồng và 4,7 triệu đồng). Đặc biệt, sự chênh lệch về bình đẳng trong vai trò lãnh đạo càng lớn hơn, nam giới cao gấp 2,5 lần nữ giới (tương ứng là 1,6% so với 0,6%).

 

Thực tế, lao động nữ tại Việt Nam đang là lực lượng “lấp chỗ trống” trong cơ cấu kinh tế gia đình, khi lao động nam (người chồng) dịch chuyển sang loại hình khác. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), hiện cả nước có 4,9 triệu hộ kinh doanh cá thể, sử dụng khoảng 8,2 triệu lao động. Nhưng hoạt động tự sản, tự tiêu hộ gia đình đã được quan sát chỉ chiếm một con số rất khiêm tốn: 2,09%.

 

nld.jpg
Ảnh minh họa

 

Hơn 97% còn lại không (hoặc chưa) thể quan sát, tính toán được, bị đẩy sang loại hình kinh tế phi chính thức. Những lao động phi chính thức này (chủ yếu là phụ nữ) thường có thu nhập thấp và không thường xuyên, giờ làm việc dài và ít tiếp cận với các cơ hội phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Ngoài ra, do họ không được công nhận, đăng ký hay quản lý nên không được bảo vệ bởi các thể chế của thị trường lao động, người lao động trong khu vực phi chính thức phải đối mặt với nguy cơ trở thành “tầng lớp lao động nghèo”. Kinh nghiệm cho thấy, người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức và gia đình họ hay phải chịu thiệt thòi vì không được điều chỉnh bởi pháp luật lao động.

 

Mới đây, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó có phương án tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 và nam lên 62 (thay cho 55 và 60 như trước) đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhận xét về điều này, bà Andrea Prince, chuyên gia Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu của nữ tương đồng với nam giới là thực hiện Công ước 111 chống phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp mà Việt Nam đã phê chuẩn năm 1992.

 

Hơn nữa điều này còn liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, nếu lao động nữ nghỉ hưu ở độ tuổi trẻ, thời gian đóng góp BHXH ngắn, mức đóng góp thấp thì lương hưu sẽ thấp hơn nam giới. “Nghỉ hưu sớm với phụ nữ còn tác động tiêu cực đến nghề nghiệp và cơ hội thăng tiến của phụ nữ, vì khi ở độ tuổi nào đó, phụ nữ bắt đầu được thăng tiến thì lại đến tuổi nghỉ hưu, sẽ làm hạn chế việc nâng cao trình độ giữa nam và nữ”, bà Andrea Prince nhận xét.

 

Về lâu dài, đây có thể xem là nền tảng để lao động nữ ở Việt Nam thu hẹp khoảng cách về thu nhập và việc làm với lao động nam.

Tạp chí The Economis vừa có một bài viết về tình hình lao động của phụ nữ ở Việt Nam. The Economis cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động cao nhất (nghĩa là tỷ lệ phụ nữ đang làm việc được trả lương hoặc tìm kiếm nó) trên thế giới. Khoảng 79% phụ nữ từ 15 đến 64 tuổi trong lực lượng lao động, so với 86% nam giới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm