Lắp camera để quản lý bán kháng sinh, qui định trên trời?

27/11/2017 - 17:45
Bộ Y tế dự kiến thí điểm lắp camera tại một số quầy thuốc, hiệu thuốc tại một số tỉnh, thành để quản lý việc mua bán kháng sinh. Tuy nhiên, quy định này liệu có khả thi?
Theo Bộ Y tế, để kiểm soát tình trạng kháng thuốc và thực thi pháp luật trong việc bán thuốc, Bộ đã xây dựng Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020”. Trong đó, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ thí điểm giám sát bằng hệ thống camera tại nhà thuốc và đưa tiêu chí bán thuốc kháng sinh theo đơn vào tiêu chuẩn nhà thuốc đạt thực hành tốt (GPP).

Bộ Y tế sẽ bắt buộc các nhà thuốc phải quản lý thuốc, việc bán thuốc bằng công nghệ thông tin và có lưu đơn. Đối với các bác sĩ phải tuân thủ kê đơn thuốc điện tử và có lưu lại đơn để theo dõi việc sử dụng thuốc cho bệnh nhân. Bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh cho bệnh nhân nếu không cần dùng sẽ bị nêu tên, giảm lương, cắt thưởng…

Tuy nhiên, dư luận cho rằng, biện pháp trên của Bộ Y tế là không khả thi. Anh Hà Văn Hòa, chủ một hiệu thuốc ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, biện pháp Bộ Y tế đề ra mới nghe có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, thực tế thì sẽ không mang lại hiệu quả.

thuoc.jpg
Thay vì lắp camera, Bộ Y tế nên tìm cách thay đổi thói quen người dân và ý thức
nhân viên y tế trong việc mua bán, sử dụng thuốc kháng sinh


Anh Hòa phân tích: Để lắp camera thì các hiệu thuốc đều lắp được. Hiện tại, đa phần các hiệu thuốc đều đã lắp camera để quản lý nhân viên. Tuy nhiên, nếu quy định này để xử phạt sẽ có nhiều điểm không khả thi. Thứ nhất, ai sẽ quản lý việc lắp camera, trường hợp không lắp thì sẽ thế nào. Hơn nữa, hầu hết hình ảnh qua camera là đen trắng, lại không có âm thanh. Vậy, nếu chỉ nhìn qua camera thì có biết được hiệu thuốc bán gì không. Nếu không biết thì xử lý như thế nào. Ngoài ra, nếu buộc phải lắp thì có quy định vị trí lắp đặt ở đâu. Bởi nếu không, nhiều hiệu thuốc chỉ lắp cho có, còn vị trí thì họ đặt ở chỗ khuất thì đâu có thể xử lý.

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Hà, nhân viên Nhà thuốc 99 phố Triệu Quốc Đạt (Hà Nội) cho rằng, thường người sử dụng chỉ lưu hình ảnh trong một thời gian nhất định. Ví  như 1 tuần, 2 tuần, nếu không bộ nhớ sẽ không chứa được. Khi kiểm tra, không biết cơ quan chức năng sẽ kiểm tra thời điểm nào để hiệu thuốc lưu.

Ngoài ra, nếu hiệu thuốc mất điện, hoặc chủ cố tình ngắt điện cho mất hình ảnh thì sao. Đó là chưa kể, đơn vị nào sẽ thanh kiểm tra việc giám sát mua bán qua camera hay lại giao cho địa phương.

“Bộ luôn kêu lực lượng mỏng, không thể thanh kiểm tra hết được nên việc mua bán tân dược mới loạn như hiện nay. Giờ thêm việc, thì ai sẽ quản lý và chịu trách nhiệm. Hơn nữa, ngành dược là đặc thù, chỉ người trong ngành mới biết được, nếu giao cho người không có chuyên môn thì họ lại gây khó dễ cho các hiệu thuốc”, chị Hà nói.

Góp ý về quy định này của Bộ Y tế, chị Lê Thị Hà, cán bộ Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, việc đầu tiên là phải nâng cao ý tinh thần trách nhiệm của cán bộ y tế, đặc biệt là từ cơ sở y tế. Thực tế, bác sĩ thường kê kháng sinh nên người dân sẽ lạm dụng. Sau đó, là phải làm rầm rộ thông tin kế hoạch này trên các phương tiện truyền thông để người dân hiểu. Các cơ quan báo chí cũng thường xuyên đưa thông tin về các vụ kháng kháng sinh thì người dân mới sợ và hiểu.

Còn đối với việc lắp đặt camera thời điểm này là không khả thi và lãng phí. Vì vậy, việc trước mắt là thay đổi thói quen của người dân cùng với thay đổi ý thức của bác sĩ trong việc lạm dụng kê kháng sinh. Với hiệu thuốc cũng phải tuyên truyền; đồng thời phạt nặng nếu vi phạm, ví như phạt đến 100 triệu đồng nếu mua bán kháng sinh không có đơn và rút giấy phép kinh doanh. Vài trường hợp bị như vậy, hiệu thuốc sẽ không dám “liều lĩnh” bán kháng sinh không đơn như hiện nay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm